CSVN – Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) là một loại dược liệu quý. Theo anh Nguyễn Đức Thương – Trại trưởng Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ Gia Lai): “Các hộ gia đình chỉ cần nuôi trồng theo quy trình chuẩn sẽ thu được hiệu quả kinh tế rất cao”.
Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã làm chủ quy trình sản xuất giống và nuôi trồng ĐTHT từ năm 2018. Đến nay, ngoài việc tạo ra các sản phẩm liên quan đến ĐTHT, đơn vị còn nhận chuyển giao công nghệ cho các hộ dân và doanh nghiệp có nhu cầu, mang đến triển vọng mới trong việc phát triển kinh tế từ loại dược liệu quý này.
Theo đó, trung tâm đã sản xuất được giống cấp I và giống ĐTHT trong điều kiện phòng thí nghiệm bằng kỹ thuật phân lập Cordyceps militaris trên môi trường PDA ((Potato Dextrose Agar – nuôi cấy vi sinh vật phổ biến được tạo ra từ bột khoai tây và đường dextrose) từ các giống trong nước. Việc tuyển chọn này nhằm tạo ra giống nguyên chủng, có chất lượng, đồng nhất. Khi được chọn, giống sẽ được kiểm tra, đánh giá chất lượng bằng kỹ thuật vi sinh kết hợp nuôi cấy mô trước khi làm nguồn giống gốc phục vụ nhân giống. Giống gốc được nhân sinh khối trên môi trường nuôi cấy để tạo giống cấp I và giống sản xuất, dùng để cấy vào các bình phôi.
Sau khi thu hoạch, ĐTHT được sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa để đảm bảo màu sắc và chất lượng sản phẩm. ĐTHT sấy khô tạo ra các sản phẩm liên quan như rượu ngâm ĐTHT, mật ong ĐTHT đóng gói, có thể làm quà biếu cho người thân, người lớn tuổi hay quà Tết rất có ý nghĩa.
Anh Trương Ly – phường Thống Nhất, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết: “Tôi đã đến thăm mô hình nuôi trồng ĐTHT của trung tâm, có thể nói kỹ thuật chăm sóc không khó và mức đầu tư quy mô hộ gia đình cũng không phải lớn. Theo tính toán, chỉ cần 1 phòng 9m² gắn máy lạnh và máy tạo ẩm trong phòng thì có thể nuôi trồng được chừng 100 hũ, vốn đầu tư chừng 20 triệu đồng. Tuy vậy, việc tiêu thụ còn rất nhiều khó khăn do giá thành trong quá trình chăm sóc quá cao, lên đến 30 – 40 triệu đồng/kg khi sấy khô là rào cản cho các hộ gia đình nuôi trồng đại trà”.
“Theo kế hoạch, năm 2022, chúng tôi được giao làm chủ đầu tư dự án “Khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ” với kinh phí 40 tỷ đồng. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi triển khai thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học với các công nghệ tiên tiến, cung cấp cho thị trường các loại giống cây trồng chất lượng, dịch chiết để sản xuất các loại nước uống, trà… từ ĐTHT, lúc đó các hộ gia đình có thể tiến hành đầu tư đại trà, vì khi đó trung tâm sẽ nhận bao tiêu cho bà con”, anh Thương chia sẻ.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Làm giàu từ chăn nuôi gà
- Vợ coi chồng như "kẻ ăn bám"
- Virus lây trong không khí, ca bệnh ở Việt Nam cách xa 10m vẫn mắc Covid-19
- Bám trụ với cao su vì niềm đam mê ... phong lan
- Cao su Mang Yang: Trên 600 hội viên Chữ thập đỏ hiến máu
- Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 là xu hướng bắt buộc khi mở cửa
- Du lịch sinh thái - cộng đồng những trải nghiệm thú vị
- Đừng tự ti và che giấu sự thật
- Phải dứt khoát gác lại mối tình xưa
- Khảo sát đặt cột cờ biên giới ở Tây Ninh