Bệnh rụng lá Fusicoccum bùng phát tại Indonesia

CSVNO – Theo thông báo của Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc Tế (IRRDB), mưa lớn trong những tháng vừa qua đã làm bùng phát bệnh rụng lá Fusicoccum gây ra bởi nấm Neofusicoccum sp. tại Nam Sumatra, vùng trồng cao su chính của Indonesia.
Vườn cây bị nhiễm bệnh rụng lá Fusicoccum.
Vườn cây bị nhiễm bệnh rụng lá Fusicoccum.

Đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện tại Indonesia mặc dù nó đã được phát hiện từ 1987 tại Johor, Malaysia.

Hiệp hội đã cử một nhóm chuyên gia gồm Tiến sĩ Kuruvilla Jacob, Tiến sĩ Adam Malik, Tiến sĩ Ramli Othman và ông Arif Makhdzir, đến khảo sát khu vực bị ảnh hưởng tại Trạm Nghiên cứu Sembawa, Palembang. Nhóm nghiên cứu đã xác nhận dịch bệnh bùng phát tại đây là do nấm có tên nêu trên. Được biết loài nấm này cũng có thể tấn công gây bệnh trên nhiều loài cây trồng khác bao gồm cả cây ăn quả như ổi, chôm chôm, đu đủ…

Đợt bùng phát này được xem là nghiêm trọng. Tất cả các dòng vô tính được trồng phổ biến tại Indonesia đều bị lây nhiễm và rụng lá hàng loạt. Trong một số trường hợp, 50% tán lá bị rụng. Sản lượng mủ cũng bị ảnh hưởng, theo đánh giá sơ bộ, sản lượng bị giảm khoảng 30% khi vườn cây bị nhiễm bệnh.Dòng vô tính RRIC 100, được biết là dòng kháng nhiều loại bệnh lá, cũng bị lây nhiễm.

Lá cao su nhiễm bệnh Fusicoccum.
Lá cao su nhiễm bệnh Fusicoccum.

Điều tra của Viện Nghiên cứu Cao su Indonesia xác nhận bệnh cũng xuất hiện tại Medan và một số vùng trồng cao su khác tại Indonesia. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ theo dõi sự lây nhiễm bệnh trên lá non vào mùa cao su thay lá sắp tới tại Palembang (tháng 7/2018).

Tại Việt Nam, cho đến nay chưa phát hiện bệnh này. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu bất thường trong thời gian gần đây, có thể kích hoạt sự bùng phát một số loại bệnh mới trên cây cao su. Do đó cũng cần phải lưu ý phát hiện kịp thời những loại bệnh mới phát sinh.

Nguyễn Anh Nghĩa

(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)