CSVN – Trong thời gian qua, Tập đoàn đã phát triển sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới tất cả sản phẩm có chứng nhận về phát triển bền vững FSC, VFCS, PEFC, CSI 100… góp phần tích cực vào trách nhiệm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và ngày càng tăng giá trị sản phẩm mủ cao su.
Nâng cao thương hiệu VRG trên thị trường quốc tế
Với phương châm cung cấp sản phẩm chất lượng và dịch vụ vượt trội, từ năm 2018, VRG đã xây dựng bộ tiêu chuẩn và giới thiệu ra thị trường sản phẩm cao su thương hiệu VRG, theo TCCS 112. VRG cung ứng sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG trong thời gian qua đã mở rộng cánh cửa tiêu thụ, nâng cao thương hiệu ngành cao su VN trên thị trường quốc tế. 3 năm qua, sản phẩm cao su mang thương hiệu VRG tăng trưởng mạnh.
Năm 2018, thực hiện sản xuất, tiêu thụ đạt 20.790 tấn (đạt 7% sản lượng khai thác). Năm 2019, thực hiện đạt 121.247 tấn (đạt 42% sản lượng khai thác). Năm 2020, ước đạt 255.407 tấn (đạt 68% sản lượng khai thác). Qua 3 năm triển khai thực hiện, tổng sản lượng cao su mang thương hiệu VRG đã cung cấp ra thị trường là 397.444 tấn với đa dạng khách hàng, từ các nhà thương mại lớn đến các hãng sản xuất trực tiếp, như: Sailun, Kumho, Sumitomo, Cheng Shin, Casumina, Weber, R1, Centrotrade, Corrie Maccoll…
“Dự kiến năm 2021, tiếp tục tăng sản lượng lên 323.595 tấn chiếm khoảng 86%/tổng sản lượng tự khai thác toàn Tập đoàn. Năm 2022 tỉ lệ này tăng lên 92%/tổng sản lượng tự khai thác. Để đạt được kết quả như trên, toàn bộ hệ thống quản lý của Tập đoàn đã vào cuộc để đẩy nhanh quá trình cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và triển khai thực hiện tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến khách hàng…” – ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết.
Nhiều giải pháp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu VRG
Tập đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp hướng đến 3 mục tiêu chính là: Sản xuất sản phẩm cao su có chất lượng cao, ổn định, đồng đều, kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, với chi phí chế biến phù hợp; Phát triển sản phẩm cao su thương hiệu VRG đặc trưng về nhãn hiệu, vượt trội về chất lượng góp xây dựng thương hiệu cao su VRG thành thương hiệu mạnh; Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện.
Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng định hướng cơ cấu sản phẩm và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp theo yêu cầu của thị trường. Xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 (25 công ty), ISO 14001:2015 (22 công ty), phòng QLCL đạt ISO/IEC 17025:2017 (29 công ty). Quy hoạch nhà máy chế biến (NMCB), chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm qua quy hoạch, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và công suất nhà máy.
Quy hoạch đầu tư phòng kiểm nghiệm theo định hướng các đơn vị có NMCB phải đầu tư phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025, kết quả chất lượng sản phẩm công bố được công nhận quốc tế. Chọn phòng kiểm nghiệm thuộc Viện nghiên cứu CSVN là phòng kiểm nghiệm cao su tham chiếu trong Tập đoàn. Định hướng sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng thông qua việc ban hành, cập nhật các tiêu chuẩn TCCS của Tập đoàn. Có 13 tiêu chuẩn TCCS đang áp dụng và 2 tiêu chuẩn chuẩn bị ban hành áp dụng.
VRG ban hành bộ “Tem nhãn cao su thương hiệu VRG”, sử dụng trong toàn Tập đoàn. Quy hoạch lộ trình và giải pháp triển khai thực hiện. Theo dõi, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện của các đơn vị, kịp thời hỗ trợ các đơn vị hoàn thành kế hoạch.
Đẩy nhanh công tác quảng bá, nhận diện thương hiệu
Định hướng chiến lược phát triển sản phẩm cao su VRG, Tập đoàn tiếp tục duy trì và phát huy kết quả các giải pháp đã triển khai trong thời gian qua. Sản phẩm cao su thương hiệu VRG đã phố biến trên thị trưởng, cần có giải pháp thúc đẩy nhanh công tác quảng bá, nhận diện thương hiệu, có giải pháp để tăng giá trị của sản phẩm.
“Đánh giá nhu cầu thị trường, định hướng cơ cấu sản phẩm phù hợp, nghiên cứu cải tiến nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu cao su thế giới. Phát triển sản phẩm cao su thương hiệu VRG cho tất cả các dòng sản phẩm cao su chủ lực của Tập đoàn như cao su cốm, RSS, ly tâm. Nghiên cứu, có lộ trình phát triển các dòng sản phẩm mới cao cấp, thân thiện môi trường như nguyên liệu latex đạt chuẩn hữu cơ toàn cầu (Organic), sản phẩm ly tâm đạt tiêu chuẩn cao su hữu cơ toàn cầu (GOLS: Global Organic Latex Standard), sản phẩm ly tâm Low Protein…” – ông Huỳnh Tấn Siêu, cho biết.
Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý chất lượng, giúp khách hàng có thể nhanh chóng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo quản lý minh bạch, cập nhật nhanh, có tính kết nối thông suốt quá trình. Phối hợp với các cơ quan quản lý như Tổng cục đo lường chất lượng VN để tham gia góp ý, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quốc tế (ISO) phù hợp với điều kiện sản xuất ngành cao su của VN. Chủ động trong kế hoạch xây dựng, cải tạo nhà máy chế biến đảm điều kiện sản xuất sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn cao su VRG.
Xây dựng sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG, tạo sự khác biệt và vượt trội về chất lượng là nhiệm vụ cấp thiết cần quan tâm thực hiện, nhất là công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống, chiến lược phát triển sản phẩm cao su mang thương hiệu VRG của Tập đoàn sẽ thành công, giá trị sản phẩm cao su của Tập đoàn không ngừng tăng trưởng, góp phần xây dựng thương hiệu cao su của Tập đoàn ngày càng vững mạnh.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực, hiệu quả vì người lao động
- Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây khu vực Tây Nguyên
- "Người lao động nhiễm COVID-19, người đứng đầu tổ chức công đoàn có trách nhiệm"
- Gia đình 4 thế hệ yêu ngành, yêu nghề
- Khát khao vươn tới cuộc sống tươi đẹp
- Thư ngỏ Vận động tài trợ, đóng góp cho “Quỹ hỗ trợ Làng Công nhân cao su”
- Lãnh đạo VRG thăm, tặng quà chúc mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Cao su Phước Hòa quyết tâm phấn đấu vượt kế hoạch sản lượng
- Ngành công nghiệp săm lốp Ấn Độ và dự án trồng 200.000 ha cao su phía Đông Bắc
- Trừ hàng cấm, tất cả đều được lưu thông