CSVN – Mô hình trồng xen cây dược liệu trên vườn cao su chưa khép tán trong những năm qua được các hộ cao su tiểu điền và doanh nghiệp triển khai cho thấy hiệu quả khá rõ.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiều người dân trồng xen cây đinh lăng giữa vườn cao su. Mô hình này bước đầu đã có những tín hiệu khả quan. Đây là mô hình được Công ty Nông nghiệp Thiên Đường (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật. Cùng với sự động viên của chính quyền, ông Thơi mạnh dạn đầu tư trồng đinh lăng trong khu vườn cao su hơn 2.000m².
Ông Thơi mua 2.000 cây đinh lăng giống đã lên cao được khoảng 30cm có giá 6.000 đồng/cây. Trên mỗi luống đất, trồng 2 hàng, mỗi cây được trồng cách nhau 40cm. Mỗi luống đinh lăng cách hàng cây cao su 1m. Cây đinh lăng ưa bóng râm, chịu ẩm nhưng lại không chịu được ngập nên phải vun luống cho cao. Lúc mới trồng nên trải bạt nhựa để đất không trồi sụt làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây giống.
Theo cán bộ nông nghiệp địa phương, mô hình trồng cây đinh lăng cơ bản phù hợp với những hộ gia đình có diện tích đất nhỏ lẻ. Có doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, có hợp đồng thu mua sản phẩm là điều thuận lợi, trước mắt là tạo hướng đi mới cho bà con nông dân. Công ty có nhân viên hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch và sẽ thu mua sản phẩm thân, cành, gốc, rễ với đơn giá cố định 20.000 đồng/kg. Đồng thời, lá cũng được mua với giá 2.000 đồng/kg.
Cây trồng từ 6-8 tháng là có thể thu hoạch đợt đầu tiên, bình quân được một ký, trong đó có nửa ký lá và nửa ký cành. Một ha đất vườn trồng 30.000 gốc đinh lăng có thể đem lại 300 triệu đồng. 6 tháng sau, thu hoạch đợt thứ hai, được khoảng 300 triệu đồng nữa. Tính tổng cộng thu nhập là 600 triệu đồng/năm/ha.
Còn tại Gia Lai những năm qua cũng phát triển mô hình trồng dược liệu trong vườn cao su, mở ra hướng đi nhằm sử dụng hiệu quả hàng ngàn ha cao su tái canh. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh, là đơn vị tiên phong trong việc trồng dược liệu trong vườn cao su mới tái canh. 30 ha dược liệu của hợp tác xã trồng tại xã Ia Hlốp và Ia Dreng (huyện Chư Sê), mới bước sang năm năm thứ 2, hiện đã có 7 ha được thu hoạch với doanh thu 5 tỷ đồng, chủ yếu từ diện tích đương quy và cà gai leo.
Ông Nguyễn Đình Trọng, thành viên hợp tác xã cho biết, “Mỗi cây trồng trong một thời gian nhất định. Ví dụ như hà thủ ô đỏ phải mất 3 năm mới thu được, đinh lăng mất từ hơn 1 năm đến gần 2 năm. Nếu trồng toàn bộ hà thủ ô thì kinh phí rất lớn nên chúng tôi phải trồng thêm một số cây ngắn ngày khác như cà gai leo, chưa đầy 1 năm là thu hoạch được. Như vậy sẽ quay vòng vốn rất nhanh. Chỉ cần nguồn nước, đất tốt và được đầu tư bài bản thì nguồn thu từ dược liệu rất khả quan”.
Thực tế, tại những vườn dược liệu trồng xen cao su cho thấy, cả cây trồng chính và cây trồng xen đều phát triển rất tốt, nhờ nguồn nước và phân bón hữu cơ. Theo các công nhân làm việc tại hợp tác xã, so với trồng xen cây sắn, cây nghệ hoặc cây khoai lang, thì cao su ở vườn dược liệu xanh tốt hơn, nhờ được xử lý rất kỹ từ khâu làm đất tới quá trình chăm sóc.
Sau hai năm trồng dược liệu trên đất cao su tái canh chưa phủ tán, hợp tác xã Quang Minh đã có quy trình chăm sóc phù hợp, kiểm định được chất lượng sản phẩm và mạnh dạn đầu tư hệ thống sơ chế, ký kết hợp đồng cung cấp dược liệu cho các doanh nghiệp dược phẩm trong nước.
theo VOV, Kinh tế Nông thôn
Related posts:
- Ban hành Quy trình kỹ thuật vườn cao su xen canh
- Cán bộ công đoàn với nhiều sáng kiến hữu ích
- "Giống cao su lấy gỗ - mủ mang lại hiệu quả kinh tế cao"
- Cảnh báo bệnh hại cao su đầu mùa mưa
- Điều chỉnh quy định quản lý suất đầu tư nông nghiệp
- Cảnh báo bệnh rụng lá Pestalotiopsis trên vườn cây cao su
- Công nghệ mới làm tăng khả năng chống nứt cao su
- Công nghệ chẩn đoán bệnh rễ trắng trên cây cao su dựa trên phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo ...
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Nhu cầu thị trường cao su isoprene ước tính tăng trưởng 8,1% vào năm 2031