Tái sử dụng nước thải tại các nhà máy chế biến mủ cao su: Giải pháp hữu hiệu trong chiến lược tăng trưởng xanh

CSVN – Trong Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững VRG giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến 2050, việc xử lý, tái sử dụng nước thải cho sản xuất là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.

Hồ tái sử dụng nước thải sau khi được xử lý tại Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Duy Bảo
Nhiều đơn vị tái sử dụng nước thải sau xử lý

Hiện nay, VRG hiện có 59 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 640.900 tấn/năm. Năm 2023 công suất tăng thêm 20.000 tấn/năm với 3 nhà máy chế biến tại Công ty TNHH PTCS C.R.C.K công suất 6.000 tấn/ năm, Công ty TNHH MTV Cao su Mê Kong công suất 9.000 tấn/năm, Công ty CPCS Lai Châu công suất 5.000 tấn/năm. Trong đó, Tập đoàn có 41 hệ thống xử lý nước thải đạt cột A. Nhiều công ty thành viên của VRG đã và đang đẩy mạnh tái sử dụng nguồn nước thải này trong hoạt động sản xuất tại các nhà máy. Ngoài tái sử dụng nước thải trong các nhà máy, việc xử lý và tái sử dụng nước thải tại các trạm giao nhận mủ cao su cũng đang được nhiều đơn vị triển khai thực hiện. Theo đó, toàn bộ lượng nước dùng để tráng rửa dụng cụ, sàn tiếp nhận mủ được thu gom về hố gạn mủ. Sau khi gạn hết lượng mủ còn sót lại, nước sẽ được xử lý sơ bộ để tưới cho vườn cây cao su.

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, gần như toàn bộ lượng nước thải sau xử lý đã được tái sử dụng để rửa mủ tạp. Để có được kết quả như ngày hôm nay, ban lãnh đạo cùng các kỹ sư của công ty đã hợp sức nghiên cứu và đưa vào vận hành thành công “Giải pháp xử lý nước thải không sử dụng hóa chất và đáp ứng yêu cầu tái sử dụng nước”.

Với mong muốn bảo vệ môi trường, sức khỏe của NLĐ Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã vận hành thành công công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất. Việc sử dụng công nghệ của Cao su Phú Riềng không chỉ xử lý nước thải một cách tối ưu mà mỗi năm còn tiết kiệm cho nhà máy hơn 150.000kW điện. Bên cạnh đó, do giải pháp công nghệ không sử dụng hóa chất (PAC, Polyme, phèn…) nên sẽ giảm chi phí vận hành đáng kể và an toàn cho người vận hành hệ thống nước thải. Và hệ thống công nghệ xử lý nước thải này đã được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kiểm định và chứng nhận đạt chuẩn. Nhà máy Chế biến Hiệp Thạnh, Công ty CPCS Tây Ninh có tổng công suất 9.900 tấn/năm. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, nhà máy có tổng lưu lượng nước thải phát sinh khoảng 373,44 m3 (7,14 m3 nước thải sinh hoạt và 366,3 m3 nước thải sản xuất). Toàn bộ lượng nước thải đều đã được xử lý đạt tiêu chuẩn cột A. Điều đáng chú ý là hơn một nửa lượng nước thải mỗi ngày tại nhà máy, sau khi xử lý đạt quy chuẩn, được thu gom về mương oxy hóa, sau đó được bơm theo đường ống nhựa cung cấp nước cho công đoạn rửa nguyên liệu cao su mủ tạp trong dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20. Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý được áp dụng cho toàn bộ dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20 từ nguyên liệu mủ tạp từ đầu vụ cho đến khi hết vụ sản xuất không hạn chế các mùa trong năm. Điều này cho thấy việc tái sử dụng nguồn nước thải đang được Cao su Tây Ninh thực hiện khá tốt, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và góp phần sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn. Tại Bình Dương, VRG có 2 đơn vị trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực cao su là Cao su Phước Hòa và Dầu Tiếng. Thực hiện quản lý sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển theo hướng bền vững, hiện nay các nhà máy chế biến mủ của Cao su Dầu Tiếng thực hiện tái sử dụng nước thải trên 200 ngàn m3 hàng năm, chiếm tỷ lệ 33,5% tổng lượng nước thải xử lý. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải Nhà máy Chế biến Phú Bình đã tái sử dụng 100% lượng nước sau xử lý.

Thực hiện các giải pháp xử lý nước thải thân thiện với môi trường

Theo tính toán của các chuyên gia về lĩnh vực này, trung bình hệ số phát thải của ngành cao su là 25 m3 nước thải/tấn cao su khối khô hoặc cao su tấm, 35 m3/tấn sản phẩm từ cao su thải và 18 m3/tấn mủ cao su. Nước thải cao su chứa nồng độ các chất ô nhiễm cao, COD có thể từ 1.000 -10.000 mg/l, BOD5 từ 1.700 – 9.000 mg/l và tổng nitơ từ 45 – 1.600 mg/l. Chính vì vậy, việc sử dụng phương pháp sinh học hoặc kết hợp giữa hóa lý với sinh học để xử lý nước thải đang là giải pháp an toàn đối với ngành cao su.

Trong chiến lược tăng trưởng xanh của ngành cao su, xanh hóa quy trình sản xuất là một mục tiêu quan trọng. Theo đó, VRG xây dựng một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua việc rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành, nghề kinh doanh chính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh với cơ cấu nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, VRG tích cực ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng có hàm lượng các bon thấp, năng lượng sinh khối; sử dụng thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, hiệu suất sử dụng cao.

Về xanh hóa quy trình sản xuất, VRG đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ tiết kiệm, tái sử dụng tối thiểu 20% lượng nước sử dụng. Và mục tiêu này đến năm 2050, tiết kiệm, tái sử dụng nguồn nước từ 35% trở lên. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các đơn vị thành viên VRG đã và đang thực hiện các giải pháp xử lý nước thải thân thiện với môi trường. Trong đó xử lý nước thải trong chế biến cao su theo phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất là giải pháp tích cực nhất trong việc tái sử dụng nguồn nước cho sản xuất.

Bên cạnh đó, phương pháp này rất phù hợp với kế hoạch thực hiện, tăng cường năng lực quản lý, cải thiện, phòng ngừa ô nhiễm; cải tạo môi trường sống cho người dân khu vực, tránh tình trạng “sống chung với nước thải” tại cộng đồng dân cư xung quanh; đáp ứng yêu cầu sản xuất phát triển bền vững, tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm, rừng bền vững và ISO. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp này các vấn đề về môi trường sẽ được cải thiện. Góp phần đảm bảo cho hoạt động SXKD của các nhà máy chế biến cao su đúng pháp luật, ổn định và hiệu quả. Việc không sử dụng hóa chất trong hệ thống xử lý nước thải là công tác rất cần thiết phục vụ nhu cầu xả thải của các nguồn phát sinh trong các nhà máy được sạch hơn. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

NG. CƯỜNG