Tinh thần đại đoàn kết dân tộc làm nên thắng lợi vĩ đại

CSVN- Hiếm có một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nào trên thế giới mà Chính quyền được thành lập khi cách mạng chưa hoàn thành. Đảng ta đã làm được điều đó trong hoàn cảnh hết sức cấp bách với những khó khăn chồng chất trong mùa thu Cách mạng năm 1945.
 Di tích Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội
Di tích Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội

Chính sự tài tình, tầm nhìn xa trông rộng của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng khi đó đã tạo ra điều kỳ diệu này khi quyết định tổ chức Quốc dân Đại hội (QDĐH) để lập ra Ủy ban Kháng chiến, tiền thân của Chính phủ nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước khi bước vào cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đại hội đại biểu Quốc dân (ĐBQD) (QDĐH Tân Trào) diễn ra trong hai ngày 16,17/8/1945 tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). QDĐH như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của dân tộc và đã trở thành biểu tượng cho ý chí đồng lòng, quyết tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám.

Đại hội diễn ra trong bối cảnh cao trào kháng Nhật cứu quốc đang diễn ra sôi sục từ Bắc chí Nam, tạo tiền đề mạnh mẽ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Căn cứ vào tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội ĐBQD để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam (VN). Sáng 15/8/1945, được tin đích xác vua Nhật đã ra lệnh đầu hàng cho quân đội Nhật, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh thấy không thể chờ đợi cho thật đông đủ tất cả các đại biểu nữa nên đã quyết định khai mạc Đại hội ĐBQD vào chiều ngày 16/8/1945.

Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở Thái Lan và Lào. Đại hội được tiến hành khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, vì vậy phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu kịp về cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

Trong 2 ngày họp, Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và hiệu triệu nhân dân toàn quốc, các đoàn thể cách mạng phải kịp thời đứng lên phấn đấu, thi hành 10 chính sách. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng (DTGP) VN do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục.

Trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban DTGP đã gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc, trong đó có đoạn viết: “…Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. (…)Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. (…)Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

[stextbox id=”stb_style_259398″]QDĐH Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng VN, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, để cả đất nước VN đứng lên tự làm chủ vận mệnh mình và đất nước mình.[/stextbox]

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong QDĐH Tân Trào chính là một trong những nhân tố dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, để những ngày sau đó, trên khắp mọi miền, triệu người dân một lòng đứng lên giành chính quyền. Với 10 chính sách của Việt Minh được thông qua, trong đó, việc ban bố những quyền của dân, cho dân về nhân quyền, tài quyền và dân quyền đã giúp Cách mạng tháng Tám có một đường lối lãnh đạo chính danh, hợp với lòng dân nhất.

Đức Trung (tổng hợp)