CSVN – Cao su bén rễ, để người bén duyên, đã có nhiều cặp đôi là NLĐ Việt và Lào của Công ty TNHH Cao su Việt Lào gặp gỡ, yêu thương và kết duyên vợ chồng. Rồi từ đây, những gia đình Việt – Lào sẽ chung tay, góp sức lan tỏa những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Gia đình ở đâu, quê hương ở đó
Năm 2005, sau khi rời ghế giảng đường, anh Nguyễn Vũ Thịnh (hiện là Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật công ty) đã tìm hiểu nhiều nơi để tìm việc đúng ngành học của mình. Trong khoảng thời gian về thăm gia đình ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, anh biết tin có dự án trồng cao su ở Lào. Vì còn trẻ, cần có nhiều trải nghiệm, anh rất thích bươn chải và đi nước ngoài cho biết nên đã nhờ người quen xin chú Chín Ngừng (nguyên TGĐ Công ty Cao su Việt Lào) để được qua Lào làm việc”.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thịnh kể: “Ngày ấy qua Lào chỉ có xe chạy tuyến đường cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Chặng đường đi từ Gia Lai ra Huế rồi tiếp tục hành trình đón xe qua đến Pakse mất 4 ngày 3 đêm. Đây cũng là một kỷ niệm lần đầu tiên ra nước ngoài, xe qua khỏi cửa khẩu thì bị 3 lần nổ lốp vì chở hàng nặng. Tôi đến bến xe Pakse vào lúc 12 giờ đêm, đang nghĩ không biết đi đâu, ở đâu. Lúc đó may mắn có chị người Việt qua buôn bán ở Lào đi cùng xe biết về Công ty Cao su Việt Lào và cũng không xa nhà chị lắm, chị bảo về nhà chị nghỉ rồi sáng sớm mai sẽ chỉ đường đi đến công ty. Sáng hôm sau, chị gọi “sảm lọ – xe máy 3 bánh như xe thồ’’ và nói họ chở đến khách sạn Chămpa gần văn phòng công ty. Lúc này tôi thấy có 2 anh trai chạy xe máy ngang qua, nhìn sơ thấy có cái ‘điếu cày’ liền vẫy gọi đúng là người Việt và mượn nhờ điện thoại gọi người quen ra đón về công ty”.
Thời điểm đó, công ty chỉ mới thành lập Nông trường Bachiang I, vì vậy anh cũng bắt đầu công việc từ đây. Hàng ngày, anh theo tổ chăm sóc để vừa kiểm tra vườn cây vừa học hỏi kinh nghiệm của anh em đã nhiều năm công tác trong ngành cao su. Phương tiện đi làm của anh là “đi nhờ” xe máy của tổ trưởng ra lô hoặc đi “Tuk tuk – xe 4 bánh” nông trường thuê chở công nhân đi làm. 5 anh em trong công ty ở chung trong một túp lều của người dân để lại, phải móc võng ngủ cùng nhau, khi một người nhúc nhích là tất cả đều di chuyển theo. Công việc thường ngày của anh thường xuyên tiếp xúc với công nhân, chính vì vậy anh học tiếng Lào để thuận tiện trong việc giao tiếp với công nhân.
Lúc qua Lào làm việc, anh cũng chưa từng nghĩ đến bản thân sẽ lập gia đình tại Lào, thế nhưng duyên số đã “cột” thì mọi chuyện cũng đến thật tự nhiên. Năm 2007, để thuận tiện cho việc kiểm tra công tác sản xuất của các nông trường, công ty đã thuê nhà của ông Bunsu – nguyên Chủ tịch huyện BaChiang, (cũng chính là ba vợ anh hiện giờ) cho anh em Phòng Quản lý kỹ thuật làm việc. Sau những buổi đi làm về, anh thường ghé quán nhà ông uống nước và tối về nhắn tin chuyện trò với “đối tượng”. Lúc “cưa cẩm” anh nhắn tiếng Lào, sai từ nào thì cô ấy chỉ cho viết lại, lâu dần hai bên nảy sinh tình cảm.
Khi quyết định nên duyên với cô gái Lào, anh báo tin cho ba mẹ biết, mới nghe qua gia đình anh ai cũng không đồng ý. Sau nhiều lần thuyết phục, ba mẹ anh đồng ý qua Lào chơi một chuyến rồi “tính tiếp”.
Anh chia sẻ: “Lần đầu qua Lào đến nhà chào hỏi và nói chuyện, ba mẹ tôi thấy gia đình nhà vợ nề nếp, ông bà sui nồng nhiệt mến khách nên không còn ngăn cản nữa mà bàn tính đến chuyện kết hôn. Năm 2010 hôn lễ được diễn ra sau khi hai bên nhà thống nhất và hoàn tất các thủ tục giấy tờ hợp pháp cưới vợ ở Lào. Lễ cưới được tổ chức theo tập quán ở Lào và cũng tổ chức rước dâu ở Việt Nam về ra mắt ông bà theo đúng phong tục Việt Nam. Vợ tôi là Nàng Kẹo Lattana KouvanhThong sinh năm 1985, hiện làm tại phòng Tài nguyên môi trường huyện. Cuộc sống hôn nhân lúc đầu không tránh khỏi những bất đồng vì tôi cũng chưa nắm hết được phong tục tập quán ở Lào, thôi thì cứ nghe theo vợ, cứ vợ vui là được. Mỗi người biết giảm bớt “cái tôi” của mình để nhường nhịn nhau sẽ êm ấm. Gia đình ở đâu, quê hương ở đó, phải nên vun vén để xây dựng, hạnh phúc là do mình tự tạo và cảm nhận”. Hiện nay, vợ chồng anh có cô con gái lớn là Nguyễn Cát Tường – Nàng SuPhaChanh đang học lớp 3 và con trai Nguyễn Vũ Cát Tân – Thạo Thăn Va đang học lớp 2. Hai cháu đều học ở Lào để thuận tiện cho cả hai vợ chồng. Gia đình hai bên nội – ngoại cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau, mỗi lần như vậy thì 2 cháu là phiên dịch đắc lực cho ông bà.
Kết duyên chồng vợ giữa hai dân tộc là nét đẹp văn hóa giữa hai bên
15 năm trước, anh Dương Trường Giang sang Lào làm công nhân chăm sóc tại Nông trường Bachiang 1. Nơi anh đến lúc đầu gặp khó khăn về giao thông, điều kiện sinh hoạt, dân cư thưa thớt, hầu hết không có nơi vui chơi giải trí, vì vậy đi làm xong, anh cũng như nhiều anh em về lán ở. Anh nói: “Đi làm xa cũng nhớ nhà lắm, có đôi khi có ý định về Việt Nam tìm việc làm để được ở gần gia đình, nhưng anh em cứ động viên nhau cố gắng, thời gian mấy chốc cũng qua nhanh, cây cao su đến thời kỳ khai thác. Cuộc sống địa phương cũng dần trở nên nhộn nhịp hơn, khác hẳn với ngày trước”.
Cuộc sống của anh cứ xoay quanh công việc như thế, cho đến khi quen cô gái Kayson Sinmani trong một lần chị theo chân anh trai vào lô phụ việc. Gặp gỡ thường xuyên, những câu chuyện cứ kéo dài, từ tình bạn rồi chuyển sang tình yêu lúc nào không hay. Rồi ông tơ bà nguyệt đã kết duyên vợ chồng. Hiện nay, vợ chồng anh chị đã có 2 bé gái và 1 bé trai đang học tại trường bản. Vợ chồng anh dạy cho các con tiếng Việt và tiếng Lào để con hiểu được văn hóa, phong tục tập quán, quê hương của hai bên. Các con của anh chị khi đi học thì nói tiếng Lào và về đến nhà nói tiếng Việt.
Lập gia đình, anh nỗ lực hơn trong công việc để làm gương cho con cái noi theo. Sự cố gắng đó được ban lãnh đạo nông trường, công ty ghi nhận và tạo điều kiện để anh phát triển hơn. Thời gian đầu anh làm công nhân chăm sóc vườn cây, sau đó là nhân viên nông nghiệp Nông trường Bachiang 1 và mới đây anh được chuyển lên làm việc tại phòng Quản lý kỹ thuật của công ty.
Anh tâm tình: “Nhờ Cao su Việt Lào mà tôi có cơ hội gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với vợ. Với tôi lấy vợ ở đâu cũng không quan trọng bằng việc thấu hiểu, quan tâm và thương yêu, tôn trọng nhau. Lần đầu đưa vợ về thì cô ấy rất e dè, khác phong tục, ngôn ngữ nên việc hòa nhập với mọi người trong gia đình còn khó khăn, bây giờ thì quen rồi. Không chỉ có gia đình tôi lấy vợ Lào mà trong công ty có rất nhiều đôi chồng Việt – vợ Lào, từ lâu Việt Nam và Lào đã có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, và tôi nghĩ sự kết duyên chồng vợ giữa hai dân tộc cũng là nét đẹp văn hóa giữa hai bên. Vậy là cao su bén rễ, để người bén duyên. Sau một thời gian dài cố gắng, vợ chồng tôi đã mua được đất xây nhà gần vùng dự án của công ty”.
Hai vợ chồng từ hai nền văn hóa khác nhau nên thời gian đầu mới cưới cũng bất đồng quan điểm trong ăn uống, giao tiếp, cách xưng hô… nhưng rồi hai anh chị cùng cố gắng chia sẻ để thấu hiểu. “Nếu có giận nhau thì cùng lắm vài hôm lại cười huề”, anh cho hay.
MẪN NHI
(Kỳ tới: Tổ chức Đảng tiêu biểu)
Related posts:
- Cho yêu thương để nhận lại nụ cười, hạnh phúc
- Tổ chức Chương trình nghệ thuật gây Quỹ xây dựng “Làng công nhân cao su”
- "Luôn nhắc nhở bản thân giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống"
- Hoa phong lan vào mùa
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Các tiết mục đạt giải Hội thi Tiếng hát CN cao su KV II (phần I)
- Khám phá Myanmar
- Binh đoàn 15 bế mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng
- “Dạy con yêu sách - Gieo mầm tính cách”: Cuốn cẩm nang đáng đọc