Phnom Penh – nhịp điệu tháng Tư

Tháng Tư về, như thường lệ, đoàn Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lại đến Thủ đô Phnom Penh thăm và chúc Tết các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền Chol ChNăm Thmây. Cũng như mỗi lần đến Tết nguyên đán Việt Nam, các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia sang Việt Nam chúc Tết. Lịch sử và truyền thống, khát vọng hòa bình và tình nghĩa láng giềng đã gắn kết số phận hai dân tộc Việt Nam – Campuchia thông qua những tập tục hình thành tự ngàn xưa.

Phnompenh về đêm
Phnompenh về đêm

Nằm gọn trong vùng khí hậu Á nhiệt đới, bên bờ vịnh Thái Lan và giữa các quốc gia Thái Lan, Lào, Việt Nam, địa hình Campuchia phần lớn là những cánh đồng gợn sóng, bồn địa của Tonle Sap (Biển Hồ, mặt nước vào mùa mưa có thể rộng gần 25.000km²) và châu thổ sông Mê Kông. Vùng bồn địa và đồng bằng nói trên (khoảng 75% diện tích đất nước) bị bao quanh bởi các dãy núi Phnom Kravanh, Damrei ở phía Tây Nam và dãy núi Dangrek ở phía bắc chạy dọc biên giới Campuchia – Thái Lan. Từ biên giới Campuchia – Lào, sông Mê Kông theo hướng Tây Nam chảy về Thủ đô Phnom Penh.

Phnom Penh (còn gọi là Nam Vang) là thành phố lớn nhất và là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại của Vương quốc Campuchia. Tên gọi Phnom Penh xuất phát từ chữ Wat Phnom, nghĩa là “chùa trên đồi”. Chùa xây từ năm 1373 làm nơi thờ các tượng Phật. Đồi là một gò đất nhân tạo, đặt tên từ nhân vật Daun Penh (Bà Penh), tương truyền là một góa phụ quyền quý. Phnom Penh nằm trên ngã tư của các con sông Mekong, Bassac, sông Tonle Sap chảy ngang tạo thành bốn ngả sông, bốn dòng nước gặp nhau ở một điểm nên một thời còn có tên là Krong Chaktomuk, có nghĩa là “Thành phố Bốn mặt”. Thành phố Krong Chaktomuk còn là cách gọi tắt sắc phong vua Ponhea Yat đặt cho đô thị này. Phnom Penh trở thành kinh đô của Campuchia từ thế kỷ XV. Khi quân Xiêm cất quân xâm lược, vua Ponhea Yat phải bỏ Siem Reap vùng Tây Bắc với nền văn minh Angkor huy hoàng trải suốt 700 năm với 27 vương triều để rút về Đông Nam, lấy Phnom Penh làm kinh đô mới. Dù vậy, phải đến triều vua Norodom I (năm 1866), Phnom Penh mới được xây dựng với quy mô lớn với những cung điện mỹ lệ và các công trình xây dựng đặc sắc văn hóa Khmer. Rồi người Pháp đến, áp đặt nền bảo hộ, xây các tòa nhà ảnh hưởng lối kiến trúc Pháp, mở mang giao thông, đào kênh rạch, đắp đường sá, xây bến cảng hầu phục vụ cho mục đích thống trị và khai thác thuộc địa. Đường sắt, hải cảng Sihanoukville, sân bay quốc tế Pochentong ra đời. Nằm bên dòng sông hiền hòa chói lọi ánh mặt trời, Phnom Penh từ những thập niên đầu thế kỷ XX đã được mệnh danh là “Hòn ngọc châu Á”.

Năm nay, Phật lịch 2558, cư dân Phnom Penh và các địa phương khác khắp đất nước Campuchia đón Tết Chol Chnăm Thmây lần thứ 35 sau họa diệt chủng. Cũng như các dân tộc khác ở Đông Nam Á, Campuchia là quốc gia nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước. Nghề trồng lúa, với các chu trình của nó, đã làm nảy sinh hầu hết lễ hội nông nghiệp ở Campuchia. Phong tục sinh hoạt, hội hè đình đám, nghi thức quan trọng dường như đều gắn với đời sống của người nông dân. Bắt đầu từ tháng Tư, gió Tây Nam từ Vịnh Thái Lan – Ấn Độ Dương theo hướng Đông Bắc thổi vào đất liền mang theo hơi ẩm tạo nên những cơn mưa đầu mùa, mùa khô dần khép lại. Đó là lúc người Campuchia mở lễ hội tiễn đưa một năm cũ và đón nhận một năm mới đang đến rụt rè. Đó là những lễ hội đậm không khí thành kính chùa chiền, cầu siêu, cầu may mắn, cầu mưa thuận gió hòa, cầu ruộng đồng tươi tốt; những lễ hội dâng cơm, tắm tượng Phật, đắp núi cát, té nước, bôi bột màu; rồi điệu múa Apsara, những món ăn đậm hương vị truyền thống: gà Amok, mắm bồ hóc, bánh ít, cơm lam, hủ tiếu Nam Vang, rượu thốt nốt…

Đã cận kề ngày Tết, nhưng dường như người dân Phnom Penh chưa thật sự vội vàng. Một không khí vừa hân hoan vừa bình thản lạ kỳ. Không thấy từng đoàn người đi chúc tết hối hả, không thấy các cửa hàng bày bán túi quà Tết, giò chả, bánh chưng tràn hết lề đường, không thấy cây đào, mai, quất, thế và không thế, ùn ùn chở về thành phố như ở Sài Gòn. Mỗi người vẫn đi làm như mỗi ngày. Có gì khác ngày thường, thì đó chỉ là một nhóm người theo Đảng Cứu quốc (CNRP) ngồi biểu tình ở Quảng trường Dân chủ, và một cuộc nhóm họp kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Đảng Cứu quốc tổ chức trong chiếc rạp dựng tạm ở lề đường. Đảng Nhân dân (CPP) vẫn đang hàng ngày đối diện với những khó khăn gay gắt trong nỗ lực xây dựng đất nước Campuchia. Cuộc bầu cử ngày 28-7 năm ngoái đã đưa về cho đảng Nhân dân cầm quyền 68 trong tổng số 123 ghế đại biểu Quốc hội và quyền đứng ra thành lập Chính phủ mới. Mặc cho tuyên bố của đại diện các nhóm quan sát viên quốc tế đến từ hai tổ chức Đại hội quốc tế các Đảng chính trị châu Á (ICAPP), Đại hội quốc tế những người dân chủ châu Á-Thái Bình Dương trung dung (CAPDI) về tính dân chủ, minh bạch, trung thực của cuộc bầu cử, và lời kêu gọi đảng cầm quyền cùng Đảng đối lập ngồi lại tìm giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp vì lợi ích quốc gia của Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Đảng Cứu quốc vẫn bác bỏ kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử quốc hội và liên tục tổ chức biểu tình.

Đáp từ lời chúc mừng của Trung tướng Tư lệnh Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam Trần Đơn về thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội mà nhân dân Campuchia đã đạt được trong năm 2013 và những năm trước, Thủ tướng Samdech Hun Sen và tư lệnh các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia đều khẳng định quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng 7/1/1979, giữ vững tiến trình phát triển đất nước trong hòa bình ổn định, khẳng định tình đoàn kết như một tất yếu lịch sử giữa quân đội và nhân dân hai nước Campuchia – Việt Nam.

Khẳng định của người đứng đầu Chính phủ và Tư lệnh Quân đội Hoàng gia dựa trên một thực tế hiển nhiên mà bất cứ người nước ngoài nào đặt chân đến Phnom Penh đều dễ dàng cảm nhận. Khó có thể tin rằng thành phố gần 3 triệu dân này từng bị tàn phá gần như hoàn toàn trong thời kỳ Polpot Khmer Đỏ. Mặc dù bị ngập lụt liên miên và nhiều khó khăn khác, Campuchia luôn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về cải cách kinh tế, GDP tăng trưởng hàng năm đạt từ 5 đến 6%. Riêng năm 2013, với dân số 14,95 triệu người, giá trị tổng sản phẩm trong nước là 61.651 tỷ riel (tương đương 15,6 tỷ USD), ngân sách Nhà nước đạt 12.251 tỷ riel (tương đương 3,1 tỷ USD). Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và góp một phần quan trọng vào tổng thu nhập quốc dân. Campuchia đang là thành viên của các tổ chức Liên hiệp quốc, ASEAN, WTO, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đà phóng vào tương lai của Campuchia là rất lớn. Chỉ tính riêng tiềm năng biển, Đại học Harvard và nhiều tổ chức khoa học uy tín khác trên thế giới cho rằng Campuchia có trữ lượng có thể lên đến 2 tỉ thùng dầu và 10.000 tỉ mét khối khí đốt. Về quân sự, Quân đội Hoàng gia Campuchia đang triển khai thực hiện các giải pháp chiến lược nhằm tăng cường khả năng chủ động bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì đường biên giới hòa bình ổn định và phát triển; thực hiện “chiến lược tứ giác” về cải cách quân đội, chú trọng huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng theo hướng chất lượng, chính quy, sát thực tiễn chiến đấu; thúc đẩy, đa dạng hóa hợp tác quân sự với các nước, cả song phương và đa phương, chủ yếu trên các lĩnh vực hợp tác đào tạo, tiếp nhận viện trợ, mua sắm vũ khí trang bị, xây dựng công trình quân sự, duy trì lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, phòng chống khủng bố và cứu hộ thiên tai.

Tạm biệt Phnom Penh, tạm biệt đất nước Chùa Tháp với nụ cười Bayon mãi mãi huyền bí. Nụ cười, ánh mắt, vòng tay, những thân thiết giữ kín trong lòng và điệu múa Apsara cùng tiếng trống chho giữ nhịp theo chúng tôi về Việt Nam, thôi thúc mãi. Một tết Chol Chnăm Thmây nữa đang đến. Dọc đường phố Phnom Penh, từng hàng cây sứ nở bông trắng muốt, cây osaka buông hoa vàng rực, chộn rộn mà bình yên. Hai bên đường xuyên Á, từng hàng cây thốt nốt nối nhau lùi lại. Những cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ bỏ hoang từ mùa khô trước trải dài ngút ngát, vài thửa ruộng đã bắt đầu xâm xấp nước bởi những cơn mưa đầu mùa. Một mùa mưa mới!

Hồ Sơn Đài