Tối ưu hóa năng suất vườn cây tái canh: Cần những yếu tố gì?

CSVN – Qua mỗi năm, Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG lại “đón” thêm nhiều thành viên mới là tập thể tổ, đội, nông trường và công ty có năng suất vườn cây cao. Cao su Việt Nam trích đăng những giải pháp tiêu biểu của một số đơn vị đã áp dụng khi thực hiện tái canh và chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản nhằm đảm bảo khi vườn cây đưa vào khai thác sẽ cho kết quả như kỳ vọng.

Công nhân Cao su Dầu Tiếng vận chuyển cây giống ra lô tái canh. Ảnh tư liệu: Phan Thắng
Bà Trần Thị Thanh Mai – Phó TGĐ Cao su Ea H’leo: Thực hiện tốt nhiều yếu tố

Theo tôi để có một vườn cây tái canh chất lượng tốt trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói chung và ở Cao su Ea H’leo nói riêng thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, cơ cấu giống là yếu tố quan trọng hàng đầu để phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu của mỗi đơn vị. Công ty chủ động xuống giống đúng thời vụ, hạn chế tối đa việc phải trồng dặm, quan tâm bón phân lót ngay từ ngày đầu đặt cây giống. Vào các năm thứ I và II, công ty chú trọng bón phân qua lá để cây nhanh chóng phục hồi và bứt phá vì thời kỳ đầu cây thường yếu.

Bên cạnh đó, để vườn cây sau này có chất lượng và năng suất cao thì phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Ví dụ năm 2021, tình hình vườn cây của công ty không bị ảnh hưởng nhiều do thiên tai, bão lốc và mưa nhiều nên việc thực hiện kế hoạch sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Mặt khác, việc chăm sóc vườn cây được lãnh đạo quan tâm, chú trọng đến công tác cơ giới hoặc làm cỏ, tủ bồn đều bằng thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Việc kỳ vọng vào chu kỳ thứ 2 vườn cây sẽ đạt năng suất cao hơn là điều hiển nhiên, bởi đây là chu kỳ mà trình độ trồng mới, giống, tài chính và các yếu tố khác của lực lượng lao động ở mỗi công ty đã được nâng lên rất nhiều. Đối với chu kỳ đầu tiên, tuy đất đai tươi tốt song về mật độ cây cạo và những yếu tố liên quan đến lao động, tay nghề không thể bằng với chu kỳ sau, nên chắc chắn những năm tới vườn cây của mỗi công ty nói chung và Cao su Ea H’leo nói riêng sẽ được nâng lên rất nhiều.

Ông Trần Văn Phong – Phó GĐ Nông trường Lai Uyên, Cao su Phước Hòa: Nên thay đổi bảng cạo hợp lý

Theo tôi để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây cần nhiều yếu tố: Thứ nhất, phải đủ lao động. Thứ hai, nên thay đổi bảng cạo hợp lý mà không làm hao dăm cạo. Vì hiện nay, theo quy trình thì bảng cạo BO2 năm cạo thứ 3 trở đi rất ít mủ. Ngưng cạo BO1 đầu năm cạo thứ 4 và cho chuyển sang bảng cạo BO2, cạo 1 năm và sang năm sau lại chuyển về BO1. Mục đích cho cây nghỉ khai thác 1 năm ở miệng cạo đó và cứ đổi qua đổi lại như thế cho đến hết bảng BO1. Lúc đó đã cạo năm thứ 8. Năm cạo thứ 9 chúng ta cho cạo ở HO1 (ngưng ngửa), năm sau thì cạo BO2 năm thứ 3…

Tóm lại, làm sao cho miệng cạo được nghỉ 1 năm, không cạo liên tục. Vì thật sự miệng cạo năm thứ 3 của bảng BO2 trở đi là rất ít mủ, nhưng nếu cứ cạo như vậy thì hết dăm cạo và không có lựa chọn khác. Những nội dung này anh đã làm ở vườn cây tư nhân, tổng sản lượng mủ tăng > 20% so với cách cạo cũ.

Thứ ba, nên bỏ quy định “chuyển úp sớm” mà nên chuyển sang “chuyển úp hợp lý”. Vì chuyển lên úp và năm sau có thể về cạo ngửa, chứ không như bây giờ, đã lên úp là cạo suốt, như thế cũng không có mủ. Thứ , bổ sung phân bón – vì hiện tại phân bón quá ít. Thứ năm, áp dụng khoa học kỹ thuật hợp lý…

Ông Tăng Bửu Thạch – Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Cao su Bình Long: Chú trọng công tác giống

Để đạt mục tiêu 2 tấn/ha, Cao su Bình Long đã và đang áp dụng những giải pháp sau đây: Về công tác giống gồm 2 yêu cầu được đặt ra là: Thực hiện cơ cấu giống được VRG quy định 5 năm/lần. Theo đó, tỷ lệ diện tích các giống (dòng vô tính) quy định theo từng vùng chất lượng cây giống phải đạt yêu cầu của Quy trình kỹ thuật 2020; Lô cao su sau khi thanh lý, khai thác tác động thấp theo phương án Rừng bền vững, được thiết lập đê mương chống xói mòn và thiết kế hàng trồng theo đường đồng mức, đồng thời với việc trồng cây thảm phủ họ đậu trước khi trồng cao su.

Vườn cây tái canh phải được trồng đúng thời vụ, bảo đảm kỹ thuật trồng, chỉ trồng cây cao su có tầng lá. Nhằm đạt mục tiêu 2 tấn/ha bền vững, ở năm cuối KTCB phải quy hoạch bảng cạo cho cả chu kỳ khai thác sau đó. Cụ thể là: Tiêu chuẩn mở cạo vanh thân (chu vi) đạt từ 50cm trở lên, độ dày vỏ đạt từ 6,0mm trở lên. Chuyển dần từ chế độ cạo D3 sang D4, hiện tại công ty đang cạo chế độ cạo D4 100% diện tích. Bảng cạo được quy hoạch theo Quy trình kỹ thuật 2020.

Trồng xen chuối trên vườn cây kiến thiết cơ bản của Cao su Bình Long. Ảnh: Vũ Phong
Bà Nguyễn Thị Hải Yến – Phó phòng Quản lý kỹ thuật Cao su Lộc Ninh: Xây dựng lộ trình thanh lý phù hợp để hướng dần tỷ lệ cân đối giữa vườn cây KTCB và kinh doanh

Để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây cần phải thực hiện tốt tất cả các khâu từ chuẩn bị cây giống, cơ cấu giống, trồng, chăm sóc vườn cây trong thời gian KTCB và cả trong giai đoạn kinh doanh. Về tiêu chuẩn vườn cây đưa vào mở cạo: Vườn cây khi đưa vào mở cạo phải có vanh thân và độ dày vỏ đủ tiêu chuẩn. Riêng giống RRIV 124 có độ dày vỏ mỏng, nên theo thực tế tại công ty, các vườn cây giống RRIV 124 mở cạo sau 7 năm KTCB, cho năng suất cao và các năm sau ổn định hơn. Trước khi chuẩn bị vào mùa cạo mới, công ty đều thực hiện quy hoạch bảng cạo cho tất cả các đối tượng vườn cây. Bảng cạo được quy hoạch theo hướng thu hoạch được sản lượng cao nhưng vẫn duy trì ổn định cho những năm sau.

Công ty luôn chú trọng công tác bảo vệ thực vật trên vườn cây. Áp dụng cơ giới hóa trong phun phòng trị các bệnh phấn trắng, nấm hồng và sử dụng thuốc có hiệu quả. Việc phun phòng trị bệnh tốt góp phần rất lớn trong nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây.

Hàng năm công ty đều xây dựng lộ trình thanh lý phù hợp để thanh lý dần những vườn cây tuổi cạo cao, những giống năng suất thấp, bị khô mủ nhiều, tái canh lại bằng những vườn cây có chất lượng tốt hơn. Hướng dần vườn cây công ty đến tỷ lệ cân đối giữa các nhóm vườn cây KTCB – kinh doanh và cân đối giữa các nhóm tuổi cạo của vườn cây kinh doanh.

MINH NHIÊN – VĂN VĨNH – THIÊN HƯƠNG (ghi)