Quyết liệt giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất

CSVN – Giảm định mức suất đầu tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất là chủ trương lớn được HĐTV, Ban TGĐ VRG quyết liệt triển khai thực hiện. Để các đơn vị thực hiện ngay trong năm 2015, trong 3 ngày 20, 22, 23/4, lãnh đạo VRG cùng các Ban chuyên môn Tập đoàn, Viện Nghiên cứu Cao su VN và Công đoàn CSVN đã trực tiếp làm việc với các đơn vị miền Đông Nam bộ để bàn giải pháp thực hiện chủ trương này.

>> Chủ trương giảm 30% suất đầu tư

>> Cân nhắc trồng xen cà phê

Đẩy mạnh cơ giới hóa thay lao động thủ công trong trồng mới cao su sẽ góp phần giảm suất đầu tư nông nghiệp.  Ảnh: Tùng Châu
Đẩy mạnh cơ giới hóa thay lao động thủ công trong trồng mới cao su sẽ góp phần giảm suất đầu tư nông nghiệp. Ảnh: Tùng Châu
Đồng thuận giảm suất đầu tư nông nghiệp 30%

Tại buổi làm việc ngày 22/4, ông Lê Phi Hùng – TGĐ Công ty CP Cao su Phước Hòa khẳng định chủ trương giảm suất đầu tư nông nghiệp 30% ngay trong 2015 hoàn toàn khả thi. Ông Hùng phân tích, đối với đơn vị Phước Hòa, sau khi rà soát lại các hạng mục, công ty đã có cơ sở giảm định mức tỉa chồi tạo tán, phòng trị bệnh và bảo vệ thường xuyên gom lại thành một hạng mục. Cắt giảm một số hạng mục xét thấy không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của vườn cây như quét vôi chống nắng, chăm sóc thảm phủ…

Sau khi điều chỉnh, tổng số cả chu kỳ chăm sóc KTCB đã giảm được 106,5/263 công/ha. Tức là giảm được 40,5% công và 36,8% giá trị. “Đặc biệt chúng tôi đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, như đào hố bằng cơ giới, thay cho hạng mục bón lót phân hữu cơ là rải phân trên miệng hố rồi sử dụng máy đào hố kết hợp với trộn phân lấp hố. Hai hạng mục này tiết giảm được trên 2,2 triệu đồng/ha trong chi phí lao động trực tiếp. Với những giải pháp trên, chúng tôi sẽ tiết giảm được 30% suất đầu tư nông nghiệp và suất đầu tư nông nghiệp ở khu vực miền Đông Nam bộ có thể dưới 70 triệu đồng/ha”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng như đơn vị Phước Hòa, sau khi nhận được Công văn số 950/CSVN-KHĐT, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã tính toán sơ bộ giảm suất đầu tư nông nghiệp từ 103 triệu đồng xuống còn 73 triệu đồng/ha. Theo TGĐ công ty Lê Thanh Tú, hiện nay đơn vị này đang tiếp tục rà soát và cắt giảm các hạng mục không cần thiết, sử dụng cơ giới hóa tối đa nhằm giảm nhân công, giảm chi phí đầu tư.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Để cụ thể hóa chủ trương giảm định mức suất đầu tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngày 8/9/2014 HĐTV VRG đã có Quyết định số 378/QĐ-HĐTVCSVN về việc ban hành quy định quản lý suất đầu tư trồng, chăm sóc cao su KTCB. Tiếp theo đó, ngày 15/4/2015 VRG đã gửi Công văn số 950/CSVN-KHĐT xuống các đơn vị cơ sở về việc lập dự toán tiết giảm 30% chi phí suất đầu tư nông nghiệp năm 2015.[/stextbox]

Cũng với nội dung này, sau khi tính toán sơ bộ, các đơn vị khu vực miền Đông đều có phương án khả thi giảm suất đầu tư nông nghiệp 30% ngay trong năm 2015. Cụ thể: Công ty CP Cao su Đồng Phú từ 104 triệu đồng xuống còn 74 triệu đồng/ha; Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh từ 103 triệu đồng xuống còn 74 triệu đồng/ha; Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long từ 96,8 triệu đồng xuống còn 73,8 triệu đồng/ha; Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng từ 103 triệu đồng xuống còn 70 triệu đồng/ha; Công ty CP Cao su Tây Ninh từ 105 triệu đồng xuống còn 71 triệu đồng/ha; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên còn gần 70 triệu đồng/ha.

Cũng trong năm nay, Cao su Bà Rịa trồng mới – tái canh 242 ha, theo lãnh đạo công ty, tùy theo hạng đất công ty sẽ có điều chỉnh giảm thích hợp, mức giảm suất đầu tư có thể thực hiện được dao động trong khoảng 25 – 30%.

Cao su Bình Thuận là đơn vị có diện tích tái canh trồng mới rất ít hàng năm. Năm đơn vị thực hiện tái canh trồng mới nhiều nhất chỉ 140 ha, suất đầu tư cao nhất năm 2013 Tập đoàn phê duyệt là 167 triệu đồng/ha, còn lại bình quân 87 triệu đồng/ha. Với chủ trương của Tập đoàn, công ty sẽ có mức điều chỉnh hợp lý với mỗi suất đầu tư chỉ trên dưới 75 triệu đồng/ha.

Không giảm phân bón

Đánh giá về các giải pháp giảm suất đầu tư nông nghiệp, ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu CSVN cho rằng, các giải pháp tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cơ giới hóa là những giải pháp hoàn toàn thực hiện được, nhưng không được giảm thêm phân bón trong cả chu kỳ kiến thiết cơ bản.

Đồng thuận với kiến nghị của lãnh đạo Viện Nghiên cứu CSVN, Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG Lại Văn Lâm phân tích thêm: “Ngoài những yếu tố chăm sóc vườn cây, việc sử dụng phân bón đúng cách, đúng chủng loại, đúng liều lượng là vấn đề then chốt quyết định năng lực vườn cây, đặc biệt là những diện tích tái canh nhiều lần tại khu vực miền Đông Nam bộ .Do đó, tôi đề nghị các đơn vị không được giảm thêm lượng phân bón mà Tập đoàn đã quy định”.

Bắt đầu từ năm 2015 sẽ trồng cao su theo hàng kép để ạo diện tich đất cho trồng xen canh. Ảnh: Tùng Châu
Bắt đầu từ năm 2015 sẽ trồng cao su theo hàng kép để tạo diện tich đất cho trồng xen canh. Ảnh: Tùng Châu

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng, thời điểm này, các đơn vị miền Đông cần tiến hành bàn giao các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm về địa phương vì các lý do như: hiện nay khu vực miền Đông Nam bộ không còn khó khăn về các lĩnh vực trên, đồng thời để các ban ngành dễ quản lý theo ngành dọc. “Đặc biệt, khi bàn giao cho địa phương chúng ta giảm được áp lực quản lý, đồng thời giảm được chi phí đầu tư cho cả dự án và góp phần giảm giá thành hiệu quả”, ông Thuận nhấn mạnh.

Nhân rộng mô hình trồng cao su theo hàng kép

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận trong các buổi làm việc với các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ. Bởi, mô hình trồng cao su theo hàng kép có những ưu điểm như: diện tích và thời gian cho việc trồng xen trên vườn cao su tăng cao. Không chỉ vậy, mật độ cao su vẫn đảm bảo để đạt năng suất tốt từ 2 đến 2,2 tấn/ha ở Đông Nam bộ; duy trì được biện pháp thảm phủ cải tạo đất, quan trọng cho vùng đất đã tái canh nhiều chu kỳ ở Đông Nam bộ.

Đồng thời cho phép sử dụng được cơ giới cho việc trồng xen và cao su như phun thuốc trừ bệnh và bón phân, ít ảnh hưởng bất lợi cho cao su khi trồng với khoảng cách cây gần hơn thông thường, nhờ khoảng không gian rộng, nhiều ánh sáng 2 bên của hàng kép giúp giảm bệnh hại trên cây cao su, đặc biệt là bệnh lá.

Với những ưu điểm đó, lãnh đạo các đơn vị thành viên và các ban chuyên môn Tập đoàn đã đồng thuận, thống nhất trồng cao su thiết kế theo mô hình hàng kép sẽ triển khai ngay trong năm 2015 để có điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lựa chọn cây trồng xen phù hợp nhằm tăng cao hiệu quả sử dụng đất.

Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất được định hình

Tại các buổi làm việc, TGĐ Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Trong tình hình này các đơn vị phải thay đổi tư duy về đầu tư, suất đầu tư. Tùy tình hình thực tế, các đơn vị tự đề xuất xây dựng mô hình để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc thực hiện dự án trồng cây gì, nuôi con gì thì các đơn vị phải chủ động tự huy động vốn để thực hiện. Nhưng tuyệt đối các dự án trồng xen không được làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cao su”.

Các đơn vị thành viên, ngay khi có chủ trương của VRG, đã đánh giá tình hình thực tế, xây dựng phương án riêng cho đơn vị mình. Đối với TCT Cao su Đồng Nai, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị doanh thu trên 1 ha đất, TCT sẽ thực hiện trồng xen cây hoa màu ngắn ngày như đậu, bắp, sả, nghệ. Ngoài ra, xét thấy điều kiện đất, thời tiết phù hợp, một số nông trường sẽ thực hiện giao khoán hoặc cho thuê đất để trồng cà phê, keo lai.

 Trồng xen canh lúa nương tại Công ty TNHH MTV CS Lộc Ninh. Ảnh: Tùng Châu
Trồng xen canh lúa nương tại Công ty TNHH MTV CS Lộc Ninh. Ảnh: Tùng Châu

Công ty CP Cao su Hòa Bình cũng đã xây dựng mô hình trồng xen với cây ngắn ngày, cây trung ngày và cây dài ngày. Hiện nay, công ty cũng đang hợp tác với các đối tác để trồng xen một số cây trồng thích hợp trên vườn cây cao su. Loại cây trồng công ty chọn để trồng xen trong thời kỳ KTCB là cây keo lai. Sau thời kỳ KTCB, công ty sẽ trồng xen tràm bông vàng cho đến khi cao su thanh lý.

Tại Bình Dương, Công ty CP Cao su Phước Hòa, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang trong quá trình đàm phán với đối tác để liên kết thực hiện trồng xen các loại cây làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Theo lãnh đạo các đơn vị này, nếu thỏa thuận xong sẽ trồng trên quy mô lớn và sẽ không lo vấn đề đầu ra của sản phẩm từ trồng xen trong lô cao su.

Riêng khu vực Bình Phước, từ năm 2012 Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã trồng thử nghiệm trồng xen cây keo lai trên cây cao su đã đem lại hiệu quả ban đầu. Theo đánh giá của các Ban chuyên môn Tập đoàn và Viện Nghiên cứu CSVN, khi so sánh tốc độ sinh trưởng của cây cao su trồng xen keo lai với diện tích trồng thông thường hoàn toàn như nhau. Và theo báo cáo của lãnh đạo công ty, cây keo lai trồng xen với cao su rất phù hợp và sinh trưởng khá tốt với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao và trồng được nhiều chu kỳ trên lô cao su.

Về đầu ra của sản phẩm keo lai (cây lâm nghiệp), các đơn vị cho rằng, trên địa bàn miền Đông Nam bộ không đáng lo ngại vì nhu cầu của các nhà máy chế biến gỗ MDF rất lớn. Đặc biệt các đơn vị trong và ngoài nước đang đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực chế biến chủng loại gỗ này tại miền Đông Nam bộ.

Ng. Cường – Quỳnh Mai