Phong trào thi đua trọng tâm mang lại nhiều hiệu quả

CSVN – Phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi (LTN – TTG) được xem là phong trào đặc thù của ngành cao su. Trên thế giới có nhiều nước trồng cao su nhưng chỉ có duy nhất Việt Nam tổ chức Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su. Đây là điểm độc đáo và có thể xem là nét văn hóa đặc trưng của ngành cao su Việt Nam.

Lãnh đạo các cấp thực hiện nghi thức khai mạc Hội thi BTV năm 2018
Nét đẹp truyền thống của ngành cao su

Phong trào LTN – TTG là phong trào thi đua trọng tâm và được Công đoàn CSVN phát động hàng năm. Sau ngày giải phóng, hầu hết diện tích vườn cây tiếp quản rất kiệt quệ do thực dân áp dụng chính sách “Đầu tư tối thiểu – Khai thác tối đa”. Thêm vào đó, lao động phân tán do chiến tranh, lực lượng lao động còn lại phần đa là lớn tuổi. Vì vậy, Tổng cục cao su chủ trương một mặt khôi phục vườn cây, ổn định sản xuất, mặt khác mở rộng diện tích trồng cao su và thu tuyển lao động từ các nơi trên cả nước vào làm cao su.

Nhờ đó, qua các năm, diện tích vườn cây cao su ngày càng lớn, số lượng lao động ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, ngành cao su từng bước ổn định, phát triển và có nhiều đóng góp to lớn vào kinh tế cả nước nhờ sản lượng cao su đóng góp hàng năm. Đi đôi với việc tuyển dụng lao động là công tác tập huấn tay nghề. Đối với NLĐ mới thu tuyển sẽ được đơn vị bố trí đào tạo tay nghề, học lý thuyết và thực hành trên vườn cây trong khoảng thời gian 15 – 30 ngày. Đối với NLĐ lâu năm, nông trường thường xuyên kiểm tra, phát hiện những sai sót, yếu khâu nào luyện khâu đó. Tùy từng đơn vị sẽ có những hình thức kiểm tra tay nghề của NLĐ như các nông trường kiểm tra chéo, cán bộ kỹ thuật kiểm tra chấm điểm định kỳ hàng tháng.

Phong trào LTN – TTG thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo NLĐ. Ở những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phong trào này từ chỗ định hình, khởi phát và dần có vị trí, trở thành phong trào thi đua trọng điểm của Công đoàn các cấp. Càng ngày, phong trào càng phát triển rầm rộ và trở thành phong trào truyền thống, mang tính đặc trưng của ngành cao su. Và nhắc đến VRG là nhắc đến phong trào LTN – TTG, Hội thi BTV thu hoạch mủ cao su.

Phong trào LTN – TTG thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn. Đầu tiên đó là việc lãnh đạo VRG và các cấp quan tâm đào tạo, luyện rèn tay nghề cho NLĐ góp phần xây dựng một đội ngũ công nhân cao su Vững lý thuyết – Giỏi thực hành, một đội ngũ công nhân giàu truyền thống, có tay nghề và đáp ứng yêu cầu công việc.

Thứ hai, tay nghề của NLĐ quyết định không nhỏ đến năng suất, chất lượng vườn cây. Chu trình của cây cao su tùy theo khu vực sẽ có vòng đời từ 20 – 25 năm, nếu chăm sóc, khai thác đúng Quy trình kỹ thuật sẽ giúp cho vườn cây có năng suất sản lượng cao, chất lượng mủ tốt. Tay nghề của NLĐ đóng vai trò tất yếu trong việc quyết định năng suất, chất lượng vườn cây. Nếu tay nghề NLĐ yếu, kém thì vòng đời của cây cao su có thể rút ngắn lại, năng suất vườn cây thu được không như kỳ vọng.

Thứ ba, phong trào LTN – TTG đã khích lệ tinh thần thi đua yêu nước, thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng. Đi đôi với phong trào này là các hình thức khen thưởng của các cấp nhằm kịp thời, động viên NLĐ ra sức thi đua, góp phần vào việc giúp cho đơn vị nói riêng và VRG nói chung thực hiện vượt kế hoạch sản lượng hàng năm và hoàn thành các chỉ tiêu SXKD.

Ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG tặng hoa và động viên thợ giỏi trước giờ tranh tài tại Hội thi BTV năm 2020
Hội thi Bàn tay vàng – Đỉnh cao của phong trào LTN – TTG

Nhiều NLĐ trực tiếp là những công nhân khai thác mủ cao su ngày ngày cần mẫn, nỗ lực với khát khao “Cả cuộc đời là công nhân cao su chỉ mong muốn và quyết tâm được là thành viên trong đội thợ giỏi đại diện cho công ty tham dự Hội thi cấp ngành”. Và ai đã từng “sống” trong không khí của ngày “hội quân” quy tụ thợ giỏi các vùng miền về tham dự Hội thi Bàn tay vàng (BTV) thì sẽ hiểu được mong muốn đó. Cuộc “chạy đua” 20 phút trên trường thi tưởng chừng là dễ dàng là quen thuộc nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực thi đua.

Từ năm 1984 đến nay, Hội thi đã trao giải và vinh danh hàng trăm thợ giỏi của ngành cao su, họ đại diện cho hơn 70.000 công nhân khai thác toàn ngành về tề tựu, tranh tài ở Hội thi cấp ngành. Đây là ngày hội lớn của toàn ngành và được thợ giỏi mong chờ để tranh tài. Từ Hội thi, các cá nhân được nhân rộng gương điển hình tại cơ sở và toàn ngành. Hội thi đã phát hiện, bồi dưỡng và chắp cánh cho con đường phát triển nghề nghiệp của các thợ giỏi.

Khi được xướng tên ở vị trí cao nhất tại Hội thi năm 2016, anh Trần Duy Đức (Cao su Chư Prông) chia sẻ: “Đạt được danh hiệu cao nhất trong Hội thi cấp ngành, đó là điều hy vọng và khát khao của mỗi thợ giỏi khi tham gia tranh tài. Tôi nghĩ rằng VRG đã rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ công nhân trực tiếp có trình độ, tạo điều kiện để công nhân trong toàn ngành được học hỏi trao đổi kinh nghiệm thông qua Hội thi BTV. Sau kỷ niệm quan trọng trong cuộc đời làm nghề của mình tại Hội thi năm 2016, tôi trở về tiếp tục công tác tại đơn vị và được vinh dự chia sẻ, hỗ trợ đào tạo cho các thợ giỏi của công ty tham gia hội thi cấp ngành”.

Qua các kỳ tổ chức Hội thi, danh hiệu BTV được trao cho thợ giỏi xuất sắc nhất. Có thể kể đến anh Lê Bá Hào – Cao su Tân Biên, BTV 2004; Trần Sỹ Lợi – BTV 2006, Nguyễn Tấn Nghị – BTV 2010 (Cao su Dầu Tiếng); Phạm Chí Mạnh (Cao su Đồng Phú) – BTV 2008; Lường Khắc Thương (Cao su Phước Hòa) – BTV 2012; Trần Duy Đức (Cao su Chư Prông) – BTV 2016; Mai Duy Tuấn (Cao su Phú Riềng) – BTV năm 2018 và gần đây nhất là Lê Đình Cường (Cao su Dầu Tiếng) – BTV năm 2020.

Hội thi BTV ngành qua các kỳ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các khách mời quốc tế, lãnh đạo các Bộ ngành TW, địa phương. Trong Hội thi năm 2018, lần đầu tiên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đến tham dự, trong không khí hân hoan của ngày hội lớn ngành cao su, ông khẳng định: “Ít có ngành nào tổ chức được một Hội thi đặc sắc ghi đậm dấu ấn, có chiều sâu như Hội thi BTV của VRG. Lực lượng công nhân cao su sẽ giữ gìn và phát huy trọn vẹn bản sắc của giai cấp công nhân Việt Nam”.

Anh Nguyễn Viết Tú (Cao su Lộc Ninh) lần đầu tiên tranh tài ở Hội thi cấp ngành 2018 và đạt giải khuyến khích. Với anh, được tham gia Hội thi BTV là niềm tự hào lớn. Sau Hội thi, anh vẫn luôn nỗ lực rèn luyện, trau dồi tay nghề của mình và tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt công việc hàng ngày. Với những cố gắng đó, anh là một trong hai cá nhân của công ty được tuyên dương gương điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020 – 2025.

Dù trong tình hình nào, Ban lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN đều định kỳ tổ chức Hội thi BTV cấp ngành. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến NLĐ, những người đóng góp trực tiếp vào sự thành công chung của toàn ngành. Nhờ sự quan tâm đó, phong trào LTN – TTG giỏi ngày càng được lan tỏa sâu rộng.

Hội thi BTV ngành cao su qua các thời kỳ đã ghi nhận và biểu dương, tôn vinh đóng góp to lớn của đội ngũ thợ giỏi vào sự nghiệp xây dựng phát triển ngành cao su. Chính những đôi tay khéo léo, cần mẫn trên vườn cây đã giữ vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động, từ đó giúp đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm của VRG. Cũng chính đội ngũ thợ giỏi này đã dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ trong toàn ngành, thi đua vượt kế hoạch sản lượng, thi đua lao động sản xuất. Đồng thời là nguồn cổ vũ tinh thần cho sự phấn đấu không mệt mỏi của NLĐ trẻ hăng say đóng góp công sức vào sự nghiệp chung của toàn ngành.

HÀ KHUÊ – ẢNH: VŨ PHONG