Công nhân cao su thời hội nhập

CSVN – Có dịp tham dự Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ ngành cao su do VRG tổ chức tại Nông trường Minh Hưng, tỉnh Bình Phước tôi mới hiểu rõ hơn về nghề cạo mủ cao su.
Ảnh: Hoàng Hưng Đạo
Ảnh: Hoàng Hưng Đạo

Và đó cũng là lần đầu tôi tận mắt nhìn thấy những lô cao su xanh ngắt, từng cây cao su đang trong thời kỳ sung sức chực chờ tuôn những dòng nhựa trắng. Để có dòng nhựa được ví von là “vàng trắng” thì phải qua bàn tay nâng niu,  chăm  sóc  của  những  người  công nhân đã và đang hằng ngày gắn bó với vườn cây.

Phải thừa nhận rằng, công việc khai thác mủ cao su quả là không dễ dàng chút nào! Gặp gỡ các anh chị công nhân đại diện cho hơn trăm ngàn công nhân toàn ngành cao su Việt Nam, kể cả công nhân ở những vườn cao su trên đất nước bạn Lào và Campuchia tôi mới cảm nhận được rằng, chỉ yêu nghề thì mới có thể gắn bó lâu dài với vườn cây…

Rồi cũng có thời điểm giá mủ cao su rớt xuống tận đáy, tiền lương công nhân thấp, cuộc sống cơm áo gạo tiền đeo đuổi… Dù vất vả là thế, gian nan là thế nhưng  tôi cũng thật bất ngờ khi nghe các anh chị kể rằng gia đình đã có đến 2 – 3 thậm chí 4 thế hệ gắn bó với nghề, gắn bó với vườn cây cao su. Bởi, cao su là hơi thở, là sự sống, cây còn thì nghề còn! Cứ thế, nghề truyền nghề, cha truyền con nối.

Không dừng lại ở nghề truyền nghề, các anh chị em công nhân khai thác mủ cao su ý thức rằng cần phải học hỏi thêm về lý thuyết lẫn kỹ năng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác vườn cây. Phải giỏi nghề! Và đó cũng là lý do để họ đến với Hội thi Bàn tay vàng – là cơ hội để học hỏi giao lưu, là cơ hội để thể hiện tài năng và họ muốn khẳng định trình độ tay nghề. Tôi trân quý họ – Những đôi tay chai sần nhưng lại rất uyển chuyển, điêu luyện và chuyên nghiệp.

Có thể tôi không hiểu rõ một cách cặn kẽ thế nào là mở miệng, đánh dấu đóng máng cột kiềng, mở mương tiền, cạo sâu, cạo phạm, lớp tượng tầng… nhưng tôi hiểu, họ đã nỗ lực hết mình để có những dòng nhựa trắng tuôn chảy từ khắp mọi miền đất nước. Để rồi kết quả cuối cùng là sản lượng cao, là chất lượng tăng, là lợi nhuận nhiều hơn, là đóng góp vào lợi ích kinh tế cho bản thân, cho đơn vị và cho xã hội. Và tôi ngưỡng mộ họ – Những công nhân khai thác mủ cao su thời hội nhập!

Nguyễn Thị Mỹ Trang

(TP. Hồ Chí Minh)