CSVNO – Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh chưa hề có chủ trương “xóa sổ” cao su để nuôi bò và kiên quyết không chặt bỏ cả rừng cao su đầu nguồn nơi xung yếu để trồng cỏ nuôi bò, bởi bài học đắt giá từ dự án nuôi bò Bình Hà đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
>> Đề xuất giao 300 ha cao su đang khai thác của Cao su Hà Tĩnh cho doanh nghiệp nuôi bò?
Lãnh đạo NT Hàm Nghi (Cao su Hà Tĩnh), cho biết, đơn vị được công ty giao quản lý bảo vệ 640 ha cao su, trong đó số diện tích khai thác chủ yếu 2 tiểu khu 240, 241B thuộc địa bàn 2 xã Hương Vĩnh, Hương Xuân. Đây là 2 nông trường đóng góp sản lượng mủ đạt gần 1/3 sản lượng mủ của cả công ty, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 126 công nhân và tạo việc làm cho gần 30 hộ nông dân nhận khoán vườn cây. Vườn cây này có mật độ bình quân 400 cây/ha, năng suất mủ đạt từ 1,4 tấn/ha; cá biệt một số diện tích thâm canh tốt cho năng suất đạt từ 1,8 – 1,9 tấn/ha, chiếm gần 1/3 sản lượng mủ của cả công ty. “Khi thấy ông Huấn – Chủ tịch huyện đưa người vô đòi chặt phá cả rừng cây cao su của chúng tôi để trồng cỏ nuôi bò, tất cả công nhân chúng tôi đều hoang mang, lo lắng”, vị này cho biết.
Một cán bộ bảo vệ Công ty MTV Cao su Hà Tĩnh cũng ngao ngán nói: “Không hiểu lãnh đạo huyện Hương Khê nghĩ sao chứ công ty chúng tôi được giao đất 50 năm, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước, sử dụng đất hiệu quả, đến 31/12/2050 công ty của chúng tôi mới hết hạn thuê đất. Thế mà họ ngang nhiên đưa người vào đi hết nông trường này đến nông trường khác chỉ trỏ khảo sát gì đó mà công ty chúng tôi không hề biết”.
Khi PV liên lạc với ngành nông nghiệp tỉnh để tìm hiểu xung quanh về vấn đề này, được một vị lãnh đạo sở này cho biết, lãnh đạo sở mới chỉ nghe thông tin còn chưa thấy chủ trương nào của tỉnh cho chuyển đổi từ dự án cao su sang dự án nuôi bò, nên sở chưa có ý kiến gì.
Qua điện thoại với một vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi biết được, tỉnh chưa hề có chủ trương này, bởi nếu Hương Khê có ý định thu hút đầu tư từ dự án nuôi bò thì nên tạo quỹ đất từ khoảng 3-5 ha bảo đảm môi trường, đồng thời vận động nông dân trồng cỏ nuôi bò. Còn nói về chặt bỏ cả rừng cao su đầu nguồn nơi xung yếu để trồng cỏ nuôi bò là không, bởi bài học đắt giá từ dự án nuôi bò Bình Hà đã gây ra nhiều hệ lụy, gây thiệt hại đối với tỉnh, với nông dân khi dự án đổ vỡ để lại hậu quả xã hội.
Chúng tôi cũng liên hệ với đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam, và được biết, việc ở Hương Khê nếu là đất, tài sản trên đất của VRG thì phải được lãnh đạo VRG và lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp nhận, dự án không gây phương hại đến an sinh xã hội, thì mới lập dự án đầu tư.
Về phía lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh thì cho rằng: “Đất và tài sản trên đất do VRG đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm, đến 31/12/2050 mới hết hạn sử dụng. Việc ông chủ tịch huyện đưa người vào trong khu vực công nhân chúng tôi đang lao động, sản xuất, không có ý kiến văn bản thông báo nào, kể cả VRG, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng không hay biết gì đã gây ảnh hưởng xấu đến tư tưởng công nhân, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của toàn công ty”.
P.V
Related posts:
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 59,5%
- Hăng say thi đua lao động sản xuất trên mảnh đất truyền thống
- “Vàng trắng” biên cương
- Nông trường VII, Cao su Lộc Ninh về trước kế hoạch sản lượng 37 ngày
- Nghỉ hưu tuổi 47: Vui mừng, phấn khởi
- 40 năm cây cao su thay đổi những bản làng
- Nông trường 7 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Lộc Ninh
- Linh hoạt trong công tác tuyển dụng lao động
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn
- Hội thiện nguyện Việt Nam trao quà cho công nhân khó khăn ở Cao su Quasa Geruco