CSVN – Tổng diện tích toàn Tập đoàn đang quản lý 398.810,66 ha; trong nước 284.193,9 ha (71,3%), ngoài nước 114.617,48 ha (28,7%). Tổng thể 6 khu vực trồng cao su cho thấy Đông Nam bộ (ĐNB), Tây Nguyên (TN), Duyên hải miền Trung (DHMT) có cơ cấu tương đối gần tiệm cận cơ cấu chuẩn.
Cao su khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) chuẩn bị chuyển trạng thái sang giai đoạn kinh doanh nên cơ cấu vài năm tới tỷ lệ KTCB giảm đáng kể. Hai vùng trồng cao su khu vực Campuchia và Lào gần như diện tích kinh doanh chiếm đa số (86,6– 97,2%) nên đã gần đạt đỉnh tiềm năng sản lượng vườn cây. Về tổng thể sản lượng mủ cao su hàng năm của Tập đoàn không còn nhiều dư địa tăng trưởng, do khu vực Campuchia, Lào phải tiến hành tái canh dần từ năm 2026 về sau.
Năm vừa qua, sản lượng cao su khai thác đạt 445.000 tấn, vượt 4,7% kế hoạch năm, tăng 3,5% (tương ứng 15.400 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất vườn cây bình quân toàn Tập đoàn gần 1,6 tấn/ha, khu vực truyền thống ĐNB đạt 1,82 tấn/ha; khu vực TN ghi nhận năng suất bình quân 1,73 tấn/ha, đạt mức năng suất cao nhất từ trước đến nay. Khu vực Campuchia và Lào cho thấy năng suất tăng khá, 1,65 tấn/ha (Campuchia), riêng Lào gặp khó khăn về lao động và bảo vệ sản phẩm nên mức năng suất 1,54 tấn/ha chưa phản ánh đúng năng lực vườn cây. Khu vực DHMT, MNPB năng suất vườn cây thấp, dưới 1 tấn/ha.
Khu vực Lào, Campuchia có năng suất lao động cao do áp dụng hình thức thu mủ đông nên số cây cạo/phần cạo cao, đây là lợi thế tổ chức sản xuất trong điều kiện giá bán mủ thấp. Khu vực ĐNB, TN năng suất lao động từ 7,5 – 9,6 tấn/ người, đa số các đơn vị áp dụng hình thức thu mủ nước phục vụ chế biến các sản phẩm Latex, CV, SVR L để gia tăng giá trị sản phẩm, năng suất lao động đạt mức khá cao.
Có 15/66 công ty đạt CLB 2 tấn/ha trong năm 2023: ĐNB có 6 đơn vị (Bình Long, Đồng Phú, Đồng Nai, Phú Riềng, Tây Ninh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su), TN có 5 đơn vị (Bảo Lâm, Chư Mom Ray, Kon Tum, Ea H’leo, Sa Thầy), Lào có 1 đơn vị (Việt Lào), Campuchia có 3 đơn vị (Bà Rịa Kampong Thom, Tân Biên Kampong Thom, Chư Sê Kampong Thom); 79 nông trường và 75 tổ/đội đạt tiêu chuẩn CLB 2 tấn/ha (tăng 1 nông trường, 24 tổ/đội so với năm 2022).
Kế hoạch năm 2024, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn Tập đoàn là 397.881,76 ha (trong đó, diện tích tái canh – trồng mới 8.101,23 ha; diện tích KTCB 74.584,48 ha; diện tích kinh doanh 293.709 ha). Kế hoạch sản lượng khai thác 445.200 tấn. Nhằm chuẩn bị cho công tác sản xuất nông nghiệp đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024, nâng cao hiệu quả sản xuất, Tập đoàn tiếp tục thực hiện một số giải pháp then chốt như sau: Tiếp tục cập nhật tình hình thời tiết từng khu vực, chủ động phối hợp với từng đơn vị tổ chức cạo mủ đúng quy trình nhằm thu hoạch mủ tối đa ngay những ngày đầu năm kế hoạch. Công tác phun phòng phấn trắng kết hợp phân bón lá nhằm ổn định sớm tán lá phục vụ công tác cạo mủ sớm. Dự kiến diện tích phun phòng phấn trắng năm 2024 khoảng 110.150 ha, chủ yếu tập trung khu vực ĐNB, TN, Campuchia có địa hình thuận lợi áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Tổ chức hội thảo nông nghiệp đầu bờ theo từng vùng trồng cao su có đặc thù riêng, từ đó định hướng sớm công tác tổ chức sản xuất phù hợp, đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch nông nghiệp 5 năm (2025 – 2030).
Theo đó, một số định hướng chính từng khu vực, cụ thể: Đối với khu vực ĐNB, rà soát kế hoạch tái canh, vườn cây KTCB đưa vào mở cạo giai đoạn 2025 – 2030 để đánh giá, phân loại chất lượng vườn cây nhằm có phương án tốt nhất cho sản xuất, đặc biệt các đơn vị có vườn cây đạt năng suất thấp. Ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (công tác sản xuất giống, cơ giới hóa và thiết bị điện tử, quản lý số). Xây dựng mô hình canh tác theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp cây cao su với cây trồng khác (xen canh theo khoảng lớn với các loại cây trồng lấy gỗ).
Đối với khu vực TN, rà soát và bố trí giống phù hợp gắn với chất lượng cây giống đạt tiêu chuẩn để bảo đảm vững chắc chất lượng vườn cây. Yếu tố giống ít bị bệnh lá rất quan trọng trong điều kiện sinh thái khu vực TN. Đánh giá triển vọng lâu dài, có định hướng phù hợp các tiểu vùng trồng cao su giới hạn có cao trình trên 650 m theo hướng kết hợp đa dạng cây trồng bên cạnh cây cao su. Đã có mô hình triển vọng tại Cao su Krông Buk kết hợp cây cà phê, mắc – ca, sầu riêng, keo lai, kết hợp đất đai rừng đa dụng với cây cao su. Xây dựng phương án xen canh phù hợp hơn, đây là khu vực có thế mạnh áp dụng xen canh rất tốt với nhiều loại cây trồng phù hợp, có điều kiện nâng cao chất lượng vườn cây giai đoạn KTCB để khi chuyển giai đoạn kinh doanh đạt hiệu quả. Kịp thời hướng dẫn định hướng các đơn vị chủ động quản lý cơ cấu vườn cây, bảo đảm ổn định sản lượng mủ nhiều năm (Sa Thầy, Chư Mom Ray).
Đối với khu vực DHMT, rà soát lại đất nông nghiệp, phân loại hiện trạng sử dụng theo hướng chỉ tái canh lại cao su chu kỳ sau bảo đảm hiệu quả (liền vùng, không có yếu tố hạn chế, bảo đảm năng suất thiết kế). Bên cạnh bố trí quỹ đất trồng cây keo lai, cây lấy gỗ. Củng cố hệ thống quản lý kỹ thuật nông nghiệp, tổ chức sản xuất phù hợp hơn để đưa năng suất vườn cây tăng dần.
Đối với khu vực MNPB, duy trì, nâng cao quy trình quản lý thu hoạch mủ nhằm đảm bảo thời gian kinh doanh. Củng cố công tác quản lý sản xuất, đặc biệt các công ty có quy mô lớn của khu vực (Lai Châu, Lai Châu II, Điện Biên, Sơn La). Từng bước có phương án xử lý bệnh phấn trắng cho địa hình đồi dốc bằng cách sử dụng drone thử nghiệm phun phòng phấn trắng.
Đối với khu vực Campuchia và Lào, tiếp tục kế hoạch hướng dẫn, định hướng công tác xây dựng kế hoạch tái canh cao su nhằm chủ động sắp xếp đối tượng vườn cây theo lộ trình, áp dụng chế độ thu hoạch mủ gắn mới mục tiêu sử dụng hết tiềm năng cho mủ của vườn cây. Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn lĩnh vực kỹ thuật nông nghiệp, kỹ năng quản lý sản xuất cho hệ thống cán bộ kỹ thuật. Củng cố ngay những đơn vị còn khó khăn trong sản xuất (Quasa Geruco, Dầu Tiếng – Việt Lào, Mang Yang Ratanakiri). Thời gian qua, một số mô hình về nông nghiệp hiệu quả cao, tăng trưởng xanh canh tác chung với cao su đã phát huy được lợi thế về điều kiện sinh thái, đất đai hứa hẹn nhiều tiềm năng. Cùng với những tiến bộ, đột phá và cách quản lý đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng năng suất vườn cây của VRG năm 2024 sẽ tăng trưởng ổn định, góp phần phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.
Kết quả thống kê từ năm 2011 đến 2023, VRG có sự thay đổi đáng kể diện tích cao su KTCB và kinh doanh. Giai đoạn 2011 – 2017 diện tích cao su KTCB nhiều hơn kinh doanh do Tập đoàn đầu tư trồng mới khu vực Campuchia, Lào, MNPB. Các vùng này đưa vào thu hoạch mủ nên diện tích cao su kinh doanh tăng dần từ 2016 – 2023. Sản lượng duy trì mức thấp từ 2011 – 2016 trong khoảng 250.000 – 270.000 tấn/năm, sau đó tăng dần đến năm 2023 đạt 445.000 tấn (tăng gần 65% so năm 2011). Về năng suất xoay quanh khoảng 1,6 tấn/ha, thấp nhất năm 2018 (1,53 tấn/ha) do vườn cây mới đưa vào khai thác, các năm tiếp theo có sự tăng trưởng dần, đến 2023 đạt bình quân 1,6 tấn/ha.
THẢO MY (ghi)
Related posts:
- 3 cá nhân điển hình VRG được tuyên dương
- Phong trào thi đua trọng tâm mang lại nhiều hiệu quả
- Oan cho cây cao su
- Dự án cao su của VRG tại tỉnh Kratie, Campuchia mang lại hiệu quả cho địa phương
- Cao su Việt Lào: phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu CSVN để phát triển bền vững
- VRG gặp mặt khách hàng đầu năm
- Cây cao su ở Phú Nhuận – Sài Gòn
- Ông Lê Thanh Nghị giữ chức Tổng Giám đốc Cao su Lộc Ninh
- VRG ủng hộ 6,5 tỷ cho hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ biên giới
- Ngành gỗ tìm tòi, sáng tạo để vượt khó