CSVN – Trải qua 14 năm bén rễ trên vùng đất biên giới Lai Châu với biết bao thăng trầm, Công ty CPCS Lai Châu II hiện quản lý hơn 4.720 ha cao su trải dài trên địa bàn 3 huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Công ty đã từng bước giúp bà con các dân tộc trên địa bàn ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao.
Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Với đặc thù địa hình chia cắt manh mún, độ dốc lớn kéo theo thời tiết mưa lớn vào mùa cạo, rét đậm rét hại kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Chính các yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh lá phát triển mạnh, nhưng khả năng phòng trừ lại rất hạn chế do khó khăn khách quan kéo theo.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động cũng như “tay nghề” của NLĐ chưa cao. Hầu hết là người đồng bào dân tộc Thái, H’Mông, Dao có nhiều phong tục tập quán riêng biệt nên công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai sản xuất.
Với quyết tâm tăng năng suất, tăng thu nhập cho NLĐ, công ty đã tập trung các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để đạt năng suất sản lượng cao trong suốt thời gian đưa vào mở cạo. Kết quả thực hiện sản lượng từ năm 2018 – 2022 là 8.625 tấn. Cụ thể: năm 2018 đạt 397 tấn (vượt 13% KH), năm 2019 đạt 1.117 tấn (vượt 12% KH), năm 2020 hơn 2.207 tấn (đạt 100% KH), năm 2021 đạt 2.687 tấn (vượt 10% KH), năm 2022 đạt 3.217 tấn (vượt 2% KH).
Quyết tâm vượt kế hoạch sản lượng đến hết chu kỳ khai thác
Năm 2023, Cao su Lai Châu II đưa vào khai thác gần 3.796 ha với sản lượng được giao 3.750 tấn. Công ty xây dựng lộ trình đến hết chu kỳ khai thác từ năm 2023 – 2041 với tổng sản lượng 94.992 tấn.
Để thực hiện vượt kế hoạch sản lượng, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó TGĐ Cao su Lai châu II, cho biết, công ty triển khai chế độ cạo là S/2d/3 kết hợp xây dựng chế độ bôi thuốc kích thích phù hợp nhằm khai thác tối ưu năng lực của vườn cây. Thời gian cạo được thực hiện linh hoạt theo từng mùa. Mùa hè trời nắng nóng, nhiệt độ cao nên cạo sớm hơn, mùa đông trời lạnh, nhiệt độ thấp tổ chức cạo muộn hơn. Theo dõi vườn cây chặt chẽ, làm tốt công tác phòng trị bệnh không để thiệt hại xảy ra.
“Sử dụng và làm tốt mái che mưa, yếm che chén cho toàn bộ diện tích vườn cây khai thác nhằm hạn chế thấp nhất ngày nghỉ cạo và thất thoát mủ do mưa. Với đặc thù thời tiết khí hậu từ tháng 6 – 9 hàng năm có số ngày mưa nhiều, từ 22 – 25 ngày/tháng nên số ngày nghỉ cạo và trường hợp thất thoát mủ do mưa là rất lớn. Trong năm 2022, do làm tốt công tác trang bị nên số ngày nghỉ cạo do mưa rất ít, từ 3 – 5 ngày/ năm (do mưa liên tục cả ngày) đã góp phần rất lớn vào việc tăng sản lượng vườn cây” – ông Nguyễn Hữu Phước, chia sẻ.
Công ty tiếp tục vận động làm nhà công nhân ở ngay trên vườn cây để thuận tiện cho việc khai thác tại chỗ, từ đó hạn chế tối đa không để mất lát cạo do ảnh hưởng của thời tiết. Trong thời gian qua, công ty đã hỗ trợ làm nhà cho NLĐ ngay trên vườn cây.
Mùa khai thác năm nay, lao động trực tiếp khai thác mủ đã được công ty tuyển đủ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Với những giải pháp vượt khó đem lại hiệu quả trong những năm qua, Cao su Lai Châu II tự tin vượt ít nhất 5% kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao, chăm lo tốt cho NLĐ. Tiếp tục góp phần thay đổi diện mạo bức tranh nông thôn vùng biên giới Lai Châu.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Cao su Bà Rịa – Kampong Thom vượt 10% kế hoạch sản lượng
- Tự tin, quyết tâm hoàn thành sản lượng
- Cao su Hà Giang: Thành quả trên vùng đất khó
- Tổ 3 tấn liên tục nhiều năm liền ở Cao su Phú Riềng
- Cao su Dầu Tiếng: Nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh ổn định cuộc sống
- Chủ động phòng chống cháy mùa khô
- Cao su Đồng Phú: Áp dụng nhiều chế độ chính sách cho công nhân dân tộc thiểu số
- Tây Nguyên dẫn đầu tỷ lệ khai thác sản lượng toàn Tập đoàn
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai: Chuyển đổi số toàn diện tạo nền tảng cho sự đột phá và tăng trưởng
- Cao su Dầu Tiếng và Ban chỉ huy quân sự - Công an huyện Dầu Tiếng sơ kết công tác phối hợp