CSVN – Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su, nhưng đứng thứ 3 về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, giá bán cao su của Việt Nam lại thấp hơn các nước trong khu vực, do khách hàng chưa tin cậy vào sự ổn định chất lượng và uy tín thương mại của doanh nghiệp. Đặc biệt, với nguồn cao su tiểu điền đang chiếm đến 57% sản lượng nhưng chất lượng chưa ổn định, đồng đều và chưa có hệ thống kiểm tra chất lượng từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Với quy mô sản xuất ngày càng tăng, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cao su thiên nhiên thống nhất trong toàn Tập đoàn là điều kiện tiên quyết nhằm tập trung sức mạnh, tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ ổn định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ sản phẩm cao su thiên nhiên của các công ty thành viên đều mang thương hiệu cao su VRG.
Ban Thị trường Kinh doanh VRG đã đưa ra 9 giải pháp về công tác thị trường, kinh doanh nhằm ổn định tiêu thụ, đảm bảo nguồn thu lĩnh vực cao su của Tập đoàn trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung theo sát biến động của thị trường thế giới có các giải pháp về giá cả, mức giảm trừ thương hiệu cho các khu vực chính sách tiếp thị và bán hàng đến người tiêu dùng cuối cùng như các nhà máy chế biến lốp xe, găng tay, sản phẩm công nghiệp, kịp thời nhằm giữ thị trường và thực hiện tốt chính sách chung của Tập đoàn trong việc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.
Thứ hai, thường xuyên tìm kiếm, tham khảo các nguồn thông tin uy tín trên thị trường. Đặc biệt chú trọng công tác dự báo thông qua xây dựng các Bản tin thị trường hàng ngày, hàng tuần và cập nhật liên tục về ngành và diễn biến thị trường cao su, để giúp các đơn vị có thể chủ động về giá cả, nhu cầu, cơ cấu sản phẩm trên thị trường để có chính sách bán hàng phù hợp.
Thứ ba, hiện nay đối với các công ty khu vực Tây Nguyên và Campuchia, miền núi phía Bắc nhu cầu khách hàng về xuất khẩu là rất lớn. Tuy nhiên, đa số các công ty tại các khu vực này chủ yếu bán hàng rời, không có khả năng đóng pallet hoặc phải gia công bên ngoài với chi phí rất cao, dẫn đến việc giá sản phẩm có pallet không cạnh tranh. Chính vì thế, kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn có các chỉ đạo, yêu cầu các công ty này chủ động, tích cực nghiên cứu và triển khai đóng pallet và có tổng kết (khen/phạt) trong năm 2023.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng truyền thống, là những nhà sản xuất trực tiếp sản phẩm công nghiệp cao su, nhà máy săm lốp, các nhà đầu tư thương mại. Để thông qua đó nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các phản hồi về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng từ đó có các đề xuất kịp thời cho lãnh đạo Tập đoàn về định hướng sản phẩm phù hợp với từng thời điểm.
Đồng thời, có các cơ chế, chính sách linh động trong việc trao đổi, tiếp thị đến các nhà sản xuất vỏ xe lớn trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh phối hợp cũng như giải quyết việc tiêu thụ hàng hóa cho các công ty tại các khu vực xa, chưa có thương hiệu hoặc thương hiệu chưa mạnh trên thị trường.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm cao su và gỗ có chứng chỉ phát triển rừng bền vững như PEFC, FSC… Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm có các chứng chỉ phát triển bền vững nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mở rộng quảng bá hình ảnh của Tập đoàn gắn liền với phát triển bền vững, có trách nhiệm đối với cộng đồng. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan tham tán thương mại các nước, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm, các hội thảo nhằm xây dựng các kênh khách hàng và thị trường mới.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số trong công tác phân loại, chăm sóc khách hàng. Triển khai tìm hiểu, nghiên cứu và tham gia vào các đề án về mua bán trực tuyến cao su hoặc thông qua sàn giao dịch để từ đó mở rộng kênh bán hàng thay vì chỉ giao dịch trực tiếp như hiện nay. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thông tin thị trường, ngành hàng – sản phẩm và đối tác thương mại, thực hiện số hóa dữ liệu để các đơn vị thành viên dễ dàng truy cập và được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ
Thứ bảy, Tập đoàn tiếp tục giám sát chặt chẽ sản phẩm cao su mang thương hiệu VRG được sản xuất theo tiêu chuẩn TCCS 112:2017. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn TCCS 112:2017. Đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm liên quan có giá trị kinh tế cao vào các thị trường trọng điểm để mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Thứ tám, đề xuất nghiên cứu hình thành một Tổng kho tại khu vực phía Nam gần khu vực cảng chính với trục giao thông thuận tiện, bổ sung thêm các dịch vụ lưu kho, đóng pallet… đầy đủ cùng chi phí hợp lý là một đặc điểm vô cùng thuận lợi cho việc hỗ trợ công tác lưu kho, tiêu thụ, xuất khẩu của các công ty thành viên.
Thứ chín, thúc đẩy triển khai sớm việc sản xuất mủ SVR 10 và SVR 3L mix ngay từ đầu năm 2023 vì nhu cầu khách hàng đối với mủ mix rất cao và chính sách thuế đối với dòng sản phẩm mixture này là khó dự đoán.
THIÊN HƯƠNG (ghi)
Related posts:
- Máy sát khuẩn tự động giúp hạn chế tiếp xúc
- Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Cao su Phú Riềng và Cao su Lộc Ninh
- Làm giàu từ chăn nuôi gà
- Nệm Đồng Phú mở rộng thị trường tiêu thụ bằng uy tín, chất lượng
- 19 công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành cao su
- Không để người tiêu dùng trong nước quay lưng
- Cạo mủ cao su: Nhìn lại lịch sử
- Công đoàn Cao su Chư Sê tổ chức Đại hội điểm khu vực Tây Nguyên
- Lễ kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su
- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trong tình hình mới