CSVNO – Trong thời gian qua, sự phối hợp giữa Công ty CP Cao su Việt Lào và Viện Nghiên cứu CSVN đã đem lại nhiều kết quả nổi bật, giúp công ty duy trì 8 năm liên tục sản lượng khai thác trên 2 tấn/ha và đạt được một số thành tích nhất định trong giai đoạn khó khăn chung của ngành cao su.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Cao su Việt Lào xác định muốn đem lại giá trị cao, phát triển bền vững thì phải ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, giải quyết vấn đề lao động trong khâu chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản đến vườn cây kinh doanh.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, duy trì sự phối hợp với Viện Nghiên cứu CSVN, công ty đã triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất từ khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản đến công tác bón phân, phòng trị bệnh cho vườn cây kinh doanh, đưa cơ giới hóa vào thực tiễn sản xuất. Song song đó, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ thông tin góp phần quản lý vườn cây bằng phần mềm Mapinfo, công tác xử lý phân tích báo cáo bằng phần mềm excel nâng cao… giúp thông tin nhanh và xử lý các công việc hiệu quả.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, tiết kiệm chi phí, thời gian, đảm bảo kịp tiến độ thời vụ, giải quyết được vấn đề lao động, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho NLĐ gắn kết lâu dài với công ty.
Giữ vững sản lượng cao, ổn định
Đối với vườn cây kinh doanh, công ty đã phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu CSVN hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nhằm khai thác hợp lý, đảm bảo đúng quy hoạch vỏ cạo, chế độ cạo và bôi kích thích mủ phù hợp, để giữ vững sản lượng cao, ổn định. Cụ thể năm 2022 vừa qua, với diện tích vườn cây kinh doanh 9.041 ha, công ty đã khai thác hơn 18.218 tấn (vượt 3,81% kế hoạch) và hoàn thành chỉ tiêu Tập đoàn giao trước 15 ngày, năng suất 2,02 tấn/ha, duy trì 8 năm liền trong Câu lạc bộ 2 tấn của VRG.
Chia sẻ về kết quả phối hợp giữa 2 bên, ông Phạm Văn Thông – Phó TGĐ Công ty CPCS Việt Lào, cho biết: “Sự phối hợp giữa công ty và Viện Nghiên cứu CSVN đã mang lại hiệu quả thiết thực. Về phía công ty, đã hỗ trợ cung cấp đầy đủ các số liệu cần thiết và thực hiện đúng khuyến cáo của Viện trong lĩnh vực hợp tác, sử dụng kích thích mủ của Viện cung cấp. Về phía Viện, thực hiện thu thập tài liệu, số liệu liên quan đến vườn cây, đánh giá năng lực và phân nhóm vườn cây theo đặc điểm chung, xác định mặt cạo trên từng nhóm lô. Từ đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để nâng chất lượng vườn cây, xây dựng lộ trình thanh lý tái canh giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”.
Dù đã được một số thành tích nhất định, nhưng để phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới công ty và Viện sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn, thực hiện nhiều hoạt động trên lĩnh vực, như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện lộ trình thanh lý tái canh giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, xây dựng bộ cơ cấu giống phù hợp với thổ nhưỡng đơn vị, tăng cường phối hợp đào tạo đội ngũ quản lý vườn cây bằng các phần mềm GIS, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý vườn cây…
THẢO NHI
Related posts:
- VRG tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát hàng năm
- Công ty cs Đồng Nai - Kratie: đổi thay trên vùng đất hoang hóa
- VRG khai giảng khóa học kiểm soát chất lượng sản xuất mủ latex
- VRG sẽ hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 trong quý 1
- Bệnh viện Cao su Đồng Phú nhận cách ly tập trung phòng dịch Covid-19
- VRG diễn tập phòng cháy chữa cháy
- Tay nghề thợ giỏi Phước Hòa tăng cao
- Quyết liệt giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất
- Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về nguyên liệu mủ cao su: Không thể chậm trễ
- Khởi tố đối tượng cưa trộm cây cao su