Hăng say thi đua lao động sản xuất trên mảnh đất truyền thống

CSVN – Trong không khí sôi nổi chào mừng Kỷ niệm 125 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam (1897 – 2022), 93 năm truyền thống ngành (28/10/1929 – 28/10/2022), những ngày này người lao động tại hai đơn vị đóng chân ở cái nôi Khu Di tích văn hóa – lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ, Cao su Đồng Phú và Phú Riềng hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành mục tiêu kép, xây dựng đơn vị phát triển ổn định và bền vững, tô thắm thêm truyền thống hào hùng, xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo các cấp, của bao thế hệ người lao động.

Công nhân Cao su Phú Riềng thi đua lao động sản xuất chào mừng 93 năm truyền thống ngành. Ảnh: Vũ Phong
Phú Riềng Đỏ – niềm tự hào của “thủ phủ” cây cao su

Hơn một thế kỷ kể từ khi cây cao su được trồng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngành cao su đã phát triển lớn mạnh, cây cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cao su với hơn 234.000 ha, trong đó có khoảng 100.000 ha của các doanh nghiệp Nhà nước.

Các doanh nghiệp cao su Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao  động.  Lĩnh  vực  cao  su  luôn đóng góp khoảng 30- 40% nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Sự đóng góp của cây cao su không chỉ về mặt kinh tế, mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế…

Hơn 44 năm qua, phát huy truyền thống Phú Riềng Đỏ, lấy khó khăn làm động lực để phát triển, nhiều thế hệ công nhân Cao su Phú Riềng đã vượt khó vươn lên, đồng lòng chung sức, ngày đêm lao động sáng tạo, không những đã làm hồi sinh và trả lại màu xanh cho vùng đất chết bạc màu, mà còn mở rộng vườn cây, thâm canh tăng năng suất, đem lại hiệu quả ngày càng cao, làm nên diện mạo công ty lớn mạnh toàn diện như ngày nay. Cao su Phú Riềng hiện là lá cờ đầu của VRG, đã và đang góp phần trong quá trình phát triển lớn mạnh của ngành cao su Việt Nam và của địa phương nơi công ty đứng chân.

Sinh ra tại mảnh đất Phú Riềng Đỏ anh hùng, giàu truyền thống lịch sử và được lớn lên trong gia đình có ba mẹ công tác trong ngành cao su, anh Lê Hoài Trí – Trưởng Phòng Hành chính quản trị, Cao su Phú Thịnh (trực thuộc Cao su Phú Riềng), tâm sự: “Cây cao su đã mang đến cho nhiều gia đình cuộc sống no ấm, đầy đủ về vật chất và tinh thần. Tự hào là những người sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang qua 93 năm xây dựng và phát triển, thế hệ chúng ta hôm nay cần giữ vững niềm tin vào tương lai và sự phát triển bền vững của ngành. Phải luôn nỗ lực học tập rèn luyện nâng cao tri thức, để đủ năng lực và trình độ làm việc trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay; luôn phát huy cao nhất tinh thần và trí tuệ, xung kích đi đầu để cùng nhau gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt  đẹp  của  ngành  bằng  những hành động thiết thực, bằng tinh thần trách nhiệm và chung sức chung lòng để xây dựng ngành phát triển bền vững”.

Công nhân Cao su Đồng Phú trút mủ. Ảnh: Minh Tuấn
Sôi nổi thi đua khắp vườn cây, nhà máy

Kế thừa và phát huy truyền thống là nguồn năng lượng tích cực để mỗi NLĐ hăng say trong lao động sản xuất, cùng chung tay xây dựng đơn vị và ngành ngày càng phát triển bền vững. Trên vườn cây, nhà máy, người công nhân đang tất bật với công việc, để hoàn thành tiến độ sản lượng được giao, thiết thực chào mừng 93 năm truyền thống ngành cao su. Không khí háo hức thi đua nước rút những tháng cuối năm lan tỏa đến từng NLĐ. Mùa này cây cao su cho sản lượng mủ nhiều nhất trong năm, thu nhập cũng tăng cao. Chính vì vậy, người công nhân rất phấn khởi, hào hứng thi đua lao động để hoàn thành cao nhất sản lượng được giao.

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, đơn vị thường xuyên thông báo các chủ trương, các phong trào thi đua khen thưởng, các chỉ tiêu thi đua được cụ thể đến từng người. NLĐ có thành tích nổi bật sẽ được biểu dương khen thưởng nên ai cũng phấn khởi, cố gắng hăng say thi đua hoàn thành sản lượng được giao.

Đặc biệt, ngày hội bàn tay vàng các cấp diễn ra sôi nổi tiến tới hội thi cấp ngành tạo không khí hăng say thi đua lao động. Anh Trần Tiến Mạnh (NT An Bình) – Giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Đồng Phú, hào hứng: “Nhờ cây cao su, gia đình tôi có thu nhập ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng, cuộc sống ấm no. Được làm việc trên mảnh đất truyền thống, tôi ra sức thi đua lao động sản xuất, luôn rèn luyện tay nghề để đảm bảo tốt về kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu góp phần nhỏ của mình để chung sức chung lòng xây dựng đơn vị ngày càng phát triển. Tôi háo hức mong chờ đến tháng 12 để được tham gia ngày hội bàn tay vàng cấp ngành và cố gắng tập luyện để đem thành tích về cho đơn vị”.

Là hai công ty đóng chân tại cái nôi truyền thống, Cao su Phú Riềng và Đồng Phú luôn thể hiện lòng tự hào về truyền thống, yêu ngành yêu nghề, thi đua lao động sản xuất. Truyền thống Phú Riềng Đỏ mãi mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành cao su Việt Nam; là cội nguồn, là động lực cho các thế hệ NLĐ hôm nay và mai sau ra sức phấn đấu xây dựng VRG phát triển bền vững.

TUỆ LINH