Hãy tỉ tê với chồng về “điều vợ thích”!

Chú Đức Trung kính mến!

Chúng cháu yêu nhau được hơn năm thì bắt đầu nói về chuyện kết hôn. Anh hơn cháu 12 tuổi, từng một lần dang dở do chị ấy không thể sinh con… Rồi chị ấy đi định cư tại Úc theo diện đoàn tụ gia đình, biết đâu sang bên ấy gặp một người không câu nệ chuyện sinh đẻ, nghĩ vậy nên anh ấy cũng nhẹ lòng. Cháu và gia đình xem như anh độc thân nên rất hài lòng khi anh và cháu đi đến hôn nhân. Cháu nhỏ hơn một giáp, anh ấy vui sướng vì vợ trẻ, cháu cũng thấy khoảng cách vậy rất tuyệt. Nay thì chúng cháu đã có một cháu trai, không mong chờ gì hơn.

Nói thật với chú Đức Trung, cháu là người phụ nữ thích được chiều chuộng. Thế mà, chồng cháu lại rất “ngại chiều”. Và những lúc gần gũi cháu luôn tự hỏi: Vì sao anh ấy không đọc sách để có kinh nghiệm hơn với vợ trong chuyện gối chăn? Cho đến tận bây giờ, cháu vẫn rất khổ sở và sợ chồng mỗi khi gần gũi. Lần lại nhân thân, anh là con nhà thôn quê, lao động chân chất, ba anh chị em chỉ có anh là học giỏi rồi làm việc văn phòng, lương ổn định. Khi anh gặp và ngỏ lời hẹn hò cùng cháu, cháu cũng thấy anh cục mịch so với một người chồng trong mơ của cháu, nhưng tuổi tác, công việc và năng lực của anh khiến cháu an tâm.

Có những chuyện khó nói quá. Ngay cả chuyện vào nhà vệ sinh cũng không kỹ lưỡng lau chùi; kể cả thói quên kéo khóa quần ở anh thật kinh khủng, vợ có cằn nhằn gì cũng không thay đổi được. Cái cách anh bắt đầu với vợ, cách ngáy sau đó, thật là không biết nói sao nữa… Cháu chỉ muốn biết rằng, không thể thay đổi được một người nếu nền tảng hai nhà khác nhau quá phải không chú Đức Trung?

CHÁU GÁI

Cháu thân mến!

Phải nói ngay, vợ chồng là quan hệ 24/24 nên có biết bao chi tiết tuyệt vời mà chỉ hai người ấy biết và cũng không ít chi tiết không khớp nhau nếu cả hai trục trặc.

Phụ nữ thường thiên về cảm xúc và cảm giác, ấy là nói chuyện tế nhị của những thứ tế nhị không thể nói thẳng ra với chồng/vợ được. Như cháu đơn cử, cách người đàn ông bắt đầu thể hiện văn hóa, cá tính và đẳng cấp của anh ta.

Khi chưa sống thử, hoặc chưa hôn nhân, khi chưa thuộc về nhau một cách chính danh, thì con người ta như thể còn đang nguyên trang phục, chưa cởi bỏ hết, nên đâu có thể biết được “cái cách anh bắt đầu với vợ”. Về phương diện này, đàn ông hay bị ghi vào ký ức người nữ ở cái cách, hai từ “cái cách” ấy nó gói ghém tất cả. Ấn tượng hay, hạnh phúc êm đềm ngọt dịu mãi. Ấn tượng kém (xấu) thì có thay đổi hẳn cũng có lẽ không thể thay đổi hoàn toàn được.

Vậy đó. Người ta nói văn hóa là nền tảng trong gene, trong những bậc thềm mà gia tộc ấy kê cao lên cho con cháu mỗi thế hệ, cao lên bằng hoặc hơn người. Những gia đình khó khăn thiếu thốn và không biết sách vở là gì, cái nền chắc chắn thấp.

Cháu nên chịu đựng và nhắc khéo chồng dần dần cháu ạ. Cháu vẫn phải giám sát những nơi cần giữ vệ sinh, để cho mình và con cái được sạch, vì phụ nữ nên hiểu, đa số đàn ông đều không kỹ như nữ giới. Còn biết bao chi tiết về cách ăn cách nói, có khách hay chỉ hai người, làm gương cho con… Người xưa có câu: “Đàn ông là đứa bé to xác”.

Được này thì mất kia, chú Đức Trung thấy ở các cháu trục trặc không lớn. Hãy tỉ tê với chồng về “cái cách anh bắt đầu với vợ”, nói với chồng mình về “điều vợ thích” và chuyện vợ cực khổ lau dọn, nếu chồng yêu vợ nhiều, anh ta sẽ dần chú ý và thay đổi. Chúc cháu thành công!

CHÚ ĐỨC TRUNG