Các công ty gỗ VRG: Nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt, kiên trì vượt khó

CSVNO – Trong bức tranh chung ảm đạm của ngành gỗ, các công ty gỗ trực thuộc VRG cho thấy những mảng sáng. Đó chính là sự nhạy bén, kiên trì, không ngừng áp dụng các giải pháp, liên tục đổi mới, cố gắng biến “nguy” khi thị trường giảm tốc thành cơ hội để tái cấu trúc sản xuất, tạo đà tăng tốc khi thị trường phục hồi.

Gỗ Đồng Nai có lợi thế về chứng nhận bền vững
Khởi động “chương trình khẩn cấp” để quản trị rủi ro

VRG hiện có 3 công ty sản xuất gỗ MDF, năm nay Tập đoàn giao kế hoạch (KH) sản lượng gỗ MDF 1.065.500 m3. Tính đến hết tháng 5, tổng sản lượng chế biến 367.511 m3 (đạt 34,49% KH). Nhiều thị trường xuất khẩu bị đóng băng, đơn hàng giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu, vật tư các loại, chi phí vận chuyển… đều tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm giảm từ 15 – 20% so với thời điểm cuối năm 2022 nên đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và hiệu quả SXKD của các đơn vị.

Là công ty nhiều năm liền có hiệu quả SXKD dẫn đầu ngành gỗ của VRG, đầu năm 2023, Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha cũng đã khởi động “chương trình khẩn cấp” để quản trị rủi ro. Cụ thể, công ty đồng loạt tiết giảm từ 10 – 30% toàn bộ chi phí trong tất cả các khâu của hoạt động SXKD. Hiện tại, công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án thích ứng linh hoạt khi khó khăn tiếp tục “bủa vây”.

Tương tự VRG Dongwha, tính đến hết tháng 5, Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang chỉ thu mua được 14.221 tấn gỗ nguyên liệu (kế hoạch đề ra là 15.500 tấn), sản xuất được 10.570 m3 (đạt 72% so với cùng kỳ năm 2022), tiêu thụ được 10.253 m3. Doanh thu trên 56 tỷ đồng (đạt 79% so với cùng kỳ). Lợi nhuận tháng 5 trên 3 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng 5 trên 11 tỷ đồng (đạt 55% so với KH và bằng 44% so với cùng kỳ năm 2022).

Ông Nguyễn Anh Tuấn – TGĐ Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang, chia sẻ: “Trước tình hình tiêu thụ khó khăn như hiện nay, chúng tôi phải tận dụng tất cả cơ hội có được từ đơn hàng khó đến đơn hàng giá rẻ. Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, chủ động tìm kiếm khách hàng mới, duy trì mối quan hệ bền vững với những khách hàng thân thiết, lâu năm. Rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, để duy trì hoạt động, chờ thị trường khôi phục, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao”.

“Hiện nay đang có sự cạnh tranh lớn về thu mua nguyên liệu do các đơn vị sản xuất gỗ ở miền Đông về thu mua cây keo lai tại miền Tây, song song đó là các lò gạch tại An Giang cũng thu mua gỗ làm chất đốt. Vì vậy, công ty đang bám sát tình hình diễn biến của thị trường nguyên liệu gỗ, củi, dăm, viên nén để có KH thu mua phù hợp. Mùa mưa đã đến, công ty chủ động liên hệ các nhà ghe, khuyến khích người dân tăng cường khai thác cây trên đê bao, vườn tạp để bổ sung sản lượng bị thiếu hụt. Triển khai chương trình hỗ trợ để tăng sản lượng thu mua ở các tỉnh lân cận”- ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết.

Đưa ra nhiều giải pháp trong vòng xoáy khó khăn, ông Cao Thanh Nam – TGĐ Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị, cho biết, sản lượng tiêu thụ 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 59.274 m3 (bằng 48% so với cùng kỳ năm 2022). Từ quý IV năm 2022, công ty đã triển khai cho các bộ phận chuyên môn nắm bắt thông tin cũng như nhu cầu tiêu thụ nội địa. Từ đó thay đổi sản phẩm tiêu thụ phù hợp thị trường trong nước, để ổn định sản xuất, kiểm soát giá thành năm 2023.

“Song song đó, chúng tôi đã tăng cường nhân sự hiểu biết sâu sản phẩm MDF của đơn vị cho phòng kinh doanh để tiếp cận trực tiếp, thâm nhập xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm của công ty. Đồng thời, bám sát giá cả đầu vào nhằm đảm bảo giá thành – giá bán hợp lý để ổn định thị trường, mở rộng tiêu thụ. Về công tác vận chuyển hàng hóa, chúng tôi sử dụng đa dạng các hình thức vận chuyển, nhưng ưu tiên phương tiện tàu biển đề giảm chi phí. Tăng cường bán sản phẩm tại kho nhằm tận dụng được các xe của khách hàng có giá vận chuyển thấp hơn giá thị trường” – ông Cao Thanh Nam, tâm sự.

Gỗ Thuận An đa dạng các mẫu mã tự thiết kế đáp ứng nhu cầu khách hàng
Cải thiện năng lực toàn diện

Trong lĩnh vực gỗ tinh chế, ước tính 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An gần 126 tỷ đồng (đạt 24,45% so cùng kỳ); lợi nhuận đạt 5,28 tỷ đồng (bằng 41% so với cùng kỳ). Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ công ty, cho biết, Gỗ Thuận An đang thực hiện đồng bộ 10 giải pháp để vượt khó. Cụ thể, công ty tập trung việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá hàng bán để có đơn hàng mới, có việc làm cho NLĐ. Kiểm soát chặt chẽ định mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh. Tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới bằng nhiều kênh để có thêm đơn hàng mới đảm bảo KH và tạo việc làm cho NLĐ. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất, bán hàng và phát triển sản phẩm. Ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

“Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tổ chức đối thoại để nắm rõ và kịp thời tâm tư của NLĐ nhằm có biện pháp ổn định tâm lý giúp NLĐ yên tâm sản xuất. Khuyến khích NLĐ tích cực tham gia cải tiến, sáng kiến trong sản xuất. Ổn định nguồn lao động, chăm lo, đảm bảo đời sống NLĐ, xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Tập thể NLĐ toàn công ty đang quyết tâm, đoàn kết, cộng hưởng tạo động lực mạnh mẽ giúp công ty vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao” – bà Lê Thị Xuyến, chia sẻ.

Ở Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa, đơn hàng suy giảm từ 50 – 60% bắt đầu từ tháng 8/2022 đến nay. Ông Lê Tuấn Linh – Phó TGĐ Công ty CP CN&XNK Cao su, TGĐ Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa, cho biết, các mặt hàng tồn kho của công ty còn rất nhiều, xuất hàng rất chậm. Trước thực trạng đó, ban lãnh đạo công ty đã có nhiều giải pháp, như: Tăng cường kiểm soát chi phí trong sản xuất, tiết kiệm tối đa, giảm tiến độ xuất hàng để duy trì sản xuất, bù đắp các định phí. Không sản xuất tăng ca, không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng đặc biệt là giờ cao điểm. Tăng cường tiếp xúc khách hàng, làm nhiều mẫu sản phẩm đồ gỗ nội thất mới đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tham dự 2 hội chợ ngành gỗ lớn để tìm thêm đơn hàng, chấp nhận đơn hàng hòa vốn để duy trì hoạt động, đa dạng hóa mẫu mã, kết hợp các vật liệu khác gỗ như: đá, mây, nhựa, vải da, đắp bột, bê tông… để duy trì sản xuất.

“Tình hình lao động công ty cũng phải tiết giảm dần do không có đơn hàng, tháng 9/2022 đơn vị giảm 1/3 lao động (100/350) lao động do đơn hàng sụt giảm không đủ chi phí trả lương vì đơn vị trả lương theo sản lượng. Đến thời điểm hiện tại đơn vị còn 240 lao động, đủ để duy trì sản xuất cầm chừng với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện đơn vị cố gắng để không giảm thêm lao động nhằm duy trì nguồn lực chuẩn bị khi đơn hàng phục hồi. Tính đến thời điểm hiện tại doanh thu công ty chỉ đạt khoảng 199 tỷ (đạt 46% KH); lợi nhuận đạt 1,36 tỷ (đạt 38% KH)” – ông Lê Tuấn Linh, chia sẻ.

Sản phẩm Gỗ MDF Kiên Giang
Nỗ lực ổn định sản xuất

Trong lĩnh vực gỗ phôi và ghép tấm, ông Phan Quốc Khải – Phó TGĐ Công ty CP Chế biến & XNK Gỗ Tây Ninh, chia sẻ: “Tình hình đơn hàng trong 5 tháng đầu năm 2023 cũng như dự báo trong thời gian tới gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng đơn hàng gỗ phôi chỉ 30% so với năng lực sản xuất. Hiện tại, công ty đã sắp xếp lại sản xuất, cho ngưng hoạt động 1 xưởng sơ chế, giảm 50% về quy mô và sản lượng. số lượng đơn hàng ván ghép tấm cũng rất ít, hiện tại chỉ có đơn hàng ván chất lượng C, không có đơn hàng ván chất lượng A và B. Tuy đơn hàng sụt giảm, nhưng để đảm bảo việc làm cho NLĐ, công ty vẫn phải duy trì hoạt động cầm chừng, vì vậy hiệu quả hoạt động SXKD rất thấp, lượng hàng tồn kho rất lớn nên công ty gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguồn vốn lưu động để duy trì sản xuất.

Nguồn gỗ cao su thanh lý trong ngành hiện tại không được phân bổ như trước đây mà phải thực hiện đấu giá 100% nên nguồn nguyên liệu gỗ không ổn định, đồng thời nguồn gỗ cao su tiểu điền cũng như nguồn gỗ từ các công ty cao su ngoài Tập đoàn trên địa bàn Đông Nam bộ ngày càng khan hiếm, chất lượng thấp, giá bán cao nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu để tổ chức sản xuất. Công ty đã tích cực tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu gỗ cao su thanh lý có giá cả phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất và ổn định việc làm cho NLĐ.

“Đến hết tháng 5, Gỗ Tây Ninh sản xuất gỗ phôi đạt 5.728 m3 (đạt 33,69% KH), tiêu thụ 4.049 m3 (đạt 32,44% KH); gỗ ghép tấm sản xuất được 418 m3 (đạt 19,9% KH), tiêu thụ 387m3 (đạt 18,42% KH). Ngoài việc cố gắng giữ số lượng khách hàng hiện có, công ty đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng để duy trì và ổn định sản xuất. Tiết giảm các khoản chi phí bằng biện pháp tăng cường công tác quản lý, tiết kiệm các khoản chi phí đến mức có thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp vật tư có giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm của công ty làm ra đạt chất lượng và mang lại hiệu quả” – ông Phan Quốc Khải, cho biết.

Tình hình hoạt động khó khăn giống như Gỗ Tây Ninh, ông Cao Thanh Bình – TGĐ Công ty CPCS Trường Phát, tâm sự: “Công ty đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu, quan hệ tốt với các đối tác để có nguồn cây chất lượng tốt, giá cả phù hợp và luôn giữ vững chất lượng gỗ thành phẩm. Tích cực tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bằng nhiều kênh. Tái cơ cấu toàn diện công ty trong công tác điều hành, quản lý SXKD, tinh gọn bộ máy quản lý. Thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ ghép. Cố gắng chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần và các chế độ chính sách cho NLĐ và các chế độ đãi ngộ khác nhằm ổn định đội ngũ CNLĐ”.

Trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, các công ty gỗ trực thuộc VRG đang kiên trì cố gắng, quyết tâm tìm ra các giải pháp hợp lý và hiệu quả để vượt khó, “cán mốc” chỉ tiêu SXKD đề ra để chăm lo tốt nhất cho NLĐ.

Ông Lê Thành Trung – TGĐ Công ty CP Chế biến Gỗ Cao su Đồng Nai, chia sẻ: “Đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường theo đà giảm từ những tháng cuối năm 2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Hiện nay, sản phẩm của công ty chủ yếu là các loại gỗ phôi và ván ghép tấm. Vì vậy, để đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ, công ty đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tinh chế, đồ dùng trong gia đình. Công ty cũng áp dụng công nghệ nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất. Công ty thực hiện cải thiện năng lực toàn diện để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu. Lợi thế của công ty là nguồn gỗ thanh lý hàng năm của TCT Cao su Đồng Nai đã được cấp chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/ PEFC-FM của tổ chức quốc tế GFA. Sản phẩm truy xuất nguồn gốc rõ ràng là một lợi thế để công ty đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường mới…”.

“Công ty CP MDF VRG Kiên Giang đã chủ động đề ra nhiều phương án nhằm duy trì hoạt động SXKD, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ trong giai đoạn khó khăn. Công ty đã hoàn thành dự thảo dự án điều chỉnh rừng cho diện tích rừng Hòn Đất, phương án phát triển rừng bền vững. Tiếp tục triển khai các bước thẩm định để sớm có phê duyệt dự án trong tháng 6/2023 để triển khai vào quý 3, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Tận dụng thời gian thị trường thấp điểm, tổ chức xử lý các vấn đề thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả vận hành thiết bị tăng sản lượng lúc thị trường ấm lại, xây dựng thêm tài liệu hướng dẫn công việc giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn” – ông Nguyễn Anh Tuấn – TGĐ Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang, chia sẻ.

Bà Lê Thị Xuyến – Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An, cho biết: “Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm, do ngành gỗ nói chung đang chịu nhiều tác động từ sự biến động kinh tế thế giới, sức mua các sản phẩm từ gỗ trên toàn cầu giảm mạnh, các đơn hàng của ngành gỗ suy giảm rõ rệt. Vừa qua, Gỗ Thuận An đã tham gia Hội chợ gỗ quốc tế Vifa Expo 2023. Tại đây chúng tôi đã phát triển thêm các khách hàng tiềm năng; giới thiệu được các sản phẩm mẫu do chính Gỗ Thuận An tự thiết kế. Đặc biệt, khi tham gia hội chợ chúng tôi đã thành công trong công tác quảng bá sản phẩm của công ty trên các trang hội ngành gỗ… Từ đó có thêm khách hàng mới, đơn hàng mới đảm bảo kế hoạch SXKD và tạo việc làm cho NLĐ”.

NGUYỄN CƯỜNG – VŨ PHONG – TUỆ LINH