Tình yêu xuyên biên giới

CSVN – Nhiều cán bộ, công nhân người Việt thuộc thế hệ đầu qua xứ sở Chùa Tháp làm cao su đã gặp gỡ rồi nên duyên, viết lên những chuyện tình Việt Nam – Campuchia đầy lãng mạn. Họ chọn ở lại, cùng nửa kia vun đắp hạnh phúc, xây dựng mái ấm gia đình, gắn bó, ổn định kinh tế cùng dòng mủ trắng cao su.

Anh Vũ Văn Nam và vợ Pho Phea dạy con học tiếng Việt
Mối tình đẹp vượt biên giới

Năm 2023 đánh dấu 16 năm VRG phát triển cao su trên đất bạn Campuchia. Ngần ấy thời gian, vượt nhiều thách thức, hành trình người Việt sang làm cao su tại xứ sở Chùa Tháp đã gặt hái nhiều trái ngọt. Cây cao su Việt thời gian qua đã tạo nhiều công ăn việc làm cho NLĐ bản địa, góp phần ổn định xã hội, thay đổi diện mạo địa phương… Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ cán bộ người Việt qua làm cao su lựa chọn kết đôi với người Campuchia, xây dựng tổ ấm ngay tại xứ sở này. Những mối tình xuyên biên giới này được lãnh đạo địa phương, các công ty cao su đánh giá có ý nghĩa, thêm gắn kết mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước.

Cuối tháng 12/2023, chúng tôi có dịp “xuất ngoại”, ghé thăm hoạt động trồng, chăm sóc cây cao su của Công ty TNHH PTCS Hoàng Anh Mang Yang K, tại tỉnh Ratanakiri, Campuchia. Ở đây, chúng tôi được lãnh đạo công ty dẫn đến thăm hỏi các gia đình cán bộ, công nhân Việt làm cao su thành gia lập thất với người bản xứ và lắng nghe chuyện tình của họ.

Như câu chuyện tình đẹp của anh Vũ Văn Nam, hiện là Tổ trưởng Tổ 2, NT 3 và cô vợ Pho Phea. Anh Nam sinh năm 1986, quê Nghệ An, là một trong những người Việt đầu tiên qua Campuchia làm ở Cao su Mang Yang K. Chia sẻ với chúng tôi, anh kể lại, năm 2009, được phân công của cấp trên, anh cùng đồng nghiệp qua tỉnh Ratanakiri làm nhiệm vụ ươm trồng cây cao su. Một năm ăn ở trên đất người, anh có cơ hội tiếp xúc với chị Pho Phea, sinh năm 1992, lúc này cũng là công nhân tại NT 3. Do khác nhau về ngôn ngữ, anh Nam cũng chỉ học một vài tiếng Khmer cơ bản, trong khi chị Phea không biết tiếng Việt, nên việc giao tiếp của cả hai có nhiều bất tiện. Sau này, trong một lần ra lô cao su gặp mưa to, anh Nam về nhà sốt, chị Phea ở gần đó thấy anh cô đơn nên qua chăm sóc, mua thuốc men, từ đó hai người mến nhau hơn.

Tình yêu của cặp đôi dễ thương nhưng trước khi đến được với nhau cũng xảy ra nhiều trắc trở, trong đó khó khăn lớn nhất là sự ngăn cản của hai bên gia đình. Anh Nam vốn là con trưởng, cháu đích tôn trong dòng họ, vì vậy khi thông báo với gia đình về mối quan hệ này, người nhà phản đối rất nhiều. Trong khi đó, chị Phea cũng gặp phải vấn đề tương tự, cha mẹ cô không muốn gả con gái cho người nước ngoài, phải gả đi xa và sợ bị lừa gạt. Áp lực vây quanh mối quan hệ, cả hai đã nhiều lần suy nghĩ từ bỏ nhau. Thế rồi, như duyên nợ trời định, cả hai quyết định chọn cố gắng thuyết phục gia đình, nhất quyết không bỏ nhau. Trước mặt gia đình chị Phea, anh Nam xác định Campuchia là quê hương thứ hai của mình, quyết tâm lập nghiệp, gắn bó mảnh đất này, vì vậy chị Phea sau khi cưới không phải gả đi xa.

“Lúc đó áp lực lắm, gia đình gọi về nước, không cho làm cao su nữa, song tôi từ chối. Một tháng sau, tôi dẫn bạn gái về ra mắt họ hàng. Tiếp xúc với Phea, mọi người từ xa cách thành quý mến, yêu thích cô dâu ngoại này. Và rồi, mọi người dần mở lòng, đón nhận mối quan hệ của cả hai” – anh Nam tâm sự.

Trở về từ lần đó, vài tháng sau, hai người quyết định kết hôn vào cuối năm 2010. Đám cưới tổ chức tại Campuchia với sự tham gia của gia đình hai bên, đồng nghiệp công ty. Sau 13 năm về một nhà, vợ chồng có thêm hai quý tử, con đầu sinh năm 2011, người sau sinh năm 2016. Kể về cuộc sống hôn nhân, chị Phea nói gia đình rất đầm ấm. Mặc dù rào cản lớn là ngôn ngữ, nhưng thời gian qua, cả hai cùng trau dồi cho nhau. Chị Phea học thêm tiếng Việt từ chồng, hiện chị nói và nghe gần như lưu loát. Mỗi lần về Việt Nam thăm gia đình nhà chồng, ai cũng bất ngờ trước khả năng nói tiếng Việt của chị. Từ đó, gia đình chồng càng thêm quý mến cô dâu Cam.

“Lễ, Tết về nhà chồng vui lắm, gia đình chồng rất thích tôi. Tôi cũng trổ tài làm mấy món ăn Campuchia cho họ dùng thử, nhưng tôi vẫn ưa thích món ăn Việt Nam hơn” – chị Phea chia sẻ với chúng tôi bằng tiếng Việt. Ngoài làm cao su, hai vợ chồng hiện còn nuôi thêm 120 con bò, canh tác thêm 5 ha điều, kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình thuộc diện khá giả trong vùng. Hiện thu nhập của vợ chồng khoảng 1.000 USD mỗi tháng.

Cũng như cặp đôi anh Nam – chị Phea, chuyện tình xuyên biên giới của anh Mạnh và chị Kang Hai cũng được nhiều người ngưỡng mộ. Anh Trương Văn Mạnh sinh năm 1989, quê Thanh Hóa, sang Campuchia làm cao su năm 2012, lúc đó là công nhân chăm sóc vườn ươm thuộc Tổ 8, Cao su Mang Yang K. Làm việc tại đây, anh Mạnh gặp chị Kang Hai sinh năm 1994, cũng làm công nhân cao su. Cả hai từ quen biết rồi đi đến hẹn hò. Nam công nhân kể lại, lúc mới yêu, anh không rành tiếng Campuchia, những lời tán tỉnh được anh học qua sách vở hay nghe trên tivi rồi phát âm theo. Kiên trì 5-6 tháng, chị Kang đồng ý kết hôn. Đám cưới cặp đôi tổ chức năm 2014 tại quê vợ Phnom Penh, mời 50 mâm.

“Chia sẻ về những khó khăn trong mối quan hệ này, anh Mạnh kể ban đầu, hai bên gia đình đều không đồng ý, do thấy gia cảnh cả hai còn nghèo khó, lại lấy người quốc tịch khác, nhiều rủi ro. Sau khi nghe cặp đôi thuyết phục, cha mẹ hai bên đồng ý đi đến hôn nhân. Hiện gia đình có thêm 2 cháu bé. Ngoài làm công nhân mỗi tháng thu nhập khoảng 800 USD, vợ chồng anh Mạnh còn canh tác thêm 5 ha khoai mì, mỗi năm thu về khoảng 2.000-3.000 USD.

“Mỗi dịp lễ, tôi đều dẫn vợ và các con về quê nội, gia đình tôi rất mến Kang Hai. Vợ tôi rất thích cảnh đẹp Việt Nam, năm trước nữa tôi dắt vợ ra biển Sầm Sơn du lịch” – anh Mạnh cho biết.

Thêm gắn kết, hữu nghị

Chuyện tình của anh Nam – chị Phea hay anh Mạnh – chị Kang Hai là một trong số ít những chuyện tình đẹp Việt – Cam gắn với cây cao su Việt trên xứ sở Chùa Vàng. Ông Nguyễn Tấn Long – Giám đốc NT 3, Cao su Mang Yang K cho biết, hiện NT có tổng 330 lao động, trong đó người Việt là 23 cán bộ. Hai cặp vợ chồng trên đều làm việc tại NT 3. Hai gia đình được lãnh đạo NT, đồng nghiệp, hàng xóm nhận xét hòa thuận, kinh tế ổn định, con cái được học hành bài bản.

Theo ông Đinh Vinh Quang – Phó Giám đốc phụ trách điều hành Cao su Mang Yang K, công ty hiện có 1.557 lao động, trong đó người Việt chiếm 87 người. Ông Quang nhận xét, mối quan hệ giữa lao động người Việt – Cam tại công ty hòa thuận, đoàn kết và chia sẻ. Còn đối với những cán bộ Việt kết hôn với người bản địa, lãnh đạo công ty cho rằng việc làm này có tác động tốt, mang nhiều ý nghĩa. “Những cuộc hôn nhân xuyên biên giới góp phần đảm bảo duy trì mối quan hệ công ty và địa phương, cán bộ và công nhân an tâm công tác. Ngoài ra, các mối tình này giúp nhiều cán bộ Việt thông thạo ngôn ngữ Khmer, đây là lợi thế để công ty hoạt động ổn định trên đất bạn” – ông Quang đánh giá.

HOÀNG KHẢI