Những mùa lộc khát

CSVN – Ánh đèn pin trong những lô cao su khi ẩn khi hiện, khoan xoáy qua màn đêm, nhìn từ xa nó ma mị mờ ảo, ánh sáng khuếch tán loãng quẹc giữa rừng. Ngay trên đường cạo, nó cũng vàng vọt mông lung, không phải vì lượng điện trong cái bình đeo yếu, mà bởi những làn sương đặc quánh quấn quýt lấy thân người thợ cạo trong mùa gió Lào nóng ẩm khô hanh.
Ảnh: Nguyễn Sinh Thành
Ảnh: Nguyễn Sinh Thành

Sương bao phủ, hơi ẩm nặng nề, áo quần người thợ cạo ướt đầm đìa, vậy mà toàn thân nóng bức khó chịu. Nếu không có đàn muỗi nhiệt tình cứ vo ve đến ong tai, chắc có lẽ chúng tôi cởi phắt áo ra cho dễ thở!

Dưới chân, mỗi bước đi phát ra tiếng lọc sọc, ọp oạp của nước. Nước ở đây là do mồ hôi thấm thừa từ bộ đồ bảo hộ chảy xuống, không thoát được ra ngoài, đọng vào trong ủng. Phía ngoài ủng, miếng vải được người thợ cạo tẩm xà phòng với cali ướt sũng sủi bọt, bốc lên mùi ngai ngái hăng hăng. Đây cũng là cách họ chống lại cái loài sên đáng ghét. Nếu không có miếng vải tẩm xà phòng và cali ấy, hết phiên cạo thì những người thợ sẽ biến thành những người hiến máu vô danh. Cái khó chịu nhất khi bị loài này chích là ngứa, nhất là những con sên chửa, khi bị chúng chích, vừa ngứa mà miệng chích rộng, máu cứ chảy dai dẳng thành dòng nhỏ….

Bỏ lại sau lưng tất cả, giữa mấp mô của đồi núi dốc, người thợ cạo vẫn bước thoăn thoắt giữa màn đêm. Cái duy nhất làm bạn với họ, trò chuyện với họ đó là những tiếng loạt soạt ngọt nhẹ từ cái lưỡi dao cạo liên tục, nhịp nhàng phát ra. Ánh sáng đèn pin phản chiếu vào màu sáng trắng của lưỡi dao nó tạo thành những tia sáng đa góc, đa chiều tựa như tia sáng pháo hoa chùm được bắn vào những dịp quan trọng của đất nước.

Đường dao sắc lẹm lướt qua, những nhát dăm cạo mỏng đều cuốn tròn, xoắn lại như cái lò xo cũng đi theo lưỡi dao, màu trắng như sữa của mủ cao su chỉ chờ có thế, nó đẩy ngược ống mủ lên rồi vội vã đuổi theo lưỡi dao phía trước chúng. Nhưng như trò đuổi bắt của hai cái bánh xe, chúng đều chuyển động để bắt kịp nhau, thế mà cả đời, bánh sau nhìn bánh trước chạm đích trong ngạo nghễ, giống như lưỡi dao trên tay người thợ, bao giờ cũng dứt xong nhát cuối cùng trước “miệng tiền”… thì lũ mủ kia mới đuổi kịp. Tức tối không bám đuổi được lưỡi dao, chúng miễn cưỡng ngoặt mình, men theo cái rãnh dẫn rồi trườn xuống. Gặp cái máng, chúng đi thêm chút nữa, đoạn, hình như mỏi chân, chúng bèn níu nhau, đứa sau dìu đứa trước, thả nhau vào cái bát mà con người đã để sẵn chờ chúng. Chúng ngơ ngác đứng trong bát hứng mủ, đưa tay đỡ những đứa sau, hình như sợ đồng đội ngã đau hay sao ấy.

Ảnh: Nguyễn Sinh Thành
Ảnh: Nguyễn Sinh Thành

Một giờ sáng đến năm giờ là khoảng thời gian con người sâu giấc nhất. Đó cũng là khoảng thời gian mà đồng hồ sinh học của con người cần tĩnh lặng để thải loại những độc tố tích tụ trong sau một ngày dài làm việc đã qua để bắt đầu năng lượng cho ngày tiếp theo. Còn đồng hồ sinh học của người thợ cạo lúc này là vận dụng tốc độ tối đa để kịp hoàn thành khối lượng công ty giao khoán.

Với đường đồng mức được hạ theo các sườn đồi, những hàng cao su uốn lượn trải dài tít tắp. Mỗi người trong đêm phải hoàn thành khối lượng cạo thấp nhất là 500 cây cao su. Với khoảng cách cây cách cây    3 mét, hàng cách hàng 6 mét, quãng đường đi của công nhân trong mỗi đêm phải trải qua trên dưới 3km. Mỗi cây, tốc độ cạo phải từ 6 -7s, có nghĩa là con người lúc này chỉ biết lao đi, bởi thế, có những người thợ cạo, vì quên chừng mà ngã xuống những cái hố ẩn giữa hàng cây, những cái hố này thường do mưa xói mòn để lại.

Khi ánh bình minh le lói phía đằng đông. Khi tiếng con chim đa đa, con chim “bắc nồi kê côộc” cất tiếng hót. Tiếng hót của loài chim này, công nhân chúng tôi hay nhại ra là: không làm không được… là lúc người thợ cạo đã bắt đầu thu dao, báo hiệu hoàn thành công việc trong đêm.

Tốp cạo bên lô 8b nổ xe máy chạy sang tốp của chúng tôi bên lô 8a. Mặt người rõ dần, tiếng chim hót râm ran. Những người công nhân cạo mủ nhễ nhại mồ hôi, nhìn tôi nhoẻn nụ cười méo mó:

– Mủ ít eeng hè (eeng hè… là tiếng địa phương Hà Tĩnh quê tôi, tiếng phổ thông là…anh nhỉ).

Mủ nhựa chi chán phèo. Cạo năm sáu tiếng đồng hồ không biết có được một lạng mủ nác (nước) không? Hiền khều chán nản cầm cái tô sành hứng mủ lắc lắc rồi nói tiếp…hời… kiểu ni rồi không biết lấy chi cho con ăn. (Gọi Hiền khều vì hắn là công nhân nữ mà cao nhất cả nông trường).

Được cái, mấy công nhân nữ nơi đây, dù lăn lộn đêm ngày trên lô cao su, dưới cái nắng nóng tiệm cận gió Lào bỏng rát, nhưng ai cũng da trắng môi hồng tự nhiên? Không lẽ là nhờ uống nước giếng khơi đào ở độ sâu 15, 17m, mạch nước ngầm len lỏi, rịn qua lớp đá mun mềm dai, những cái giếng khơi như thế, nước ngọt và trong vắt. Một điều tuyệt vời hơn là các hóa chất trong các giếng đào nơi đây chỉ số bằng nước máy thành phố, nhiều lúc đi làm về, khát, ra bể ngửa cổ dưới vòi xả, làm một hơi nước lạnh vừa bơm từ dưới giếng lên, nó mát ngọt thẳng đến cuối ruột già. Thật đấy! Không đùa!.

Các cô nàng râm ran trò chuyện, so sánh lượng mủ của các lô khoảnh liền kề. Cuộc nói chuyện có xu hướng chán nản…

– Thôi, báo với nông trường, viết đơn xin nghỉ, kiếm việc làm khác để có tiền mà nuôi con nữa! Làm ăn kiểu ni…bố không đủ nuôi cha…chơ đừng nói chi nuôi vợ

– Ôi dào…quan trọng là có đủ tiền đổ xăng đi trên lô về nhà, từ nhà lên lô chơ nói chi xa ngái, tiếng Khương “Ruốc” chen vào.

Nghĩ cũng hay, trong quá trình lao động, công nhân chúng tôi cũng hài hước thật, đặt cho nhau những cái tên ngồ ngộ. Nghe qua tên Khương “Ruốc”, cứ nghĩ ả ta hôi hám lắm, nhưng không, vẫn thơm tho ấy chứ! Bằng chứng là cái thằng tôi đã kiểm định bằng cái mũi tinh mùi như chó nghiệp vụ săn lùng ma túy đá. Rồi thì…Nghĩa “Trù”… vì anh chàng này hay ăn trầu, Lợi “Lý Cùn”, Luyến “Còi”. Kể cả tôi, không biết tự nguyên nhân nào, bọn họ gọi…Hạnh “Đèn”…rõ khổ!

– Cứ yên tâm. Năm ni cây sẽ cho mủ ổn định, vì ta đã cạo năm thứ ba rồi. Tôi chen vào trấn an… Bởi một chu kỳ cây cho mủ phải trải qua 8 năm chăm sóc, trong 8 năm tích tụ, thì hai năm cạo đầu cây cho mủ ít, bởi vì cây khỏe nên những tác động trên đường cạo chưa tạo nên tổn thương, hay nói chính xác là chưa tạo nên sinh lí cho cây. Năm cạo thứ ba là năm cây bắt đầu cho mủ ổn định, vì đó là mủ sinh lí. Để năm thứ ba trở đi, muốn mủ nhiều và ổn định, thì hai mùa cạo trước, bắt buộc người thợ cạo phải làm và tuân thủ thật ngặt nghèo về qui trình kỹ thuật cạo. Đặc biệt là nhát cạo đồng nhất, không phạm vào lớp da lụa trong cùng của thân gỗ. Hơn nữa, bình quân mỗi cây một lạng mủ, thì thoải mái mua xăng mà đi làm, chị em cố gắng lên.

Nghe tôi nói về đặc điểm của cây và lời động viên vừa hài vừa bi, các cô nàng chỉ cười trừ không nói. Chứ quả thật, cạo không phạm qui trình thì là ngoa. Giữa đêm, đất thấp đồi cao, chân nọ đá chân kia,    đi không nhiều lúc còn ngã trắng bụng, chuyện cạo không phạm là bịa, là láo tất!

Nghe an ủi, mọi người có vẻ nguôi ngoai. Họ thu xếp dụng cụ để ra về.

Mặt trời uể oải trườn qua đỉnh núi, hắt những tia đỏ au xuyên qua tầng lá dày. Tôi biết một ngày như lửa lại bắt đầu.

Với chức danh là cán bộ Công đoàn, là công nhân lâu năm, trấn an, động viên người lao động là điều cần thiết. Chứ giữa cuộc sống của thời đại 4.0 này, người công nhân vẫn còn nhiều vất vả khó khăn, nhưng họ vẫn vững lòng cần mẫn đeo bám vào cao su quả là một sự hy sinh không hề nhỏ.

Cây cao su vẫn xanh màu lá, con người vẫn tác động vào nó để kiếm tiền, nhưng mấy năm liền, vì giá mủ cao su chạm đáy, nên mọi chi phí đầu tư phân bón cho cây cắt giảm hẳn. Không cho chúng ăn, lấy đâu sức chúng cho mủ. Những cái rễ như cánh tay cần cù lam lũ, luồn sâu vào lòng đất mẹ để chắt lọc dinh dưỡng cũng chỉ đủ cho cây nhú lộc chồi. Ông cha ta thường nói “muốn ăn hoét phải đào trùn”, trùn không đào lấy đâu có hoét.

Để có những giọt mủ ít ỏi, bên sự chịu thương chịu khó của người công nhân, thì đó là sự vắt mình trong khắc khổ của từng hàng cây trong những ngày đầu chớm hạ.

Họ đã về, tôi cũng cưỡi lên chiếc Loncin Trung Quốc cà tàng, mua từ những năm 2000 ngược đồi dốc, ống khói xả màu trắng thành dây, tôi biết, trong lòng xe đã bắt đầu rệu rã, nó hở roăng, xupap có vấn đề nên bắt đầu ăn nhớt.

Xe chạy băng băng giữa đường lô, tôi tin vào một ngày tươi sáng. Những chồi lộc tuy non tơ, nhưng phía trong màu xanh ấy, chúng như còn thiếu một thứ gì… Và vẫn còn khao khát lắm, để dâng trọn vẹn cho đời dòng nhựa trắng tinh khôi.

NGUYỄN ĐÌNH HẠNH

(Đội Cao su Hương Thọ – Vũ Quang -Hà Tĩnh)