“Dạy con yêu sách – Gieo mầm tính cách”: Cuốn cẩm nang đáng đọc

CSVN – Điện thoại thông minh, máy tính bảng cùng nhiều thiết bị giải trí hiện đại khác đang “đánh cắp” tuổi thơ của con trẻ. Cuốn cẩm nang Dạy con yêu sách- Gieo mầm tính cách có thể là một liệu pháp khiến bé hào hứng với việc đọc sách.sách
Hãy đọc sách cùng con!

“Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ”. Bởi vậy, để giúp con trở thành một đứa trẻ ham đọc sách, cách đơn giản nhất là hãy để bé thấy hình ảnh cha mẹ vui vẻ đọc sách mỗi ngày.

Bố mẹ hãy đọc sách cùng nhau, chia sẻ với bé những kiến thức thú vị mà mình tìm thấy trong sách. Con trẻ vốn rất tò mò, khi thấy bố mẹ đọc sách một cách hăng say, thỉnh thoảng còn cười khúc khích, bé sẽ cho rằng trong sách có điều thú vị và muốn cùng đọc với ba mẹ.

Trong cuộc sống hàng ngày, con trẻ sẽ rất hay tò mò về những điều mới mẻ xung quanh mình như: Tại sao con sâu lại có màu xanh, tại sao con bướm lại có đôi cánh rực rỡ? Từ sự ham thích khám phá của trẻ, hãy dẫn dắt bé tìm hiểu những điều đó trong sách bằng những gợi ý như: “Hình như trong sách có nói đến điều này thì phải, đến tối mẹ con mình sẽ cùng đọc nhé”. Cứ như vậy tình yêu sách trong lòng con trẻ sẽ được vun đắp một cách tự nhiên.

Việc dạy con đọc sách đã khó, việc dạy con yêu sách còn khó hơn rất nhiều. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, trách nhiệm và phản chiếu tấm gương từ bố mẹ. Hãy cùng con đọc những cuốn sách hay thay vì trao cho con những cuốn sách thay vì những chiếc ipad, smartphone cho con để dỗ dành.

Những cuốn sách sẽ giúp thay đổi hành vi của trẻ

Ngoài việc xây dựng một thói quen giải trí lành mạnh và khơi dậy tinh thần ham học hỏi trong trẻ. Việc đọc sách cùng con và giúp con hình thành thói quen đọc sách còn khiến cho bé nâng cao khả năng tập trung. Từ đó, việc học của các bé cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Trong quá trình đọc sách, đôi khi bé có thể vô tình làm rách sách hoặc xé sách. Hành động này, đôi khi diễn ra trong vô thức và bé cũng chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc giữ gìn sách cẩn thận. Thay vì cáu giận hay trách phạt con, các bậc phụ huynh nên giải thích nhẹ nhàng cho bé hiểu. Hãy nói với bé rằng sách là một người bạn, khi bị rách sách cũng “cảm thấy đau đớn” như lúc con bị ngã.

Từ đó, bé sẽ hình thành ý thức giữ gìn sách cẩn thận, để những “người bạn” của mình không bị đau. Để hình thành thói quen giữ gìn sách cẩn thận, cha mẹ nên trở thành tấm gương cho con trẻ. Đừng bao giờ để sách vở lộn xộn hay quăng ném sách lung tung trước mặt trẻ. Khi thấy một cuốn sách bị rách thay vì mặc kệ, hãy cùng con đi tìm băng dính để “giúp” cuốn sách dễ thương được nguyên vẹn.

“Dạy con yêu sách – Gieo mầm tính cách” không đơn thuần là một cuốn sách lý thuyết suông. Thông qua những câu chuyện và bài học được lấy từ chất liệu thực tiễn, bố mẹ hoàn toàn có thể áp dụng và dễ dàng tương tác với trẻ. Hãy để những cuốn sách thay đổi hành vi của trẻ, tự làm đầy một thế giới tinh thần phong phú và “sáng tạo” một em bé vui vẻ, hạnh phúc  trong chính mình. Việc vun đắp tình yêu đọc sách cho con ngay từ khi còn bé là nền tảng cho sự thành công trong tương lai của mỗi đứa trẻ.

BẢO CHÂU