CSVNO – Dịch bệnh còn kéo dài, ngành cao su vẫn phải chạy đua nước rút để hoàn thành kế hoạch trong các tháng cuối năm. Việc tạo vòng tuyến an toàn để ổn định tâm lý người cạo mủ cao su, giúp họ an tâm sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng.
Ổn định tâm lý người cạo mủ cao su
Đầu tháng 9, một số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến công nhân cao su tại xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, Bình Phước) khiến nhiều người cạo mủ khác trên địa bàn tỉnh hoang mang.
Công ty cao su TST ở xã Đăng Hà có 13 công nhân đang làm việc cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng này.
Ông Vi Văn Nghiệp – quản lý tại Công ty cao su TST – cho biết: Tất cả công nhân của mình đều là lao động từ tỉnh Nghệ An vào. Phần đông trong số này lại là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Nghiệp, công nhân ngoại tỉnh là lực lượng chủ yếu để duy trì sản xuất tại các nông trường cao su. Họ thường làm việc theo thời vụ, hết vụ lại quay về.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, không ít người đã bỏ về quê hoặc có ý định về quê. Vì thế, việc giữ chân người cạo mủ là vô cùng quan trọng để duy trì chuỗi sản xuất.
Ông Nghiệp phải thường xuyên vận động để anh em công nhân hiểu về quy định phòng chống dịch.
“Nếu tự ý bỏ về thì lực lượng chức năng cũng bắt quay trở lại. Nếu nhiễm bệnh sẽ bị đưa đi cách ly phải tốn tiền. Trong khi ở yên tại chỗ, mọi người có công việc ổn định, lại được phòng ngừa dịch bệnh” – ông Nghiệp kể.
Không chỉ các công ty tư nhân, việc ổn định tâm lý để giữ chân lao động cạo mủ cũng là nhiệm vụ hàng đầu ở các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).
Nông trường Đăk Ơ là 1 trong 2 nông trường cao su, thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng Cao su Phú Thịnh, nằm ở huyện Bù Gia Mập.
Nông trường cao su Đăk Ơ hiện có 338 lao động. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 75% tổng số lao động. Đường sá đi lại nông trường Đăk Ơ còn vất vả. Đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Tác động của dịch Covid-19 càng khiến việc sản xuất của nông trường chịu nhiều ảnh hưởng.
Từ cấp công ty, Ban chấp hành Công đoàn cao su Phú Thịnh cố gắng đặt mua gần 300 triệu đồng tiền gạo và vật tư y tế để cấp phát cho người lao động.
Tại xã Đăk Ơ, Ban giám đốc nông trường cũng triển khai nhanh nhiều biện pháp để ổn định tâm lý, giúp người lao động yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Quốc – Giám đốc nông trường kể, đơn vị đã gấp rút bố trí cho công nhân ăn, ở và làm việc theo mô hình 3 tại chỗ.
Nhà tiền chế được dựng lên cho công nhân ở. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp hàng ngày phục vụ đời sống các gia đình công nhân.
9 tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng cũng được kích hoạt, thường xuyên vận động công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập đông người, khai báo y tế); thông điệp phòng chống dịch nơi này còn thêm 4K nữa là: Kiểm soát biên giới, khu cách ly an toàn, không ra khỏi nhà khi không cần thiết và không đăng tải thông tin sai sự thật.
Doanh nghiệp cao su đua nước rút
Anh Phan Mạnh Dũng – công nhân tổ 8 (Nông trường cao su Đăk Ơ) cho biết, nhờ đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, anh chị em công nhân yên tâm ở lại nông trường làm việc.
“Đến nay, toàn thể cán bộ, người lao động trong đơn vị chưa xảy ra trường hợp nào lây nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19” – anh Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Quốc đánh giá, nhờ triển khai kiểm soát phòng dịch thành một vòng khép kín, ý thức bảo vệ sức khỏe của mỗi người tại nông trường là động lực cùng công ty hoàn thành mục tiêu kép năm 2021.
“Sản lượng khai thác mủ của nông trường Đăk Ơ hiện đạt trên 70% kế hoạch sản xuất năm đã đề ra, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái” – ông Quốc cho biết.
Tại TX.Bình Long, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long cũng xây dựng kịch bản làm việc “3 tại chỗ” đối với công nhân khai thác mủ.
Ông Lê Văn Thủy – Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Bình Long – cho biết: Đơn vị đang nỗ lực đua nước rút 3 tháng cuối năm.
Công ty vận động mọi người quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch VRG giao; khai thác trên 16.800 tấn mủ. Đồng thời đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động trên 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Còn như Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng (đơn vị góp 77% vốn cổ phần tại Công ty CP Đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh) cũng phải vừa gồng mình chống dịch, vừa duy trì ổn định hiệu quả sản xuất.
8 tháng đầu năm, cao su Phú Riềng đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra với sản lượng khai thác 13.300 tấn (đạt 60% kế hoạch). Công ty chế biến hơn 21.100 tấn sản phẩm các loại, đạt 72% kế hoạch.
Giá bán bình quân của cao su Phú Riềng đạt gần 42 triệu đồng/tấn; cao hơn 10,2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân của lao động đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng; cao hơn cùng kỳ 1,33 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Bảo – Tổng Giám đốc Tập đoàn VRG – cho biết, 66 đơn vị trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng doanh thu tập đoàn.
Ngành cao su đang bước vào giai đoạn nước rút do đặc thù sản lượng khai thác tập trung vào những tháng cuối năm.
VRG vừa mới phát động phong trào thi đua “Bảo vệ và mở rộng vùng xanh” từ trụ sở làm việc đến các dự án, vườn cây cao su. Các đơn vị thành viên phải kéo giảm nguy cơ từ rất cao đến mức bình thường mới, từ nay cho đến 31/12/2021.
theo danviet.vn
Related posts:
- Hơn 50 năm Cao su Lộc Ninh phát triển kinh tế vùng biên giới
- Nơi đất khó “vượt mốc” kế hoạch
- Cao su Dầu Tiếng: Gần 50 năm phát triển ổn định, bền vững
- Những dấu ấn ở đơn vị anh hùng
- Quyết tâm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành
- Cao su Lộc Ninh sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 51 năm thành lập
- Nông trường Xa Cam (Cao su Bình Long) 18 năm liền vườn cây đạt năng suất trên 2 tấn/ha
- Cao su Lai Châu quyết tâm khai thác hơn 7.140 tấn mủ trong năm 2024
- Trực đêm trên lô những ngày cuối năm
- Cao su Đồng Nai và những hành trình kết nối, thu tuyển lao động