Cối gỗ giữ hồn dân tộc

CSVN – Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, nhiều vật dụng hiện đại xuất hiện, chiếc cối gỗ đã dần bị thay thế và quên lãng. Thế nhưng, tại làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, Gia Lai vẫn còn những con người ngày ngày kiên trì, bám nghề làm cối gỗ và truyền lại cho các thế hệ sau với mong muốn giữ được hồn dân tộc.
Một chiếc cối gỗ hoàn thiện
Một chiếc cối gỗ hoàn thiện
Nhà nhà làm cối

Với người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhất là người Jarai và Bana chiếc gùi, cái cối gỗ là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vừa qua, chúng tôi tìm đến làng Breng để trải nghiệm về một nghề độc đáo, sản xuất những chiếc gùi, và nhất là chiếc cối gỗ truyền thống. Từ xa chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa, máy tiện rì rầm. Những âm thanh mạnh mẽ, rắn rỏi, đã tạo nên một không khí đặc trưng khác hẳn so với các làng khác.

Để làm được một sản phẩm cối gỗ, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu, mất nhiều công sức. Từ tách vỏ gỗ, tạo lòng đến mài nhẵn bề mặt cối. Gỗ để làm cối thường là gỗ mít và gỗ rừng. Nét độc đáo của nghề này là có thể tận dụng mọi thứ trên thân cây để làm nguyên liệu. Thân   gỗ lớn dùng để làm cối lớn, thân nhỏ thì làm cối nhỏ. Nhánh nhỏ hơn thì dùng để làm chày.

Anh Nhum – Làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa cho biết: “Làm cối cũng rất khó, lúc làm phải rất cẩn thận để không bị cưa cắt vào tay chân. Mình phải làm đẹp thì người ta mới mua. Mình bán được ở trong làng, huyện Ia Grai, Đức Cơ… người ta rất thích”.

Trăn trở về một thương hiệu cho làng nghề, Trưởng thôn Thin, hiện đang là bảo vệ của Tổ 9, Nông trường Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã mang sản phẩm của làng đi rao bán khắp các huyện trong tỉnh cũng như ở Kon Tum. Những chiếc cối của làng Breng đã len lỏi vào tận căn bếp của người dân và trở thành vật dụng được ưa chuộng của mỗi gia đình.

“Một người có thể làm được vài cái cối mỗi ngày, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu, vì nhiều hộ dân họ thích lắm. Đây là nghề truyền thống của dân tộc. Năm 2011, mình là người đầu tiên mang chiếc cối gỗ của làng lên huyện Đức Cơ bán được với giá 700.000 đồng/chiếc, sau này khi nhiều thanh niên trong làng cùng tập trung làm cối, mỗi chiếc bán được với giá từ 200.000 – 500.000 đồng tùy kích cỡ”, anh Thin cho biết. Bức tranh lao động ở Breng nay đã có một gam màu khác. Trước đây, nhà nhà, người người làm cao su, còn bây giờ nhiều người quay trở về với nghề truyền thống. Người già thì đan lát, làm gùi, người trẻ thì đam mê làm cối gỗ, công việc cần nhiều sức lực hơn là sự khéo léo. “Kỹ thuật làm cối không khó, quan trọng là phải kiên trì để làm cho chiếc cối thật cân đối, nhẵn láng mới đẹp. Cái khó nhất bây giờ là tìm gỗ nguyên liệu thôi”, anh Herl cho biết.

Chiếc gùi – một sản phẩm truyền thống của dân làng Breng làm ra.
Chiếc gùi – một sản phẩm truyền thống của dân làng Breng làm ra.
Hồi sinh một làng nghề

Chiếc cối gỗ là hình ảnh thân thuộc của người bản địa Tây Nguyên. Không có thứ gì không đi qua miệng cối trước khi đến với bữa ăn gia đình, từ gạo, bắp, lá mì, lá đu đủ đến những trái ớt, hạt tiêu rừng. Vì thế tiếng chày đã trở thành âm thanh của ký ức, của niềm thương nhớ của mỗi đứa con khi xa làng. Rồi máy xay xát về tới tận làng đã làm giảm hẳn “phận sự” của những chiếc cối giã.

Trong vài năm trở lại đây, đồng lương của công nhân cao su không còn hấp dẫn với thanh niên của làng. Thế nên, họ đã quay về với nghề làm cối gỗ truyền thống khiến cho hình ảnh chiếc cối giã không còn xuất hiện lặng lẽ mà trở thành mặt hàng sinh động, có ở khắp mọi nơi.

“Năm 2010, mình vừa làm công nhân, vừa làm thêm nghề phụ là thu gom những chiếc gùi, chiếc cối người dân làm ra lúc nông nhàn để mang đi bán ở khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Mỗi chuyến đi từ 2 đến 3 ngày, mình thu lãi mấy triệu đồng. Đến năm 2014, mình nghỉ làm công nhân, chỉ chuyên đi thu gom gùi, cối của người trong làng mang đi bán. Trong làng, ai làm ra bao nhiêu mình thu mua hết bấy nhiêu”, anh Thin chia sẻ.

Cũng theo anh Thin, gỗ làm cối không nhất thiết phải là gỗ quý. Gỗ mít và gỗ cây tơ nang là 2 loại chủ yếu để làm cối. Gỗ mít có thể mua trong làng, nhưng gỗ tơ nang thì phải xuống huyện Mang Yang hay xa hơn nữa là Đak Pơ hoặc Kông Chro. Gỗ tơ nang là loại rất chắc, rất khó cắt và quá trình đẽo, đục, gọt làm ra chiếc cối cũng mất nhiều công sức hơn. Loại cối này cũng có độ bền cao, có khi dùng cả đời không hư. Còn gỗ mít thì mềm hơn, làm cối dễ hơn nhưng độ bền chắc thì không bằng tơ nang.

Người dân làng Breng cũng chính là những công nhân cao su của Nông trường Hòa Bình, vào những lúc nông nhàn, đã và đang cố gắng làm thêm cối gỗ hay gùi để tăng thêm thu nhập, đã góp phần hồi sinh một làng nghề truyền thống mà cứ ngỡ nó đã bị mai một bởi nhịp sống hiện đại.

GIA LINH