Chú Đức Trung kính mến!
Chúng cháu quen nhau từ hồi lớp 12, rồi 4 năm học đại học, học xong ra trường cùng về tỉnh nhà làm việc. Cháu là cán bộ kỹ thuật ở khối văn phòng, anh phụ trách kỹ thuật dưới nhà máy sản xuất, cùng một công ty của ngành cao su, ở khu vực Duyên hải miền Trung. Chúng cháu cưới nhau đã được 3 năm, có con gái hơn một tuổi. Tình cảm vợ chồng cháu phải nói là rất hạnh phúc. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân và gia đình hai bên nội, ngoại vô vùng ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, cháu có nỗi khổ riêng mà cháu chẳng biết tâm sự cùng với ai. Nay cháu viết thư tâm sự cùng chú Đức Trung và mong nhận được những lời khuyên bổ ích của chú.
Gia đình chồng cháu, ba còn đi làm, má đã nghỉ hưu được 7 năm nay. Chồng cháu là con trưởng và là con trai duy nhất. Em gái chồng đã có gia đình, ở bên nhà chồng. Vì vậy có muốn, chúng cháu cũng không thể ra ở riêng được.
Sống ở nhà chồng, nhất cử nhất động cháu đều bị má chồng chỉnh. “Đi làm về không chịu nấu cơm còn làm gì đó?”, “Sao con mua sắm nhiều vậy, phung phí quá!”, “Sao quần áo lại ngắn thế kia, con đi thay đồ khác cho đàng hoàng”, “Nước giặt con lấy nắp đong, quần áo ít thì đổ bớt lại. Phụ nữ phải biết tiết kiệm thì chồng mới khá được…”. Cháu cảm thấy vô cùng mệt mỏi, ngột ngạt vì có cảm giác má chồng muốn can thiệp, hay soi mói và thích chỉ đạo mọi việc trong gia đình, kiểm soát con cái.
Từ ngày về nhà chồng, cháu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 6 giờ sáng, má chồng mở toang cửa, nói bóng gió cháu ngủ nướng, kêu dậy nấu đồ ăn sáng cho chồng. Có lần cháu bị cảm cúm, mẹ chồng cứ nói đi nói lại rằng tại cháu ngủ máy lạnh nhiều nên sức khỏe kém. Cháu tâm sự với chồng, anh nói hiểu và thương cháu nhưng lại kêu nhường nhịn má cho êm cửa êm nhà. Cháu luôn tự hỏi cháu sẽ phải chăm sóc, dạy con thế nào khi má chồng thích can thiệp vào mọi chuyện như vậy? Cháu phải làm sao bây giờ thưa chú Đức Trung?
CHÁU GÁI
Cháu thân mến!
Chú Đức Trung rất vui là:“Tình cảm vợ chồng cháu phải nói là rất hạnh phúc. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân và gia đình hai bên nội, ngoại vô vùng ngưỡng mộ”. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi những mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Thực tình là má chồng cháu muốn can thiệp, hay soi mói và thích chỉ đạo mọi việc trong gia đình. Có lẽ bởi, má chồng cháu đã lớn tuổi, đã nghỉ hưu, chỉ còn lo chăm việc nhà, luôn nghĩ mình là người hiểu và yêu con trai mình hơn, nên luôn lo lắng cho con trai, nên thường phản đối con dâu trong một số vấn đề như cháu đã kể như trên.
Cháu hay “bị má chồng chỉnh”, có thể vì bà nghĩ: cháu đã giành mất con trai của bà. Bà phản ứng vì ganh tị, tủi thân vì con trai bà hết lòng chăm sóc, nuôi nấng nay chỉ biết mỗi vợ. Cháu hãy đặt mình vào vị trí người mẹ, bày tỏ sự biết ơn vì đã nuôi dưỡng chồng để mình có hạnh phúc hôm nay.
Cháu cần hiểu vị trí, vai trò của mình với má chồng, phải tôn trọng nếp sống gia đình nhà chồng. Trước bất cứ sự chê bai, trách cứ nào, cháu cần phải bình tĩnh để ứng xử khéo léo và tìm lối thoát, tránh để xung đột nghiêm trọng hơn. Cháu cần tìm kiếm sự thông cảm giữa mẹ chồng – nàng dâu. Theo đó, cháu có thể chủ động hỏi ý kiến má chồng về những vấn đề cần giải quyết trong gia đình. Khi đó, má chồng cháu sẽ thấy bà có vị trí rất quan trọng trong gia đình và con dâu lúc nào cũng kính trọng mình.
Cháu hãy tỏ ra thân thiện, gần gũi với má chồng thì bà cũng sẽ có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và sẽ dễ tính hơn. Trong trường hợp hết cách, cháu hãy để chồng nói chuyện với má chồng của cháu, vì anh ấy hiểu rõ má mình và lời nói cũng được bà dễ dàng tiếp nhận hơn. Chúc cháu thành công.
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Đừng mặc cảm, hãy tự tin bước tiếp!
- Phòng chống Covid-19 ở cao su Bà Rịa
- Mạnh mẽ vượt qua cơn đau cuối!
- Buồn vì con không chịu lập gia đình
- Cao su Sa Thầy hướng về miền Nam thân thương
- Phó Chủ tịch Quốc hội tham quan mô hình chăn nuôi 4F của Quế Lâm
- Xã hội hóa mua vaccine COVID-19 giúp Việt Nam sớm đạt miễn dịch cộng đồng
- TP HCM được phân thêm gần 980.000 liều vắc-xin Covid-19
- Cảnh giác mất cắp xe máy cuối năm
- Ngành cao su hướng về đồng bào miền Trung