Cảnh báo bệnh Corynespora trên vườn cây

CSVNO – Bệnh Corynespora gây ra bởi nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei. Bệnh gây hại đặc biệt nghiêm trọng trên các dòng vô tính cao su mẫn cảm và được xem là loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây cao su tại khu vực Châu Á và Châu Phi.
Lá cao su bị nhiễm bệnh Corynespora.
Lá cao su bị nhiễm bệnh Corynespora.

Bệnh xuất hiện trên mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cao su. Trên vườn ương, vườn nhân, bệnh tấn công lá và chồi, làm chết cây con, giảm tỷ lệ mắt ghép hữu hiệu. Trên vườn kiến thiết cơ bản và kinh doanh, bệnh có thể gây rụng lá hàng loạt nhiều lần, làm giảm sinh trưởng, sản lượng, nếu bệnh nặng kéo dài có thể gây chết cây. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 và kể từ năm 2010 đến nay bệnh đã phát sinh trên diện rộng tại hầu hết các vùng trồng cao su, đặc biệt trên các dòng vô tính mẫn cảm như RRIV 3, RRIV 4…

Bệnh xuất hiện quanh năm và có thể bùng phát thành dịch khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiệt độ cao đi cùng ẩm độ cao, riêng tại vùng Đông Nam Bộ có 02 cao điểm bệnh là lúc chuyển mùa từ nắng sang mưa hoặc từ mưa sang nắng: cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 hàng năm.

Vườn cây bị rụng lá do nhiễm bệnh Corynespora
Vườn cây bị rụng lá do nhiễm bệnh Corynespora

Hiện nay đang trong thời gian chuyển mùa, một số khu vực đã có những cơn mưa đầu mùa tiếp theo sau là những ngày nắng nóng. Điều kiện thời tiết như vậy rất thuận lợi cho bệnh Corynespora bùng phát gây hại vườn cây cao su. Trước tình hình trên, VRG đã có công văn đề nghị các công ty thực hiện các công việc sau:

  • Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt là những ngày nắng nóng sau mưa, để phát hiện sớm và kịp thời phòng trị bệnh nhằm giảm bớt thiệt hại và hạn chế lây lan. Cần lưu ý các vườn cây trồng các DVT mẩn cảm với bệnh như RRIV 3, RRIV 4… và các vườn cây có tiền sử bệnh các năm trước.
  • Yêu cầu kỹ thuật phòng trị bệnh được áp dụng theo điều 36 “Quy trình Kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017” cụ thể như sau:
  • Sử dụng một trong các công thức thuốc sau: hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp carbendazim (Vicarben 50SC, Carbenzim 500FL, Carbenvil 50SC, Glory 50SC) nồng độ 0,1% + hexaconazole nồng độ 0,1% (phối trộn theo tỷ lệ 1:1) hoặc các loại thuốc phối trộn sẵn carbendazimhexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,2%; hoặc carbendazimmancozeb (CaMa 750WP) nồng độ 0,2%. Pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2%, phun ướt toàn bộ lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá. Nên luân phiên sử dụng các loại thuốc được khuyến cáo để tránh nấm hình thành tính kháng thuốc.
  • Đối với vườn kinh doanh: thực hiện phun thuốc trị khi phát hiện bệnh còn ở mức nhẹ (cấp 1 – 2) và có 3 – 5% lá non rụng do nhiễm bệnh. Tại vùng Đông Nam Bộ, đối với những vườn cây DVT RRIV 3, RRIV 4 có năng suất cao, có tiền sử bệnh trong nhiều năm, trong thời điểm cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 hoặc cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 hàng năm nếu phát hiện bệnh trên một vườn cây, có thể thực hiện phun phòng bệnh đối với những vườn cây RRIV 3, RRIV 4 liền kề. Sử dụng máy phun cao áp phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá và phun tới ngọn. Phun vào buổi sáng sớm và ngưng khi trời bắt đầu nắng gắt (10:00 – 10:30), phun 2 – 3 lần với chu kỳ 7 – 10 ngày/lần.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(VIỆN NGHIÊN CỨU CAO SU VIỆT NAM)