Tiếp tục chú trọng nâng cao công tác nông nghiệp

CSVN – Năm 2017, VRG tiếp tục chỉ đạo tập trung, chú trọng nâng cao công tác quản lý nông nghiệp. Trong đó quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai đã được giao hoặc thuê; triển khai chặt chẽ thủ tục các dự án đầu tư, chăm sóc tốt các vườn cây đã trồng mới ở trong và ngoài nước.
Ảnh: Vũ Phong
Ảnh: Vũ Phong
Công tác quản lý kỹ thuật năm 2016: Nhiều chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của VRG, năm 2016, với điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, đầu năm mở cạo trễ từ 20 – 30 ngày so với trung bình hàng năm. Mưa lớn tập trung các tháng cuối năm tại khu vực Đông Nam bộ gây ảnh hưởng tới vùng sản lượng chủ lực của VRG. Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt lao động khai thác do cạnh tranh lao động tại nhiều nơi, dẫn tới nhiều đơn vị chuyển gần như toàn bộ diện tích khai thác sang cạo D4. Tính chung toàn VRG, tỉ lệ cạo D4 chiếm đến 56% diện tích (so 32% diện tích trong 2015). Việc chuyển nhịp độ cạo trên vườn cây các nhóm 2, 3 từ D3 qua D4 cũng giảm sản lượng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, công tác khai thác của VRG vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhiều đơn vị tiếp tục duy trì thành tích đạt năng suất cao trên 2 tấn/ha.

Công tác quản lý khai thác đã được VRG quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Các CTCS chủ động linh hoạt trong việc triển khai mạnh chế độ cạo D4 cho vùng thiếu lao động. Đồng thời, thực hiện triệt để chủ trương cạo rải vụ nhằm giải quyết khó khăn do thiếu hụt lao động ở các khu vực Campuchia và Lào.

Vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB) nhóm I tại một số khu vực thuận lợi, do được quan tâm đầu tư chăm sóc nên đạt năng suất cao ngay năm đầu cạo mủ (1,3 – 1,5 tấn/ha) và một số vườn có khả năng đạt trên 1,8 – 2 tấn/ha từ năm cạo thứ 2 trở đi.

Các đơn vị có vườn cây mở mới đã tích cực trong công tác quản lý vườn cây khai thác đúng quy trình ngay từ đầu (Campuchia, miền núi phía Bắc), bảo đảm năng suất thiết kế. Việc tiếp tục củng cố vườn cây khai thác và công tác quản lý tại Lào (CTCS Việt Lào, Quasa Geruco) góp phần gia tăng năng suất sản lượng mủ của đơn vị.

Về tái canh, năm 2016, toàn VRG đã tái canh và trồng mới 14.530 ha cao su, đạt 105,7 % kế hoạch; trong đó tái canh 13.097 ha, trồng mới l1.433 ha.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, công tác TCTM chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khô hạn, dẫn tới thời vụ TCTM phải kéo dài sang tháng 8 ở một số đơn vị; làm tăng tỷ lệ cây chết của vườn cây trồng trong năm 2016, làm tăng tỷ lệ trồng dặm so với các năm trước nên một số đơn vị bị động trong việc chuẩn bị cây con phục vụ cho công tác trồng.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các đơn vị đã có sự chủ động trong chuẩn bị cây giống tốt (trồng cây con 2 – 3 tầng lá) bảo đảm chất lượng và chủng loại theo khuyến cáo của VRG, nguồn gốc cây giống được kiểm soát rõ ràng. Các CTCS đã chủ động hoàn thiện công tác trồng dặm với khối lượng lớn, nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ sống cao (Đông Nam bộ và Tây Nguyên có tỷ lệ sống 100%). Tỷ lệ cây sống bình quân sau trồng toàn VRG năm 2016 đạt tỷ lệ 97,8%.

Tiếp tục chú trọng nâng cao công tác nông nghiệp

Năm 2017, VRG tiếp tục chỉ đạo tập trung, chú trọng nâng cao công tác quản lý nông nghiệp. Trong đó quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai đã được giao hoặc thuê; triển khai chặt chẽ thủ tục các dự án đầu tư, chăm sóc tốt các vườn cây đã trồng mới ở trong và ngoài nước.
Triển khai rộng rãi việc trồng xen các loại cây trồng khác ở các vùng có điều kiện thích hợp để tăng năng suất đất đai, năng suất lao động. Từng bước triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm tự đầu tư và hợp tác với đơn vị có năng lực để thực hiện đầu tư.
Tập trung chỉ đạo, giám sát công tác quản lý đầu tư theo trọng tâm, trên quan điểm đầu tư phù hợp với tiềm năng năng suất của từng vùng sinh thái.

Cải tiến việc quản lý đất đai, phân bón, công tác bảo vệ thực vật, quản lý phòng trị bệnh hại (ưu tiên bệnh Corynespora, Botryo và phấn trắng trên vườn cây khai thác). Khai thác đúng kỹ thuật vườn cây kinh doanh hiện có. Tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để giới hạn tác động của bệnh hại và ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu. Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật theo từng chuyên đề cụ thể: giống, bảo vệ thực vật, quy trình khai thác, khảo sát và quản lý đất nông nghiệp. Cùng với đó, theo dõi và triển khai đại trà chế độ cạo D4, thí điểm chế độ cạo D5, để mủ đông tại lô để tăng năng suất lao động…

P.V