CSVN – Thời điểm đầu tháng 4, nhiều vườn cây đã trang bị xong vật tư, chờ thời tiết thuận lợi, công nhân cạo xả và đồng loạt ra quân khai thác. Đầu mùa cạo năm 2018, không khí ra quân tại các công ty rất rộn ràng, phấn khởi và hy vọng vào một mùa bội thu.
Phấn khởi đầu mùa cạo
Năm 2018, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long là đơn vị tổ chức Lễ ra quân khai thác mủ sớm nhất trong toàn VRG vào ngày 16/3. Trước đó, công ty đã tiến hành cho công nhân (CN) trang bị đầy đủ vật tư trên vườn cây như kiềng, chén, máng… và tiến hành cạo xả. Năm 2018, tổng diện tích vườn cây khai thác 9.432 ha, công ty bố trí cạo chế độ D3 trên 30,5% diện tích và D4 là 69,5%. Tập đoàn giao chỉ tiêu sản lượng khai thác là 16.600 tấn, tập thể CB.CNVC – LĐ công ty quyết tâm phấn đấu vượt 5% so kế hoạch.
Ông Lê Văn Thủy – Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty cho biết: “Sau thời gian nghỉ cạo, công nhân đã quay trở lại vườn cây làm việc. Năm 2017, thu nhập bình quân của NLĐ khá cao, thêm vào đó còn được chia tiền từ quỹ phúc lợi để mua cổ phần khi cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn. Chính vì vậy, tinh thần NLĐ đầu mùa cạo mới rất vui tươi, rộn ràng. CĐ công ty cũng đã phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm”.
Tại Công ty CPCS Tây Ninh, không khí ra quân mùa cạo mới phấn khởi, nhộn nhịp với quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch sản lượng mủ được giao. Ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó TGĐ công ty cho biết, đầu tháng 4 nhiều vườn cây đã tiến hành xả cạo, chờ thời tiết thuận lợi là đồng loạt ra quân khai thác.
“Trong thời gian nghỉ cạo, hầu hết CNLĐ công ty được đi tham quan, vui chơi tại các điểm du lịch nên bước vào vụ mới tinh thần rất vui vẻ, thoải mái. Năm nay, chúng tôi phấn đấu khai thác 9.000 tấn mủ quy khô, tái canh trồng mới trên 429 ha, và chăm sóc tốt 2.280 ha KTCB”, ông Hạnh cho hay.
Để hoàn thành kế hoạch sản lượng, ngay từ đầu năm 2018, Cao su Tây Ninh đã đề ra các mức thi đua khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khích lệ tinh thần lao động trong CNLĐ. Đối với tập thể như nông trường, xí nghiệp được thưởng 15 triệu đồng/quý cho tập thể hoàn thành kế hoạch khai thác quý, đảm bảo quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với tập thể nông trường, dựa vào kết quả bảng điểm thi đua, thưởng giải nhất 30 triệu, giải nhì 25 triệu, giải ba 20 triệu đồng.
Từ ngày 20/4, Công ty CPCS Bà Rịa tiến hành xả cạo, dự kiến đầu tháng 5 sẽ lấy mủ nước. Năm nay, công ty áp dụng chế độ cạo D4 trên 100% diện tích vườn cây khai thác 5.001 ha. Nhằm chuẩn bị tốt cho công tác ra quân, từ ngày 10 – 15/4, công ty tổ chức thiết kế miệng cạo, rập khống chế hao dăm, trang bị vật tư, vệ sinh miệng cạo, ổn định lao động.
Năm 2018, Cao su Bà Rịa được giao khai thác 8.700 tấn mủ, chế biến 14.700 tấn và tiêu thụ 9.700 tấn. Ông Huỳnh Quang Trung – Phó TGĐ công ty cho biết, bước vào mùa cạo mới năm nay, công ty gặp khó khăn bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi. “Do nắng nóng khô hạn kéo dài, lượng mưa ít và không đáng kể khiến bộ lá vườn cây chưa ổn định. Nếu so năm 2017, trong quý I, công ty đã đạt sản lượng khai thác trên 13%, nhưng năm nay chỉ mới thực hiện được hơn 8,5%”, ông Trung cho hay.
Mong giá mủ tăng lên
Diện tích vườn cây TCT Cao su Đồng Nai đứng chân trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, việc dịch chuyển lao động từ ngành nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ diễn ra rất mạnh mẽ. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động khai thác ở một số đơn vị thuộc TCT, một vài năm trước. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do có sự chuẩn bị trước và có nhiều giải pháp giữ chân NLĐ, nên TCT đã thu hút được lực lượng lao động ổn định.
Đầu tháng 4, đồng loạt các nông trường thuộc TCT Cao su Đồng Nai tiến hành trang bị vườn cây, chờ thời tiết thuận lợi và bộ lá ổn định sẽ ra quân khai thác. Chúng tôi gặp anh Trương Văn Dương – CN tổ 5, NTCS Trảng Bom trên vườn cây khi anh đang hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho mùa cạo mới. “Đầu mùa cạo mới, CN nào cũng phấn khởi và hy vọng vào một năm bội thu, với sản lượng khai thác được nhiều hơn năm trước. Ngoài ra, anh em CN chúng tôi còn mong ước giá bán mủ sẽ tăng lên, giúp công ty, đơn vị có doanh thu, lợi nhuận cao hơn, thì tiền lương và thu nhập của NLĐ cũng sẽ tăng”, anh Dương chia sẻ.
Một lãnh đạo phòng Kỹ thuật TCT cho biết, tổng diện tích khai thác năm nay gần 16.200 ha, trong đó diện tích mở cạo mới là 1.885 ha. Trước mùa cạo mới, lãnh đạo TCT và phòng Kỹ thuật kết hợp với các nông trường rà soát diện tích cụ thể để phân chia chế độ cạo hợp lý. Theo đó, diện tích vườn cây cạo chế dộ D3 là 8.399 ha (chiếm 52%), D4 là 7.668 ha (chiếm 47%) và D6 là 119,8 ha (chiếm 1%). Năm 2018, sản lượng khai thác của TCT là 26.800 tấn mủ, tăng 1,7% so với năm 2017.
Lao động vẫn là bài toán khó
Tại các CTCS khu vực Tây Nguyên, đầu vụ khai thác 2018, dịch phấn trắng đã được khống chế, tỷ lệ bộ lá giữ được sau khi phun thuốc tăng cao so với năm trước. Cùng với đó, Tây Nguyên đã có những cơn mưa đầu mùa tạo điều kiện thuận lợi để các công ty tiến hành ra quân khai thác mủ ngay trong tháng 3.
Một điểm mới, trước mùa khai thác mủ năm nay, tất cả các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đều tiến hành phun thuốc phòng trị phấn trắng và kết quả mang lại hết sức khả quan, vườn cây có bộ lá ổn định.
Công tác đào tạo mới và đào tạo lại tay nghề cho CN cũng được các đơn vị chú trọng và quan tâm hơn. Cao su Kon Tum mở 14 lớp đào tạo mới và 7 lớp đào tạo lại với 1.491 CNLĐ tham gia, trong đó đào tạo mới cho 753 người. Từ đầu năm đến nay, Cao su Chư Păh cũng đã tiến hành mở 6 lớp đào tạo tay nghề cho công nhân với tổng số 470 lao động, trong đó có khoảng 350 lao động mới hoàn toàn và hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến thời điểm đầu tháng 4 các đơn vị đã tiến hành cạo xả, riêng Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum – đơn vị thuận lợi nhất khi mở miệng cạo xả vào trung tuần tháng 3. Đến nay, toàn công ty đã có 5 nông trường lấy được mủ nước, mỗi ngày thu hoạch được khoảng 20 tấn mủ. 4 công ty trên địa bàn Gia Lai cũng đã đồng loạt ra quân khai thác.
Các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đều gặp khó về lao động, điển hình như tại NT Đăk H’rin của Cao su Kon Tum còn khoảng 35 ha thiếu CN khai thác, đa số diện tích của nông trường phải cạo D4. Ông Trương Văn Xay – Giám đốc nông trường cho biết: “Phần lớn diện tích bắt đầu chuyển sang cạo úp, công việc vất vả, trong khi thu nhập vẫn chưa cao nên lao động là người Kinh xin nghỉ nhiều, trong khi lao động là người dân tộc thiểu số thì không chịu đi xa, không chịu rời làng. Do vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đưa toàn bộ diện tích cạo D3”.
Theo ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Công ty Cao su Chư Prông, vùng Ia Mơr của công ty hiện rất khan hiếm lao động, lao động là người Kinh xin nghỉ rất nhiều, còn lao động người đồng bào dân tộc thì không chịu tách làng. “Việc xúc tiến xây dựng khu dân cư cho công nhân ở vùng này là rất cần thiết để có lao động” ông Thắng nói. Còn tại Cao su Chư Mom Ray và Cao su Sa Thầy cũng đang phải đối mặt với việc thiếu hụt lao động. Các đơn vị này đã có kế hoạch đến một số tỉnh để tuyển dụng lao động.
HÀ KHUÊ – ANH QUÂN – MINH TÂM – VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Hà Tĩnh phấn đấu doanh thu gần 127 tỷ đồng năm 2024
- Chủ động nhiều giải pháp, tăng tốc hoàn thành kế hoạch
- Cao su Chư Sê – Kampong Thom tổ chức vui chơi Tết Chol Chnam Thmay cho người lao động
- Cao su Phước Hòa luyện tay nghề để nâng cao thu nhập người lao động
- Cao su thay đổi vùng đất gió
- Ông Lê Thanh Nghị giữ chức Tổng Giám đốc Cao su Lộc Ninh
- Cao su Dầu Tiếng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững
- Các đơn vị miền núi phía Bắc phấn đấu vượt kế hoạch sản lượng
- Đảng ủy Cao su Bình Long quán triệt các văn bản về đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Cao su Chư Păh ký kết quy ước với 75 thôn, làng