Lao động trẻ em và nỗi lo người lớn

CSVN – Số liệu Điều tra quốc gia về Lao động trẻ em được công bố mới đây khiến ai cũng phải giật mình: Có đến 9,6% , tương đương 1,75 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 17 ở Việt Nam là lao động trẻ em!
Trẻ em bán vé số trên đường phố
Trẻ em bán vé số trên đường phố
Theo chân các lao động… nhí

Khoảng 5 giờ sáng một ngày đầu tháng 7/2017, chúng tôi tìm đến chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP. HCM). Mới mờ sáng nhưng chợ đã khá sôi động. Những đám trẻ đang hì hục kéo hàng vào chợ chất lên sạp. Xen giữa những người lớn, nhiều đứa chỉ nhỉnh hơn chiều cao của chiếc… cần xé hay chiếc bao tải mà chúng đang kéo.

Một thằng bé trạc 12 – 13 tuổi, tự giới thiệu là Tuấn đen đang kéo chiếc bao tải hàng lớn, dừng tay nói vội khi chúng tôi hỏi chuyện: “Nhà tui dưới ghe. Trước chuyên bán báo dạo. Đánh bài hết vốn bị đại lý cúp hàng nên qua nghề này mới mấy tháng”. “Sống được không?”. “Làm cũng có tiền, nhưng “phê” quá!” – Tuấn đen hồn nhiên kể.

Những đứa trẻ xung quanh tò mò kéo lại. Bây giờ chúng tôi càng nhìn rõ hơn, hàng chục đứa với những gương mặt ngái ngủ, lem luốc. Chưa kịp hỏi thêm, những đứa nhỏ chợt tản ra trở về với công việc khi nghe tiếng quát của các chủ hàng…

Em Nguyễn Chí Cường, năm nay 14 tuổi, quê ở một xã nghèo tận Quảng Ngãi, kể từ đầu mùa hè năm ngoái, Cường đã theo dòng người nhập cư vào Sài Gòn, nơi hứa hẹn một cuộc sống với đầy đủ ba bữa cơm và “chút dằn túi”. Em  kể: “Năm kia, bác Hai (ông chủ nhiều xe mì gõ – ngụ Bình Thạnh) về quê biểu ba má cho em vô Sài Gòn làm việc với bác. Bác Hai còn đưa trước ba má em 2 triệu đồng. Ba má không muốn cho em đi nhưng cũng cần vốn làm ăn nên cuối cùng đồng ý… Cùng đi với em lần đó còn có ba đứa cùng xóm, trạc tuổi”.

Cũng không chỉ ở các ngôi chợ, bất cứ ai đi trên đường cũng đều thấy những đứa trẻ lang thang, dáng vẻ lầm lũi, áo quần nhớp nháp. Phần lớn các em từ các tỉnh, nhiều nhất từ miền Tây và miền Trung đổ về. Có đứa đi đánh giày, có đứa đi bán dạo nhưng đông hơn cả là “đội quân” bán vé số. “Căn cứ” của những “tập đoàn” trẻ bán vé số dạo thường đóng tại các quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, quận 9…nơi dân cư lao động tập trung đông đúc. Mỗi chủ đại lý vé số vẫn luôn có sẵn vài chục đứa trẻ “đầu quân” để được cấp vé số đi bán dạo hàng ngày khắp các nơi.

Đại lý vé số của ông Thái Hồng Kiệt trên đường Lê Văn Việt, quận 9, TP.HCM có khoảng 30 đứa như thế, hầu hết đều đến từ các tỉnh miền Trung, miền Tây. Từ mờ sáng, bọn trẻ bắt đầu lên đường. Nhiều người dân trong khu vực cho biết ông Kiệt đã giàu lên nhờ những đứa trẻ này. Hoặc mang tính “chuyên nghiệp” hơn là những “cô, chú” nhóc làm công nhân trong các cơ sở sản xuất thủy tinh, cao su, bóc hạt điều, đúc kim loại, cưa xẻ gỗ.

Cần phải quản lý từ gốc

Theo số liệu điều tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM, ở TP hiện nay có khoảng 15.000 lao động trẻ em. Đáng chú ý, số trẻ bị lạm dụng sức lao động lên đến con số gần 5.000 em. Thực tế, đây chưa phải là con số thực. Hầu hết chính quyền, phòng lao động, cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em các địa phương khi chúng tôi đến để tìm hiểu đều trả lời không nắm con số cụ thể.

Theo một cán bộ thuộc Sở LĐ – TB&XH TP. HCM, vừa qua UBND TP. HCM đã ban hành chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn đến năm 2020. Chương trình nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Cụ thể, Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ, trẻ em và người chưa thành niên về các chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em; 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Sinh