Phòng ngừa đột quỵ – tai biến mạch máu não

CSVN – Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch) và chảy máu não (vỡ mạch). Hiện nay bệnh đang gia tăng ở mức đáng báo động.

doi quy

Các dấu hiệu nhận biết

Một ngày như bao ngày, anh N.T.C làm các công việc thường ngày của mình là chụp ảnh bỗng dưng anh cảm thấy mệt mỏi, tay chân không cử động được, không nói và mấp máy môi được, nửa khuôn mặt cảm giác như bất động, liệt nửa người…Thấy anh có các biểu hiện khác lạ, mọi người liền đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. May mắn đã được cấp cứu kịp thời. Vì chỉ trong tích tắc, anh sẽ bị đột quỵ và chết.

Cách ngăn chặn hữu hiệu cơn đột quỵ là phòng ngừa sớm các nguy cơ gây bệnh. Trong bệnh cảnh đột quỵ, các tế bào não nếu không được cung cấp đủ máu sẽ không hoạt động và chết sau vài phút. Vì vậy, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, cần phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh nhân cần được cải thiện khẩn cấp bởi các chuyên gia chuyên môn trong 3 giờ đầu tiên – thời gian ”vàng” trong cấp cứu đột quỵ. Bệnh nhân cần có sự can thiệp kịp thời của bác sĩ để bảo toàn tính mạng và giảm thiểu di chứng sau đột quỵ.

Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của tai biến mạch máu não với hiện tượng trúng gió, nên xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái… Nhiều trường hợp khi thấy người thân có dấu hiệu đột quỵ, người nhà liền lấy kim châm vào đầu 10 ngón tay rồi vào 2 dái tai để máu chảy ra. Những điều này là hoàn toàn sai lầm, khiến tình trạng bệnh nặng hơn và ảnh hưởng đến khoảng thời gian vàng có thể cứu chữa cho nạn nhân.

Tuyệt đối không tự ý cho nạn nhân uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc cải thiện đột quỵ nào mà không có chỉ định của chuyên gia để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Khi phát hiện nạn nhân bị đột quỵ, người thân cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách đảm bảo hô hấp tốt: thông thoáng, không có dị vật, không bị sặc, đặt bệnh nhân nằm cao đầu khoảng 30-40cm, nới lỏng quần áo, kiểm soát huyết áp. Đồng thời nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc cẩn thận di chuyển nạn nhân đến bệnh viện, hạn chế chấn động vùng đầu bệnh nhân.

Dù may mắn được cứu sống, người bệnh cũng gánh chịu những di chứng như: Yếu nhẹ hoặc liệt nửa người, giảm và mất cảm giác một bên cơ thể, nói năng khó khăn, khó nuốt hoặc nuốt sặc, giảm thị lực, rối loạn cảm xúc và thay đổi tâm trạng, trí nhớ suy giảm, thay đổi hành vi.

Cách phòng trị bệnh

Cần thay đổi thói quen sống, ăn uống khoa học, suy nghĩ tích cực, thoải mái, giải tỏa căng thẳng, stress, tập luyện hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ để cải thiện các bệnh mãn tính. Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ. Để duy  trì huyết áp ở mức lý tưởng dưới 135/85 mmHg, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5 g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2-3 phần cá mỗi tuần.

Tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo. Người bệnh có thể dùng thêm thuốc ổn định huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh có thể tập thể dục ở cường độ vừa phải như đi dạo sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy ít nhất 5 ngày/ tuần. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, có thể chia nhỏ thành 10-15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.

Thay vì thường xuyên  sử  dụng rượu, bia với nồng độ cao, nên uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải (khoảng 1 ly nhỏ mỗi ngày). Rượu vang đỏ có chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não. Việc kiểm soát chỉ số đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cần thiết.

TÂM AN