Mất một tiếng rưỡi đồng hồ để di chuyển từ Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam đến thôn An Chỉ Tây của xã Hạnh Phước thuộc huyện Nghĩa Hành – tỉnh Quảng Ngãi. Hiện ra trước mắt chúng tôi là con đường làng quanh co, lũy tre xanh tốt mọc ven sông Vệ, những lò gạch cũ lác đác hoạt động, nhiều căn nhà dọc hai bên đường vẫn còn chút dấu ấn của thời gian như khoe mình với thiên hạ rằng đây là những viên gạch, mái ngói nổi tiếng một thời bên sông Vệ.
Qua câu chuyện của ông Phan Xê – Nguyên Tổng biên tập Báo Cao su VN, chúng tôi mới hay thôn của ông vốn là nơi khá nhất xã và xã này lại là nơi giàu nhất huyện mà huyện Nghĩa Hành lúc bấy giờ lại giàu nhất tỉnh Quảng Ngãi. Trong ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn rộng bao la, với nhiều loại cây ăn quả của ba miền Bắc – Trung – Nam, hướng thẳng mặt ra dòng sông Vệ oai hùng, từ lâu vẫn do cặp vợ chồng già Phan Sỹ Khuê gìn giữ, người mà ông Phan Xê vẫn thường gọi bằng 2 từ thân thương “Anh hai”, năm nay đã tròn 80 tuổi.
Căn nhà nhìn bề ngoài có vẻ nhỏ gọn, nhưng bên trong được ngăn chia theo từng phòng, từng gian hết sức tinh tế theo phong cách, kiến trúc của người miền Trung với trung tâm là phòng thờ tổ tiên, ông bà. Các phần của khu nhà được xây dựng qua nhiều năm, với những mảnh ghép nền nhà khác nhau từ gạch Bát Tràng cho đến các loại gạch men khác. Tất cả những điều đó cộng với cây xanh trong vườn và hướng căn nhà đã tạo nên một không gian làng quê ý nghĩa cho tuổi già mà không phải ai khi 80 tuổi cũng được hưởng thụ. Tuy tuổi đã cao, nhưng sức khỏe vợ chồng ông Khuê vẫn dẻo dai, sáng ra đồng làm ruộng, chiều về nhà làm vườn.
Một trong những điều làm chúng tôi hết sức bất ngờ, đó là trong câu chuyện hỏi thăm nhau, ông Phan Sỹ Khuê lại quan tâm nhiều đến tình hình cao su. Ông thắc mắc với người em rằng: “Gần đây tivi và báo đài nói nhiều đến giá cao su xuống thấp, nhưng tôi quan tâm nhất là các anh làm sao để bà con nông dân lại phá hết cao su đi? Các anh buôn bán sao, cái gì cũng Trung Quốc?”. Rồi ông nói về nỗi khổ của nông dân trồng lúa, trồng hoa màu và cây ngắn ngày khác… Câu chuyện cứ thế, cứ thế hút chúng tôi theo dòng thời sự của cây cao su tiểu điền, của người nông dân mà không hay chiều đã dần tan.
Lúc chia tay, những người thân nơi gia đình ông quyến luyến trong cái bắt tay, rồi cái vẫy tay và cả ánh mắt nhìn như gửi gắm một chút gì của người miền Trung đến khách phương xa.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Được gặp Bác - Kỷ niệm đáng nhớ
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Nhật ký hành trình của vị chính khách được ghi lại bằng thơ
- 41 cặp đôi khuyết tật hạnh phúc trong lễ cưới tập thể
- Làng kháng chiến Stơr rộn tiếng cồng chiêng ngày hội
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian
- Vượt khó
- Ấn tượng khó phai
- Đi du lịch hay "hành xác"?