Malaysia sản xuất sản phẩm “cao su xanh” để duy trì vị trí dẫn đầu

CSVN – “Malaysia phải tận dụng vị trí dẫn đầu toàn cầu của mình trong lĩnh vực sản xuất găng tay bằng cách sản xuất lốp xe thân thiện với môi trường và các sản phẩm cao su xanh để tiếp tục dẫn đầu trong cuộc chơi lâu dài”. Đây là ý kiến của Tổng Giám đốc Ủy ban Cao su Malaysia (MRB), ông Datuk Dr Zairossani Mohd Nor.

Khai thác cao su tại Malaysia
Ngành sản xuất sản phẩm cao su vẫn lạc quan

Ông Datuk Dr Zairossani Mohd Nor cho biết hội đồng và các cơ quan liên quan nên hỗ trợ để đảm bảo Malaysia duy trì vị trí hàng đầu là nhà sản xuất găng tay cao su, các sản phẩm cao su và cao su kỹ thuật. Với thế mạnh này, Malaysia có thể duy trì vị trí then chốt của mình trong việc không chỉ sản xuất các sản phẩm cao su có giá trị gia tăng cao hơn mà còn cả các sản phẩm bền vững, để đảm bảo tính bền vững của ngành. Tuy nhiên, Zairossani cho biết hậu quả từ căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine, áp lực về chi phí năng lượng, lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt ở hầu hết các khu vực và sự gián đoạn chuỗi cung ứng là những thách thức đáng kể, khiến năm 2023 trở thành một năm khó khăn đối với ngành.

Ông cho biết ngành cao su được hưởng lợi từ đại dịch Covid -19 khiến nhu cầu đối với găng tay cao su của Malaysia tăng vọt vào năm 2021, nâng giá trị xuất khẩu của ngành lên 81 tỷ RM – mức cao nhất trong lịch sử của ngành. Sau hiệu quả tột đỉnh của năm 2021, ngành này đã phải điều chỉnh theo dự đoán cung cầu khi giá trị xuất khẩu găng tay giảm mạnh, từ 54,8 tỷ RM vào năm 2021 xuống còn 19 tỷ RM vào năm 2022 do nguồn cung trên thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, găng tay cao su, được sử dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, phòng dịch và dịch vụ thực phẩm, là mặt hàng đóng góp chính vào khoảng 40% thu nhập xuất khẩu của ngành. Ngoài găng tay, các sản phẩm cao su xuất khẩu bao gồm các sản phẩm xốp, ống thông tiểu và bao cao su, các sản khác như lốp xe, linh kiện ô tô, cao su gai lốp đã xử lý sơ bộ cho lốp xe, vòng bi kết cấu, đồ thể thao….

Bất chấp những thách thức, ông Zairossani lạc quan cho rằng ngành sẽ hoạt động tốt hơn so với giai đoạn trước đại dịch và có biểu đồ tăng trưởng tốt hơn trong năm nay so với năm 2022.Tổng nhu cầu cao su, đã giảm nhẹ vào năm ngoái, ước tính sẽ tăng nhẹ lên 2,6% vào năm 2023, chủ yếu do Trung Quốc mở cửa trở lại, do đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Malaysia.

Cân đối cung cầu để đảm bảo bền vững

Về xu hướng phát triển, ông cho biết Malaysia nên nhấn mạnh việc nắm bắt thị trường ở các nền kinh tế mới nổi, lưu ý cần tận dụng nhu cầu các sản phẩm cao su đối với các hộ sản xuất nhỏ, thích ứng với điều kiện thị trường thay đổi để cải thiện năng suất và lợi nhuận. “Malaysia luôn là nhà sản xuất các sản phẩm cao su chất lượng cao, vì vậy chúng tôi phải cố gắng tận dụng thế mạnh của mình vì việc quảng bá và thương mại hóa các sản phẩm cao su là cấp thiết”, ông nói.

Tuy nhiên ba năm qua, cao su tiểu điền không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn bởi giá cả biến động, giá thấp ảnh hưởng đến thu nhập. Một trong những sáng kiến chính sách quan trọng để giải quyết vấn đề này là có một cơ chế khuyến khích nhất định để đảm bảo các hộ sản xuất nhỏ sẽ tiếp tục khai thác cây cao su để cung cấp cho sản xuất.

Ông Zairossani lưu ý rằng Malaysia hiện đang thiếu nguyên liệu thô. Đó là lý do tại sao cần sáng kiến quan trọng để đảm bảo đủ nguồn cung cấp cao su nguyên liệu dựa trên nhu cầu. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã đưa ra một số biện pháp khuyến khích để hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ, bao gồm khuyến khích sản xuất mủ cao su và khuyến khích sản xuất cao su có hỗ trợ giá để họ tiếp tục khai thác, sản xuất cao su và tăng thu nhập.

Ông nói: “Chúng tôi cũng đang tiếp tục đảm bảo chuyển giao công nghệ tốt nhất cho ngành của mình, thúc đẩy việc sử dụng các giống cao su nhân bản năng suất cao và các hệ thống khai thác hiệu quả sử dụng công nghệ kích thích mủ để tăng năng suất của các hộ sản xuất nhỏ”. Zairossani nhắc lại rằng MRB sẽ tiếp tục hoàn thành mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển và hiện đại hóa ngành cao su bằng cách đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập của các hộ sản xuất nhỏ và sản xuất nguyên liệu thô, tăng giá trị xuất khẩu và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng.

QUỐC AN (theo banama.com)