CSVN – Vừa qua, tại TP.HCM, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su tại khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào –VN (TGPT CLV) với sự tham dự của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia; Bộ Nông Lâm nghiệp Lào; Bộ NN&PTNT VN.
>> Cao su Việt Nam đầu tư mạnh vào Lào và Campuchia
Kế hoạch trồng mới trên 300.000 ha cao su
Dự thảo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su tại khu vực TGPT CLV, do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp xây dựng, nêu rõ 13 tỉnh khu vực TGPT thuộc 3 nước Campuchia – Lào –VN có điều kiện đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển cây cao su. Qua khảo sát, quỹ đất có khả năng mở rộng diện tích trồng mới cây cao su là 816.000 ha. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả, đồng thời duy trì và phát triển diện tích cao su đã trồng, từ nay đến năm 2020, khu vực này dự kiến bố trí khoảng 1,028 triệu ha cao su, bao gồm trên 707.000 ha cao su đã trồng và 320.000 ha diện tích trồng mới. Diện tích trồng mới chiếm khoảng 39% tổng quỹ đất có khả năng mở rộng phát triển cao su.
Cụ thể, 4 tỉnh miền Đông Campuchia gồm Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratie, quỹ đất có khả năng mở rộng diện tích cao su là 403.000 ha. Dự kiến, từ nay đến năm 2020 bố trí khoảng 310.000 ha, bao gồm 158.000 ha đã trồng và 151.000 ha trồng mới. 4 tỉnh Nam Lào bao gồm Attapu, Salavan, Sekong và Champasak, quỹ đất có khả năng trồng mới cao su là 277.000 ha.
Từ nay đến năm 2020, dự kiến bố trí khoảng 165.000 ha (bao gồm 69.000 ha đã trồng và 95.000 ha trồng mới. Vùng 5 tỉnh Tây Nguyên Việt Nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, quỹ đất có khả năng mở rộng trồng cao su là 135.000 ha. Dự kiến đến năm 2020 bố trí khoảng 553.000 ha (gồm 479.000 ha đã trồng và 73.000 ha trồng mới).
[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=” Thủ tướng ba nước nhất trí ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cao su”]Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – VN (TGPT CVL) là một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của TGPT này bao gồm 13 tỉnh có đường biên giới hoặc có liên quan đến khu vực biên giới chung giữa ba nước, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratie (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong và Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước (Việt Nam).
Sáng kiến thành lập TGPT do Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia – Lào – VN lần thứ nhất tại Viêng Chăn (năm 1999). Tại Hội nghị cấp cao khu vực TGPT lần thứ bảy tổ chức tại Thủ đô Vientiane (Lào) (tháng 3/2013), ba Thủ tướng nhất trí coi việc phát triển ngành công nghiệp cao su là một ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế giữa ba nước.
Tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ VN có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành; các đối tác phía Campuchia và Lào, tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch về phát triển ngành công nghiệp cao su tại khu vực TGPT CLV để trình thủ tướng ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 8 năm 2014, tại Lào, sắp diễn ra.
[/stextbox]Dự báo từ nay đến năm 2020, tổng diện tích vườn cao su của 13 tỉnh trong khu vực TGPT CVL là hơn 1 triệu ha, trong đó diện tích dự kiến đưa vào khai thác 682.000 ha (tỷ lệ 66% diện tích), sản lượng khai thác ước đạt 1,1 triệu tấn, năng suất bình quân chung 1,6 tấn/ha. Trong đó, Campuchia có diện tích 184.000 ha, sản lượng khoảng 258.000 tấn; Lào 88.000 ha, sản lượng 133.000 tấn và VN 408.000 ha, sản lượng 715.000 tấn.
Căn cứ công suất thiết kế của các nhà máy, cơ sở chế biến hiện có và khả năng mở rộng diện tích trồng mới, cũng như duy trì và phát triển ổn định diện tích cao su hiện có của các tỉnh trong khu vực TGPT CLV để đưa vào kinh doanh khai thác ổn định 682.000 ha. Dự kiến từ nay đến năm 2020 duy trì, nâng cấp và xây dựng mới tổng số 174 nhà máy chế biến mủ, với tổng công suất hơn 1,1 triệu tấn/năm. Trong đó, giữ nguyên 30 nhà máy với tổng công suất 174.000 tấn/năm; nâng cấp 50 nhà máy, tổng công suất 349.000 tấn/năm và xây dựng mới 94 nhà máy với tổng công suất 610.000 tấn/năm.
Phải đảm bảo ngành cao su phát triển ổn định và đạt hiệu quả cao
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá việc mở rộng hợp tác phát triển cao su trong khu vực TGPT CLV sẽ tạo cơ hội mở rộng diện tích và khai thác đối với các doanh nghiệp trong khu vực. Đồng thời, phát huy lợi thế của nhau, giúp ngành cao su phát triển ổn định, lâu dài và đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Kế hoạch phát triển có thuận lợi khi được Chính phủ 3 nước xác định ngành cao su tự nhiên là một trong những ngành tập trung phát triển mạnh và nhận nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Ngành công nghiệp – sản xuất – tiêu dùng thế giới ngày càng phát triển và nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào là cao su càng ngày càng cao…
Để kế hoạch phát triển có tính khả thi cao, nhiều đại biểu cho rằng quy hoạch phát triển cao su phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế về đất đai, tự nhiên trong khu vực để phát triển bền vững…
Góp ý bản dự thảo, nhiều đại biểu nêu băn khoăn về tính khả thi của dự án, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nhiều nội dung. Đại diện Bộ Nông Lâm nghiệp Lào cho biết, khó khăn lớn là đa số người dân địa phương còn xa lạ cây cao su. Người dân chưa biết cách chăm sóc, khai thác và sơ chế cao su.
Còn đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư VN), đề xuất đưa vào dự thảo kiến nghị, Chính phủ Lào xem xét lại Chỉ thị số 13 về việc dừng xem xét và cấp phép dự án đầu tư mới vào lĩnh vực tìm kiếm và khảo sát khoáng sản, dự án trồng cao su; Chính phủ Campuchia Sắc lệnh số 1 về việc tạm dừng việc giao đất trồng cao su. Cục này còn nêu những khó khăn về việc khống chế tỷ lệ 10% lao động nước ngoài/dự án; thời hạn visa quá ngắn; hệ thống hoạch toán kế toán của ba nước quá khác nhau…
Trong khi đó, Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT Việt Nam), đề xuất đề án nên xây dựng theo nhiều phương án để chọn lựa. Đồng thời, bổ sung đánh giá rủi ro, cũng như giải pháp khi giá cao su xuống thấp. Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động, tay nghề, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Anh Quân
Related posts:
- Cao su Chư Prông giành giải nhất toàn đoàn Hội thao khu vực II
- Hàng loạt doanh nghiệp sai cam kết trong việc trồng cao su và bảo vệ rừng tại Đăk Lăk
- Đổi mới sáng tạo trong quản trị, nâng cao hiệu quả SXKD
- Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương: Tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xu...
- Linh hoạt giải pháp để khắc phục khó khăn
- Không nên mở rộng diện tích, cần tập trung củng cố vườn cây
- 23 công nhân cao su nhận danh hiệu “Bàn tay vàng”
- Lãnh đạo VRG thăm, chúc Tết tỉnh Yên Bái
- VRG nghe báo cáo nhanh về kết quả hội nghị Trung ương 10
- Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh rà soát, sắp xếp lao động