Chất liệu từ cuộc sống tạo nên những bài viết hay

CSVN – “Bài viết gởi cộng tác đều là câu chuyện về ngành nghề, về người nơi mình đang sinh sống và làm việc. Khả năng viết không thể nào bằng được với phóng viên chuyên nghiệp nhưng điều mình thuận lợi là những cảm xúc rất thật”. Đó là chia sẻ của chị Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh – Công ty CPCS Việt – Lào, một cộng tác viên của Tạp chí CSVN trên nước bạn Lào.
CTV Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh (bìa trái ) và Nguyễn Củ Cải (bìa phải) nhận giải cuộc thi Màu xanh tôi yêu do Tạp chí Cao su VN tổ chức. Ảnh: Tùng Châu.
CTV Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh (bìa trái ) nhận giải cuộc thi Màu xanh tôi yêu do Tạp chí Cao su VN tổ chức. Ảnh: Tùng Châu
Viết để giải tỏa căng thẳng

Qua những bài viết được gởi đến toà soạn, PV Tạp chí CSVN đã tìm gặp để nghe chị chia sẻ về cơ duyên đến với ngành cao su và làm thế nào để chị có những bài viết rất xúc động, lôi cuốn người đọc.

Chị chia sẻ: “Mình biết Tạp chí CSVN từ khi còn đi học vì thời đó ba mẹ làm công nhân cao su nên mình có cơ hội đọc Tạp chí. Dần dà sau đó, mình viết bài cộng tác ở các chuyên mục Văn hóa văn nghệ, Bạn đọc và Truyện ngắn. Ngoài Tạp chí mình còn cộng tác với Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM ở chuyên mục Tuổi hồng. Nói về lập luận chặt chẽ, phân tích sâu sắc như phóng viên chuyên nghiệp thì mình không thể nào bằng được nhưng mình thuận lợi hơn là cảm xúc thật từ những câu chuyện trong đời sống hàng ngày. Công việc của mình có nhiều thời gian tiếp xúc với công nhân, hơn nữa gắn bó đã lâu nên họ tin tưởng, có gì cũng chia sẻ với mình, từ những câu chuyện, những bài học về cuộc sống là mình có thể viết được nhiều bài hay”.

Công việc, chăm sóc con nhỏ đã chiếm khá nhiều thời gian của chị, năm 2014 khi Tạp chí mở cuộc thi viết về 85 năm truyền thống ngành cao su, chị đã “trở lại” và đánh dấu kỷ niệm bằng giải nhì chung cuộc. Sau đó chị tiếp tục cộng tác với nhiều bài viết mang hơi thở cuộc sống của người lao động xa quê.

Chị bộc bạch: “Trong cuộc sống có những lúc vui thì lúc buồn, mỗi người chọn một cách để làm nhẹ đi áp lực cho mình. Riêng mình, mình chọn viết lách để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi. Mình gói trọn hết vào câu chữ. Ở các cuộc thi viết do Tạp chí tổ chức, là cuộc thi không chuyên và dành cho tất cả mọi đối tượng nên mình cứ viết cho thỏa đam mê chứ không đặt nặng vấn đề giải thưởng. Nhưng khi có giải cũng vui sướng lắm, cảm giác không thể diễn tả thành lời. Tuy giá trị giải thưởng không lớn nhưng giá trị tinh thần vô cùng lớn lao, khích lệ động viên mình viết tiếp.”

Trong nhà ai cũng có “máu” văn chương

Làm nhân viên kế toán tại Nông trường Bachiang 4 nhưng chị viết bài cộng tác với Tạp chí rất “chắc tay”. Với lối viết chân thực, giản dị, các bài viết của chị đều được Ban biên tập đánh giá cao. Mỗi lần tham gia cuộc thi viết nào chị cũng đều giành được giải thưởng.

Trong ký ức của chị, những lời kể của anh trai về ngành cao su ở nước bạn Lào đã trở thành một hấp lực cuốn hút cô sinh viên mới tốt nghiệp ngành kế toán ngày ấy.

Chưa từng đi làm ở đâu, lại là một cô gái trước nay quen với sự yêu thương chiều chuộng của gia đình nhưng chị vẫn quyết định sang Lào làm việc bởi: “Nghe được đi làm xa thích lắm, lại được đi nước ngoài nữa chứ, nói đi là đi thôi, cũng không ngại ngần gì, vì đến với vùng đất mới chắc hẳn sẽ có nhiều điều hay ho. Ngày mới qua anh trai cứ lo lắng sợ không quen việc, không quen lối sống bên này, nhưng mãi rồi quen. Cũng nhờ sang đây mình mới gặp được chồng mình và từ đó đến nay bén rễ tròn 10 năm trên đất Lào rồi đó”.

Chị quan niệm “chất liệu từ cuộc sống tạo ra những bài viết hay”. Chị cũng bật mí thêm về niềm đam mê viết lách, bởi của mình “nhà mình ai cũng có “máu” văn chương, ca hát nên từ cảm xúc thể hiện thành câu chữ cũng dễ dàng hơn”.

HÀ KHUÊ