Chú Đức Trung kính mến!
Cháu là người Bắc, một mình vô Nam lập nghiệp. Gia đình vợ cháu là người miền Trung, vô Nam làm cao su đã lâu. Chúng cháu gặp nhau, thích nhau và thấy sống không thể thiếu nhau, vậy là cưới nhau. Bố mẹ cháu ở xa và cũng rất vất vả khó khăn, bố mẹ cô ấy cũng chưa khá giả gì, nên chúng cháu không nghĩ đến sự trợ giúp nào của các cụ. Thế rồi hai đứa con, trai đầu gái kế, lần lượt ra đời. Con dần lớn, nghĩa vợ chồng dần nặng, vợ chồng bao bọc bảo ban xây tình dựng nghĩa.
Không biết từ khi nào vợ cháu có những cơn ghen vô cớ, rồi nhặt dần, nặng dần, ghen kinh khủng. Chồng đi làm, về ngửi áo ngửi người, ví tiền, điện thoại… kiểm soát sát sạt. Những cú điện chồng phải bước ra để nói cho vợ con ngủ, cũng nghi, tin nhắn chồng chưa kịp xem, vợ đã bấm xem và nhảy dựng lên.
Bọn bạn của cháu biết ý cô ấy, càng nhắn tin vào những lúc nhạy cảm để trêu cho vui, sau thì cho bõ tức, vì mỗi lần nghi chồng là làm loạn cả đám bạn của chồng lên truy vết. Con càng lớn, vợ rảnh rỗi hơn càng ghen già hơn.
Kiểu ghen nóng, ghen cào cấu, ghen làm nhục chồng giữa bạn bè, giữa gia tộc, giữa mọi người. Và, khi nổi cơn ghen cô ấy cực kỳ thay đổi, mặt mày hung dữ độc ác hơn, giọng nói đanh đá, hành vi hiểm ác… Cứ như vậy làm sao cháu có thể gần gũi ôm ấp bình thường một người vì bệnh ghen mà thành như ác quỷ thế được?
Có một lần cháu bỏ nhà đi trong đêm và người bạn thân đã cố an ủi cháu bằng một cô bạn đơn thân của vợ chồng nó. Nó cảm thấy cháu không thể sống đời với vợ và người phụ nữ này là cứu cánh cho cháu. Quả nhiên, với sự bao che của vợ chồng đứa bạn, cháu đã dấn sâu vào quy luật thường tình là có người thứ ba chú Đức Trung ạ.
Cháu hòa hoãn với vợ nhưng không sao bình thường với vợ được. Và, cháu đã mắc cạn giữa người vợ ghen và người phụ nữ mới. Chú Đức Trung ơi, có cách nào êm thấm không chú? Chú Đức Trung cho cháu lời khuyên nghe chú. Cám ơn chú.
CHÁU TRAI
Cháu thân mến!
Phải nói ngay, ghen tuông là hiện tượng thường gặp ở những đôi yêu nhau, gây ra biết bao điều phiền toái, khổ sở cho những “người trong cuộc”,và từ đó dẫn tới tình trạng “ông ăn chả, bà ăn nem” không còn là chuyện xưa nay hiếm. Thậm chí có người còn cho rằng nếu chưa ghen tức là chưa yêu (!)
Chúng ta sẽ không đi sâu vào phân tích về hiện tượng tâm lý của ghen tuông. Chỉ biết, ghen tuông luôn tiềm ẩn trong con người chúng ta với nhiều nguyên nhân, có thể do đánh mất niềm tin, không chấp nhận “quá khứ” của người kia hoặc lo sợ mình sẽ bị phản bội.
Tôi cho rằng trong tình yêu, ai cũng có một chút ghen tuông là điều tất nhiên. Đó có thể là một điều tốt bởi vì nó chứng tỏ tình cảm dành cho người kia rất sâu nặng và ghen tuông chính là cách để giữ chặt mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, ghen tuông không phải là dấu hiệu để nhận biết tình yêu, và, ghen quá, ghen không kiểm soát được sẽ khiến cả hai người mệt mỏi, mối quan hệ rất nhanh đổ vỡ.
Vợ cháu có nết ghen khác người như thế thì chắc chắn rằng không chỉ cháu mà có lẽ không người đàn ông nào trụ nổi. Ghen đến khiến chồng phát sợ thì coi như đã bấm phải cái huyệt chán vợ của chồng rồi. Đó là oan gia chứ không phải cục nợ nữa. Vậy là một người phụ nữ đứng trong bóng tối kín đáo xuất hiện. Mà đã bập vào thì lại mắc lưới tình, cái nút thắt muôn đời và chết người là ở đó!
Nên cẩn trọng. Vì bỏ một người vợ cuồng ghen vô cùng nguy hiểm, mà sống mãn đời trong nỗi sợ chết khiếp ấy thì rất khổ. Trước mắt nên chú tâm chữa bệnh ghen cho cô ấy đã, đã hết cách chưa?
Chuyện người phụ nữ kia, bị phát giác là hậu quả khó lường. Chi bằng kiên cố cái tổ đang có, sưởi nó lại, vì ba con người là vợ và hai con, mà cố gắng.
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Mùa lũ đi qua...
- Ngành cao su hướng về đồng bào miền Trung
- Thủ tướng: 'Khu công nghiệp phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu'
- TPHCM sáng 23/8: Giãn cách nghiêm ngặt
- Bắt chuột đồng, mênh mang vùng sông nước
- Bà Lê Thị Mác (Hai Mác) đánh giặc giỏi, làm cao su "hăng"
- Giao các bộ, ngành tìm giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
- Dịch COVID-19 đã lây lan tại 22/25 tỉnh thành của Campuchia
- Tấm lòng của mẹ chồng sẽ được con thấu hiểu!
- 4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên