Sẽ thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và cao su

CSVNO – Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).

Chuẩn hóa sản phẩm cao su để có thể niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh hiện nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu trong top đầu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… Ví dụ như cà phê, nước ta là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2, xuất khẩu cao su lớn thứ 4 và xuất khẩu hạt điều đứng thứ nhất toàn cầu. Chính vì thế, tiềm năng tiêu thụ, giao dịch các sản phẩm này trên các Sở Giao dịch hàng hóa là rất lớn. Trên thực tế, sản phẩm cà phê Robusta đã được Sở Giao dịch ICE London niêm yết với khối lượng giao dịch từ 100.000 – 200.000 tấn mỗi ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay, trong các mục tiêu MXV đề ra trong năm nay, có những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về việc việc niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, và cụ thể là thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt đối với mặt hàng cà phê và cao su. Trong thời gian qua, MXV đã làm việc với Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để có thể niêm yết giao dịch các mặt hàng này một cách hiệu quả, và điều kiện bắt buộc là phải chuẩn hóa sản phẩm.

Về những dự báo và khuyến nghị cho hoạt động xuất khẩu nông sản thời gian tới, ông Quỳnh chia sẻ, kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Vì thế, khó khăn sẽ đến với nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu, trong đó nông sản cũng sẽ bị ảnh hưởng

Dù vậy, thách thức là điều luôn sẵn có. Do đó, để vượt qua các rào cản, cán đích và vượt mục tiêu về giá trị xuất khẩu, theo ông Quỳnh, cần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu với các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách đổi mới toàn diện trên tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, trong đó tập trung đổi mới công nghệ để nhanh chóng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, cần nâng cao công tác phân tích, dự báo thị trường trước những biến động lớn của giá hàng hóa thế giới. Điều này cần sự vào cuộc của các Bộ/Ban/Ngành, trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia; hoặc phối hợp với các Tổ chức chuyên nghiệp trong công tác dự báo thị trường. Để từ đó đưa ra được định hướng đúng đắn trong hoạt động chốt giá xuất khẩu, giúp người nông dân và các doanh nghiệp tận dụng được những giai đoạn giá cao để bán hàng.

Thứ ba, sử dụng các Công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng cà phê. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện rất tốt nghiệp vụ bảo hiểm giá cà phê tại MXV, tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chủ quan, và chưa thực sự nghiêm túc trong nghiệp vụ này. Cần biết rằng, việc bảo hiểm giá qua các Sở Giao dịch đã phổ biến và được các tập đoàn quốc tế sử dụng trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm qua. Đây cũng là yếu tố quyết định đến sự hình thành và phát triển của rất nhiều tập đoàn cà phê lớn trên thế giới, bởi sẽ rất rủi ro nếu đặt cược lợi nhuận của nông dân, doanh nghiệp vào biến động khó lường của giá thế giới.

Tại MXV, ngoài các hợp đồng tiêu chuẩn, còn có các sản phẩm mini, micro và hợp đồng chênh lệch giá, chi phí bỏ ra rất thấp, trong khi hiệu quả bảo hiểm giá lại rất lớn.

PHƯƠNG LAN (congthuong.vn)