Tiểu điền chăm sóc cao su cầm chừng, chờ giá mủ lên

CSVN – Vào khoảng năm 2009, 2010 giá mủ cao su tăng lên đỉnh điểm, người nông dân ồ ạt chặt hạ cà phê, điều để trồng cao su. Đến nay, khi cây cao su bước vào thời kỳ kinh doanh, giá mủ lại luôn ở mức thấp nên nhiều nông hộ quyết định không khai thác và chăm sóc cây cao su cầm chừng để chờ giá mủ lên cao.
Vườn cao su của ông Nguyễn Trung Quý vẫn chưa mở miệng cạo.
Vườn cao su của ông Nguyễn Trung Quý vẫn chưa mở miệng cạo.

Ông Nguyễn Trung Quý ở thôn 1, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk có 5 ha đất rẫy. Năm 2009, trước tình hình giá mủ cao su tăng cao, nhiều người dân trên địa bàn đua nhau mua giống và trồng cao su trên đất rẫy với mong muốn đổi đời, nên vợ chồng ông Quý quyết định vay mượn 100 triệu đồng từ nguồn quỹ tín dụng đầu tư trồng hơn 1 ha cao su trên vườn điều.

Qua 7 năm đầu tư chăm sóc, đến nay cây cao su bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh, nhưng ông vẫn chưa tiến hành khai thác mà để cao su và cây điều cùng phát triển. Ông cho biết, với giá mủ hiện nay, nếu thuê nhân công mở miệng và cạo mủ, thì số tiền gia đình có thể thu về rất ít, thậm chí là lỗ. Cho nên, hiện nay vườn cao su của ông vẫn chưa mở miệng cạo, mà chờ đến lúc nào giá mủ lên cao mới tiến hành cạo mủ.

Gia đình anh Phùng Văn Thanh ở thôn 10, xã Cư A Mung cũng tương tự, năm 2009 gia đình anh Thanh phá cây điều, đầu tư trồng hơn 1ha cao su tiểu điền thay thế với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhưng qua thời gian chăm sóc, đến thời kỳ cao su vào khai thác, giá mủ hạ thấp, trong khi các thương lái thu mua cao su với giá cố định 9 ngàn đồng đối với mủ bèo và 7 ngàn đồng cho mủ nước.

Theo tính toán, nếu thuê nhân công cạo mủ với mức trả 6 triệu đồng cho 1 tháng, thì gia đình không có lợi nhuận n ữa. Đối với vườn cao su 2 ha của gia đình ông Phùng Trung Kộng ở xã Ea Wy đến nay là năm thứ 8, thân cây phát triển rất tốt, nhưng gia đình vẫn chưa tiến hành mở miệng, cạo mủ. Không chỉ có gia đình ông Quý, anh Thanh hay ông Kộng mà nhiều hộ gia đình trồng cao su tiểu điền trên địa bàn huyện Ea H’Leo đều đang chờ giá mủ lên cao mới tiến hành khai thác.

Theo ông Nguyễn Anh Khuấn – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea H’Leo, quan điểm của cấp ủy, chính quyền huyện là phát triển cây cao su phải đạt cả 3 mục tiêu: Kinh tế – Xã hội – Môi trường; Tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; Phát triển cây cao su thành vùng nguyên liệu mang tính hàng hóa cao; Đồng thời việc phát triển phải đảm bảo theo đúng quy hoạch.

Năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định quy hoạch phát triển cây cao su toàn tỉnh đến năm 2020 là 66.800 ha, trong đó ở huyện Ea H’Leo trồng 18.821 ha cao su. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được 14.068 ha, tuy nhiên diện tích cây cao su tiểu điền theo quy hoạch đến năm 2020 là 2.100 ha, nhưng chỉ tính đến năm 2014 số diện tích này đã vượt lên con số hơn 3.220 ha. Nhiều khu vực không thuộc vùng quy hoạch phát triển cây cao su, nhưng người dân vẫn tự ý chuyển đổi từ diện tích cây cà phê, điều và một số loại đất khác sang trồng cao su.

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tự phát trồng cao su đặc biệt là những nơi đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp với cây cao su. Qua khảo sát, mặc dù việc tiểu thương thu mua mủ cao su với giá thấp hơn giá thị trường, nhưng đối với những gia đình có nhiều diện tích cây cao su vẫn chấp nhận thuê nhân công khai thác mủ, mặc dù mỗi ha cao su sau trừ chi phí chỉ lợi nhuận khoảng hơn 200 ngàn đồng. Đối với những hộ gia đình có diện tích cao su ít, đành chấp nhận chưa tiến hành khai thác mủ và việc đầu tư chăm sóc cũng dừng lại ở mức cầm chừng.

 Trường Ngữ