CSVNO – Qua thử nghiệm, thuốc Ameed Top 750WG chứa hoạt chất Azoxystrobin (250g/kg) và Tebuconazole (500g/kg), Hexin 5SC chứa hoạt chất hexaconazole (50 g/l), có hiệu quả tốt trong phòng trị bệnh phấn trắng, thay thế hoạt chất carbendazim không được phép sử dụng.
Bệnh phấn trắng do nấm Oidium heveae gây ra là một trong những bệnh hại phổ biến trên vườn cao su từ giai đoạn vườn ương đến giai đoạn khai thác. Bệnh xuất hiện sau mùa rụng lá qua đông, khi cây cao su tái sinh bộ lá mới và bùng phát trong điều kiện thời tiết có nhiều sương mù, nhiệt độ thấp. Bệnh gây hại chủ yếu trên chồi và lá non, làm cây cao su bị rụng lá nhiều lần, dẫn đến mất sức cây và kéo dài thời gian nghỉ cạo trong năm.
Trước đây, việc phòng trị bệnh phấn trắng chỉ được tiến hành trên vườn nhân vườn ương. Việc áp dụng trên vườn cây kinh doanh rất khó thực hiện do thiếu phương tiện xử lý và gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian gần đây, vấn đề phương tiện đưa thuốc đến tán lá vườn cây kinh doanh đã được giải quyết. Hiệu quả của việc thực hiện phòng trị bệnh rụng lá trên vườn cao su kinh doanh ngày càng rõ ràng và được nhiều công ty cao su áp dụng.
Carbendazim, một loại hoạt chất thuốc trừ nấm, đã được khuyến cáo sử dụng để phòng trị bệnh rụng lá phấn trắng. Về mặt độ độc cấp tính, carbendazim thuộc nhóm độc IV (độc yếu). Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, carbendazim có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường. Do đó, một số nước đã ban hành lệnh cấm sử dụng (Mỹ, Úc, EU…) và tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng carbendazim trong các sản phẩm nhập khẩu.
Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt nam gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như hồ tiêu, mật ong,… sang thị trường Âu, Mỹ do dư lượng thuốc carbendazim trong các sản phẩm này còn cao, không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định của những nước này.
Trước những tác hại của carbendazim, ngày 03/01/2017 Bộ NN và PTNT đã ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất carbendazim ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ngày 07/02/2017 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có công văn chỉ đạo giao Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các loại hoạt chất có hiệu quả kỹ thuật và kinh tế có khả năng thay thế carbendazim trong phòng trị bệnh hại trên cây cao su trong đó có bệnh rụng lá phấn trắng.
Qua thử nghiệm, thuốc Ameed Top 750WG chứa hoạt chất Azoxystrobin (250g/kg) và Tebuconazole (500g/kg) sử dụng với nồng độ 0,01% – 0,015% có hiệu quả rất tốt trong phòng trị bệnh phấn trắng với chi phí giá thành thấp hơn hoặc tương tương với carbendazim.
Ngoài ra, trong quy trình kỹ thuật cây cao su 2012, để phòng trị bệnh phấn trắng, ngoài thuốc có gốc carbendazim, thuốc có gốc hexaconazole cũng được khuyến cáo và đã được sử dụng tại các công ty. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhãn hiệu thuốc thương mại có gốc hexaconazole và hiệu quả thực tế tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu hoạt chất ban đầu. Thuốc Hexin 5SC chứa hoạt chất hexaconazole (50 g/l), do công ty Astec LifeScience Ltd (Ấn Độ) sản xuất, là một trong số ít loại thuốc có chất lượng đáng tin cậy. Thời gian vừa qua, Viện đã thử nghiệm và khuyến cáo cho các công ty như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Phú, Lộc Ninh… sử dụng thuốc này trong phòng trị phấn trắng đạt hiệu quả rất tốt với giá thành hợp lý.
Quy trình kỹ thuật sử dụng 2 loại thuốc trên trong phòng trị phấn trắng cụ thể như sau:
Đối tượng phòng trị:
Vườn nhân, vườn ương: phun phòng khi thời tiết chuyển lạnh, có sương mù nếu lá trên vườn chưa ổn định.
Vườn kinh doanh: phun trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, chủ trương không phun đại trà, phun chọn lọc vườn chủ lực nhóm 1, 2 có năng suất cao hoặc vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, có thể kết hợp phun phòng trị cho một số giống mẫn cảm bệnh Corynespora.
Dựa vào công suất và số lượng thiết bị phun, tính toán diện tích xử lý cho phù hợp để có thể quay vòng xử lý đúng chu kỳ tối đa (10 ngày).Ví dụ: Nông trường có 3 máy phun; công suất phun 10ha/ngày. Diện tích có thể lên kế hoạch xử lý là: 10ha/ngày x 3 máy x chu kỳ 10 ngày = 300 ha. Tránh lên kế hoạch diện tích phòng trị lớn hơn khả năng thiết bị sẵn có, không phun quay vòng kịp thời, hiệu quả phòng trị sẽ thấp.
Thuốc trừ nấm và công thức áp dụng:
Sử dụng 1 trong 2 công thức sau:
+ Hexin 5SC nồng độ 0,2% (2 lít/1.000 lít nước) hoặc
+ Ameed Top 750WG nồng độ 0,01% – 0,015% (100 gam – 150 gam/1.000 lít nước).
Để tăng hiệu quả phòng trị cần pha phối hợp thuốc với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2% (2 lít/1.000 lít nước).
Có thể phun kết hợp phân bón lá trong lần phun thuốc thứ 2.
Cách xử lý:
Triển khai phun khi thấy thời tiết chuyển lạnh, bắt đầu có sương mù và khi vườn cây có 10% số cây có lá nhú chân chim. Trong trường hợp lá rụng không đều, tiến hành phun khi vườn cây có trên 50% tán lá rụng (chủ yếu tán lá dưới).
Dùng máy bơm phun cao áp phun thuốc lên tán lá. Phun tới ngọn. Thực hiện phun thuốc 2 lần với chu kỳ 7 – 10 ngày.
Phun thuốc trong khoảng thời gian trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối). Không phun thuốc vào thời điểm nắng gắt, nhiệt độ cao.
Lượng thuốc pha phun cho 1 ha: Máy Jacto: 300 lít/lần phun; máy cao áp thông thường: 500-700 lít/lần phun.
NGUYỄN ANH NGHĨA
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Máy đa năng 5 trong 1
- Dự án PlasCO2: Biến khí nhà kính thành nguyên liệu thô
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất
- Giống cây trồng phải được bảo hộ
- Lấy ý kiến xây dựng cơ cấu bộ giống cao su 2016 - 2020
- Tạm ngưng khai thác trên toàn bộ diện tích vườn cao su kinh doanh đến hết ngày 15/4
- Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải 2 nhà máy Cao su Kon Tum
- Cao su Đồng Phú 10 năm liên tục là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn
- Tối ưu hóa năng suất vườn cây tái canh: Cần những yếu tố gì?
- Sẽ trồng thử nghiệm 100 ha cỏ Alfalfa xen cao su
Mình muốn mua sp Ameed Top 750WG thì mua ở đâu ạ. Mình ở hàm thuận nam, bình thuận