CSVN – Không nhà cửa, không có công việc ổn định, ngày ngày hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng và chị Nguyễn Thị Hậu lênh đênh trên con nước sông Sài Gòn vớt ve chai kiếm sống và nuôi con gái bị teo não. Con gái 19 tuổi là 19 năm anh chị phải lao động miệt mài nuôi con, lo cho con thuốc thang, bệnh tật. Điều ray rứt nhất với họ là không thể lo nổi cho con một ngôi nhà đàng hoàng. Cuộc sống bấp bênh, trôi nổi trên chiếc ghe cũ kỹ, chật chội.
2 lần trốn chạy những lời dè bỉu
Giữa trưa nắng gắt của những ngày cuối tháng 5, anh Bằng cố giữ tay chèo, tay vớt, ráng kiếm thêm vài cái vỏ chai trước khi trở về chiếc ghe lớn đang đậu trơ trọi dưới chân cầu Bình Triệu. 19 năm qua, Nguyễn Thị Kiều Loan (con gái anh Bằng) vẫn ngây ngô như một đứa trẻ lên ba. Chứng bệnh teo não bẩm sinh đã khiến cơ thể Loan teo tóp, nặng vỏn vẹn 17kg, chỉ biết cười đùa, ú ớ theo cha đi lượm ve chai trên sông. Theo lời kể của anh Bằng, anh và vợ quê ở An Giang, cả hai cùng làm nghề bán trái cây, rau củ. 20 năm trước, anh chị cưới nhau, chị Hậu mang bầu bé Loan, vợ chồng anh rất vui mừng. Nhưng niềm vui vụt tắt khi bác sỹ thông báo cái thai phát triển không bình thường, bé bị teo não bẩm sinh. Kể đến đây, khuôn mặt anh đượm buồn: “Vì quá thương con nên vợ chồng tôi quyết định giữ con lại để con chào đời và có cuộc sống như bao đứa trẻ khác. Nào ngờ khi con chào đời, hàng xóm láng giềng lời qua tiếng lại, dè bỉu, hai vợ chồng buồn quá nên mang con lên Sài Gòn kiếm sống”.
Những ngày đầu lên Sài Gòn, vợ chồng anh Bằng làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, bốc vác, bưng bê… rồi ai kêu gì cũng làm để có tiền lo cho con gái. Được một thời gian, vợ chồng anh chuyển qua bán vé số vì đi bán sẽ mang con theo, dễ bề chăm sóc.
Bé Loan bị teo não, thể trạng rất yếu, thường xuyên bệnh vặt, tiền thuốc thang mỗi tháng ngốn hết hơn triệu bạc. Chưa kể tiền ăn uống, lắm lúc thiếu tiền nhà trọ, lại chịu thêm nhiều lời dè bỉu từ mọi người xung quanh, vậy là anh Bằng dắt díu cả nhà rời xóm trọ, chuyển xuống sông sinh sống. Giọng trầm lại, anh Bằng kể: “Bé Loan bị bệnh nên chân rất yếu, hằng ngày tôi phải cõng con đi bán vé số. Nhiều người hỏi nửa đùa nửa thật, họ hỏi sao tôi ác vậy, con bệnh mà cứ mang đi phơi nắng cả ngày? Không chịu nổi ánh mắt soi mói và những lời trách móc, một lần nữa gia đình tôi lại phải trốn chạy”.
Dành tất cả yêu thương cho con
Với số tiền chắt chiu, dành dụm, anh Bằng mua một chiếc ghe để gia đình tá túc. Hằng ngày, hai cha con anh rong ruổi khắp sông Sài Gòn vớt ve chai, vỏ lon, phế liệu.
Ấy thế mà gia đình anh sống trên ghe đã 5 năm. Anh Bằng vui vẻ chia sẻ về cuộc sống dưới chân cầu của mình: “Sống trên ghe coi vậy mà vui, mỗi ngày 2 cha con tôi chèo ghe đi vớt phế liệu, rồi gia đình quây quần bên nhau, cuối tháng cũng không phải lo tiền nhà trọ. Với tôi, hạnh phúc nhất là được thấy con gái bình an mỗi ngày”. Nói rồi anh Bằng đưa tay xoa đầu con gái, con bé cũng biết ba đang quan tâm đến nó, nó nhoẻn miệng cười, ú ớ tỏ vẻ hài lòng rồi dúi đầu vào ngực mẹ. Chị Hậu ôm con vào lòng, rưng rưng: “Bé Loan ngoan lắm, biết nghe lời ba mẹ, ăn cơm cũng giỏi, chỉ có điều đi vệ sinh không tự chủ được và đi lại khó khăn do chân bị teo và yếu. Con bé nói ú ớ vậy thôi chứ ba nó hiểu hết đó”.
Mặc dù Loan sinh ra không giống như những đứa trẻ khác nhưng đến nay anh chị chưa bao giờ nghĩ đến việc sinh thêm. Một phần vì sợ không đủ điều kiện lo cho con, một phần vì anh chị muốn dành hết tình cảm cho đứa con gái kém may mắn của mình.
“Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cho con, sinh ra là đã chịu thiệt thòi, đầu óc, chân tay và thể trạng không bình thường. Vậy nên mình càng phải thương con nhiều hơn để bù đắp lại những thiệt thòi mà số phận đã mang đến cho con”, anh Bằng nghẹn giọng.
Lặn sông vớt xác cứu người
Trên chiếc ghe rộng mấy mét vuông, ngoài chiếc quạt máy cũ, vài ba cái nồi, chén, dĩa và đống vỏ lon phế liệu, gia đình anh chẳng có vật dụng gì đáng giá. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của 3 người đều gói gọn trong chiếc ghe cũ kỹ, chật chội.
Ngoài công việc vớt ve chai, anh Bằng còn được biết đến với tài lặn sông vớt xác, cứu người. Anh Bằng xem việc làm này là bình thường, và không đòi hỏi sự báo đáp. Anh kể: “Cầu Bình Triệu, Bình Lợi hằng năm có rất nhiều vụ nhảy cầu tự tử. Đôi khi đang chèo ghe đi vớt ve chai, đụng ngay xác trôi nổi, tôi liền kéo vào bờ và gọi công an. Nhiều trường hợp mới nhảy cầu, người dân hô hoán, hễ nghe tiếng là tôi lao xuống ghe, bơi ngay ra để kịp thời cứu vớt. Riết rồi thành quen, chẳng cần biết đang làm gì, cứ nghe có tiếng động lạ là tôi bật dậy ngay, để lỡ có người nghĩ quẩn hay tai nạn là mình ứng cứu kịp thời”.
Nhiều người sau khi được anh Bằng cứu sống đã quay lại báo đáp, gởi tiền, quà, gạo và nhu yếu phẩm cho gia đình anh.
5 năm trôi nổi trên dòng sông Sài Gòn, gia tài lớn nhất của anh Bằng là đứa con gái bé nhỏ. 19 tuổi, với một người bình thường có lẽ đang học đại học hay đi làm. Nhưng với con gái anh, Loan mãi là một cô bé lên ba với một tuổi thơ gắn liền với bệnh tật, nghèo khổ, nay đây mai đó, và hiện tại với cuộc sống lênh đênh, bấp bênh, vô định.
Khi được hỏi về mong ước của mình, anh Bằng hướng ánh mắt về phía vợ con, cười gượng: “Tôi cũng chẳng dám mơ gì, chỉ mong có tiền sửa lại chiếc ghe để gia đình tá túc và đủ tiền lo cơm nước, thuốc thang cho con bé, nó đã chịu thiệt thòi nhiều lắm rồi, không thể nào để con bị thiếu ăn được”.
Chúng tôi chia tay gia đình anh Bằng với bao trăn trở. Đêm dần buông trên sông Sài Gòn, chỉ còn lại ánh đèn le lói hắt ra từ chiếc ghe nhỏ dưới chân cầu Bình Triệu với bóng ba con người ngồi lại bên nhau, đùa giỡn với những tiếng cười giòn tan. Có lẽ, dẫu cuộc sống tạm bợ, trôi nổi, và tương lai vô định, nhưng họ biết chấp nhận và mãn nguyện với những gì mình đang có.
ĐÀO PHONG – VŨ PHONG
Related posts:
- Yêu chồng, thương cả con riêng của chồng
- Sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà
- Bị gái xinh sành nghề...“đào mỏ”
- Chia sẻ mong được phục vụ bạn đọc mãi mãi!
- Mối quan hệ ấy không thể tồn tại
- Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
- Lao động trẻ em và nỗi lo người lớn
- Con cái không muốn lập gia đình
- Nga xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam
- Cần cảnh giác các chiêu lừa mới