CSVN – Những ngày nghỉ lễ, các điểm vui chơi giải trí luôn đông nghịt người. Sau lễ, các bãi biển vương vãi vô vàn rác. Nhiều người thừa nhận, nghỉ lễ mà đi du lịch thì chẳng khác gì đi “hành xác”.
Từ chuyện “ăn chơi” hùa theo…
Những ngày sau lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, biển Vũng Tàu, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) gần như “vỡ trận”. Hàng trăm nghìn người đổ về các bãi biển nói trên. Xong lễ, bỏ lại bãi tắm với ngổn ngang rác: túi ni lông, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn sẵn…
Dường như, với không ít người, số lượng ngày nghỉ tỉ lệ thuận với đà ăn chơi nhảy múa. Mà cũng đúng, dịp lễ được nghỉ dài ngày là niềm vui vô bờ bến của người lao động. Ai cũng lao ra đường tìm chốn ăn chơi, đi đây đó, người ru rú trong nhà không khéo hàng xóm lại bàn ra tán vào. Chẳng lẽ, cả năm có mấy ngày nghỉ mà lại chui trong phòng bật điều hòa đọc ngôn tình?
Dường như cái “bệnh phong trào đám đông” đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt. Phải chi cái sự ăn chơi ấy được điều tiết lại thì bớt được cơ man nào là tai nạn, chết người, tàn phế, xả rác, dẫm đạp lên nhau để thưởng ngoạn cái đẹp!
Có người bảo người Việt ăn chơi nhiều quá. Nhưng không hẳn như vậy. So về độ “chơi”, người Việt sao sánh bằng dân Châu Âu, Châu Mỹ… Họ đi du lịch quanh năm suốt tháng, chơi xuyên quốc gia, xuyên lục địa bất kể ngày lễ hay ngày thường miễn sắp xếp được thời gian. Họ chơi mà không cần ai cũng hùa theo chơi cùng, chơi theo.
Ở ta thì khác, cái sự chơi cũng phải “đoàn kết” mới được. Thấy người khác chơi ta thấp thỏm đứng ngồi không yên, kiếm cái cớ để đổ ra đường tụ họp nhậu nhẹt cho bằng anh bằng em. Cái khác biệt ở đây nằm ở ý thức ăn chơi. Người ta chơi như một thú vui tự thân, được thúc đẩy bởi ham muốn cá nhân bất kể ngày nào, còn ta chơi như một phong trào, được hô hào, rủ rê, lôi kéo.
… đến chuyện bị… “chặt chém”
Năm nào cũng vậy, sau dịp lễ, truyền thông, báo chí nhắc nhiều đến nạn “chặt chém”. Thậm chí, trên những trang facebook cá nhân, mạng xã hội những “thượng đế” thi nhau đưa các hình ảnh, bằng chứng để “tố” về nạn “chặt chém” ở điểm du lịch mà họ vừa trải qua.
Dịp lễ, tận dụng du khách đổ về, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp cả chục lần ngày thường. Điều này đã đẩy giá cả hàng loạt dịch vụ tăng một cách chóng mặt. Giá các khách sạn, nhà nghỉ tăng 100 – 200% song vẫn “cháy” phòng, nhiều du khách phải ngủ ngoài vỉa hè, lề đường, phải xếp hàng dài để đi vệ sinh.
[cow_johnson general_float=”center”]“Nghỉ mát tại gia”
Thực tế, ngày càng có nhiều người chọn phương án “nghỉ mát tại gia”. Những người này cảm thấy mình là người thông thái, họ không còn mơ màng lao đến các điểm du lịch hay “bay” đến các tỉnh xa dịp nghỉ lễ. Đơn giản là bởi họ không muốn đi “hành xác” rồi bị “chặt chém” và trở về than thân, trách phận.
[/cow_johnson]Tìm được một quán ăn ngon, một điểm dừng chân thoáng đãng, phục vụ tốt bỗng khó như… mò kim đáy biển. Giá cả mặt hàng ăn uống thì nhảy múa loạn xạ theo… ý thích của người bán. Lỡ ăn rồi biết làm sao, khách chỉ có thể nuốt “cục nghẹn” trả tiền mà ra về trong “thanh thản”.
Chưa hết, đi du lịch đúng thời điểm nhà nhà đi chơi khiến nhiều người “mải vui” mà mất cảnh giác. Thế là, đồ đạc, tiền bạc cũng “không cánh mà bay’. Để rồi, ngậm ngùi kết thúc kỳ nghỉ trong sự bực dọc, bức xúc.
Kể cũng lạ, đến hẹn lại lên, tình trạng “chặt chém” diễn ra công khai ở nhiều điểm du lịch. Lạ kỳ, ai đi chơi về cũng ca thán bị “chặt chém”, thậm chí nhiều người còn bức xúc chửi thề. Nhưng rồi, sang năm sau, năm sau nữa, cũng dịp nghỉ lễ này, họ lại tiếp tục bị… “chém đẹp”. Thực tế là sau nhiều lần trở thành ‘con mồi”, nhiều “thượng đế” cũng đã khôn ra. Họ tẩy chay những điểm du lịch làm ăn kiểu chụp giật, chặt chém. Du lịch vốn là cái thú cho việc nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhưng xem ra, ở xứ ta, “du lịch nghỉ dưỡng” lại trở nên quá xa xỉ.
Bảo Châu
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Kon Tum chú trọng bảo tồn văn hóa
- Sôi nổi trại hè “Hoa phượng đỏ” Cao su Dầu Tiếng
- Khoảnh khắc đặc biệt
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI, năm 2024
- Ảnh đẹp cao su của Nguyễn Văn Thương
- Nông trường Xà Bang (Cao su Bà Rịa): Những hình ảnh tư liệu lịch sử
- 17 đơn vị tham gia Hội thi Tiếng hát CN Cao su khu vực IV
- Hướng đến Tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao
- Trách nhiệm của người làm báo với sự nghiệp xây dựng Đảng