Bóng đá Trung Quốc: Dùng tiền mua thành công?

CSVN – Sự lớn mạnh của bóng đá Trung Quốc (TQ) được thể hiện qua các bản hợp đồng “bom tấn” được nhiều CLB thực hiện gần đây. Nhưng liệu tiền có đem đến thành công cho bóng đá Trung Quốc?
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ nền bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Internet
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ nền bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Internet

Trong kỳ chuyển nhượng cầu thủ mùa Đông vừa qua, trong khi 20 đội bóng hàng đầu nước Anh không ký nổi bản hợp đồng đình đám nào thì các đại diện Giải bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc (C-Super League) liên tiếp gây sốc thương trường. Thống kê cho thấy số tiền chuyển nhượng được các CLB Trung Quốc chi ra trong thời gian qua lên tới 300 triệu USD, vượt qua cả giải Premier League (Anh). TQ đang thách thức giải Nhà nghề Mỹ (MLS) để trở thành sân chơi thu hút nhiều ngôi sao Châu Âu và Nam Mỹ nhất.

Thời đại mà những cầu thủ tài năng từ Nam Mỹ buộc phải tới Châu Âu để khẳng định tài năng và được đối đãi như những ngôi sao đã qua. Giờ đây, rất nhiều cầu thủ đã chọn tới TQ, nhận mức lương kếch xù thay vì ở lại Châu Âu chiến đấu vì danh vọng.

Sự có mặt của nhiều tên tuổi trước mắt giúp giải vô địch quốc gia TQ được nâng tầm chất lượng, đồng thời tiền bản quyền truyền hình sẽ tăng vọt. HLV Eriksson- chiến lược gia người Thụy Điển đang dẫn dắt CLB Shanghai SIPG của TQ cho rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của TQ sẽ nhanh chóng gặt hái trái ngọt từ các phi vụ đầu tư hàng trăm triệu USD. “Trong 10 hay 15 năm tới, tôi tin chắc đội tuyển TQ sẽ cạnh tranh cho danh hiệu World Cup,” ông Eriksson nói.

Từ những động thái đó, giấc mơ cạnh tranh để giành chức vô địch World Cup của tuyển TQ sau đây một thập niên nữa không phải lời nói suông. Nhưng đôi khi, sức mạnh đồng tiền lại không đi kèm với đảm bảo cho thành công.

HLV Arsene Wenger của CLB Arsenal cho rằng, trong bóng đá, lớp cầu thủ trẻ đóng vai trò quan trọng đến bộ mặt đội tuyển trong tương lai. Nếu TQ muốn cạnh tranh cho danh hiệu vô địch World Cup, họ nên chăm lo tốt hơn cho thế hệ những cầu thủ trẻ ngay từ lúc này hơn là chạy đua đánh bóng tên tuổi bằng dàn sao Châu Âu. Cách làm bóng đá của TQ sẽ mở ra thành công cho họ rất nhanh, nhưng đổi lại, lứa cầu thủ nội sẽ bị chôn vùi cơ hội phát triển.

Xu thế sính ngoại luôn trở thành con dao hai lưỡi. Với khán giả TQ, có cơ hội được theo dõi những tên tuổi Châu Âu thi đấu ngay tại quê nhà giống như giấc mơ thành hiện thực. Nhưng nếu xét về góc độ lâu dài và tác động tới sự phát triển của bóng đá TQ, cách dùng tiền mua uy tín cho giải đấu không đảm bảo cho thành công của đội tuyển quốc gia.

Việc tung tiền tấn mua cầu thủ nước ngoài không thể che đậy cho sự kém hấp dẫn ở giải bóng đá TQ, đồng thời mọi thứ không khác nào bức bình phong lắp đi chân lý đanh thép rằng, đội tuyển TQ đang xuống dốc hiện tại. Thật vậy, từ khi góp mặt ở vòng chung kết World Cup 2002, tuyển TQ không tạo nên tiếng tăm nào trong làng túc cầu.

Trung Phong