Khen thưởng phải hướng về công nhân

CSVN – Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, NLĐ trực tiếp SXKD, khen thưởng kịp thời, chính xác, minh bạch, thực chất.  Đó là một trong những nội dung đổi mới của công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) theo Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị vừa được phổ biến tại Hội nghị tập huấn công tác TĐKT do Bộ NN&PTNN tổ chức tại TP.HCM, ngày 11-12/11.
Thi đua khen thưởng cần chú trọng đến tập thể nhỏ, công nhân để tạo động lực cho người lao động trực tiếp. Trong ảnh: Giải nhất cá nhân Hội thi thợ giỏi 2014 Công ty CPCS Đồng Phú được thưởng đến 20 triệu đồng. Ảnh: Lâm Khanh
Thi đua khen thưởng cần chú trọng đến tập thể nhỏ, công nhân để tạo động lực cho người lao động trực tiếp. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Hải – TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú trao thưởng cho công nhân tại Hội thi Thợ giỏi 2014, trong đó giải nhất cá nhân  được thưởng đến 20 triệu đồng. Ảnh: Lâm Khanh
Thiết thực, tránh hình thức

Trong đó công tác TĐKT cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền với công tác TĐKT; Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức trong trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua (PTTĐ); PTTĐ yêu nước phải hướng về cơ sở, có chủ đề, nội dung thiết thực, tránh hình thức; Bên cạnh đó đổi mới tổ chức, bộ máy TĐKT; Đổi mới công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến…

Ông Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ TĐKT các Bộ, ban, ngành, đoàn thể TW cho biết, phong trào TĐKT tạo động lực, động viên, lôi cuốn, khuyến khích cá nhân, tập thể, năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ; Các cơ quan, đơn vị tổ chức phong trào thi đua đồng bộ các khâu nhằm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Theo ông Phan Viết Phùng, phụ trách Ban Thi đua Tuyên truyền Văn thể VRG, thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, động lực để NLĐ hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc thay đổi một số nội dung trong công tác TĐKT sẽ dẫn tới một số vướng mắc trong việc bình xét các danh hiệu thi đua; đối với một số cơ quan, đơn vị cần có cán bộ chuyên trách công tác TĐKT; Cán bộ TĐ, KT phải có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật về TĐKT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Phong trào thi đua thực hiện tái cơ cấu ngành

Trong những năm qua, Hội đồng TĐKT của Bộ, Bộ trưởng, cũng như các cơ quan, đơn vị trong ngành đã phát động nhiều PTTđ theo từng lĩnh vực hoặc trong toàn ngành như: “Ba giảm, ba tăng”, “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn ngành NN&PTNN chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”… Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT còn phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới hội toàn quốc lần thứ XII và Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Canh nông.

Hàng năm, ngoài việc tổ chức các PTTĐ thường xuyên, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức các PTTĐ theo chuyên đề phù hợp điều kiện thực tiễn. PTTĐ đã có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích, động viên công chức, viên chức, NLĐ hăng hái lao động sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần thắng lợi nhiệm vụ SXKD của cá nhân, cơ quan, đơn vị.

Tại buổi khai mạc lớp tập huấn, Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân cho rằng, trong những năm qua hoạt động thi đua của các đơn vị thành viên VRG đã đi vào nề nếp. Qua PTTĐ các năm, cho thấy người công nhân cao su trên các vùng miền vẫn gắn bó, đeo bám với vườn cây, nhà máy, nông trường, công ty, tiếp tục xây dựng và phát triển ngành cao su nói riêng và ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung; góp phần rất lớn vào thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, của toàn Tập đoàn…

Nguyễn Hồng