CSVN – Thợ giỏi khu vực Tây Nguyên hiện đang nắm giữ danh hiệu “Bàn tay vàng” 2 kỳ liên tục và nhiều danh hiệu khác của Hội thi cấp ngành. Với thành tích ấn tượng ấy, những người thợ giỏi các đơn vị Tây Nguyên rất tự tin và đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.
Bình tĩnh, tự tin
“Bản lĩnh nơi trường thi là quan trọng nhất, tinh thần không tốt và thiếu tự tin thì không thể nào đạt được thành tích cao”, đó là chia sẻ của “Bàn tay vàng” cấp ngành năm 2016 Trần Duy Đức. Còn “Bàn tay vàng” năm 2014 Trần Văn Dương, bày tỏ: “Tôi mong các thí sinh thật bình tĩnh và tự tin để vượt qua chính mình”. Đó là những lời nhắn nhủ, gửi gắm hết sức ngắn gọn, chân tình để những thợ giỏi có động lực bước vào sân chơi lớn.
Nhìn lại bảng thành tích của đoàn thợ giỏi các CTCS khu vực Tây Nguyên như: giải nhất toàn đoàn của Cao su Mang Yang, Cao su Chư Păh, Binh đoàn 15, hay “Bàn tay vàng” năm 2014 Trần Văn Dương (Cao su Chư Păh); “Bàn tay vàng” năm 2016 Trần Duy Đức và giải ba Bùi Xuân Thành (Cao su Chư Prông) và rất nhiều kiện tướng, có thể khẳng định thợ giỏi khu vực Tây Nguyên không hề thua kém bất cứ vùng miền nào về trình độ tay nghề.
Phần thưởng nào cũng có giá trị riêng, phía sau những chiếc huy chương lấp lánh, không chỉ là công sức của thí sinh mà đó còn là mồ hôi và tâm huyết của các huấn luyện viên (HLV). Đến ngày hội lớn, thợ giỏi sẽ vững tin hơn khi biết đằng sau mình luôn có những HLV giỏi hỗ trợ. Điển hình như chị Trương Thị Kiều – Cao su Chư Păh đã huấn luyện đoàn thợ giỏi công ty suốt 10 năm qua và đều đạt thành tích cao. Hay anh Võ Minh Sơn – Cao su Chư Prông, đã không phụ lòng mong đợi, khi đoàn thợ giỏi do anh hướng dẫn, đã mang về cho công ty danh hiệu “Bàn tay vàng” của Trần Duy Đức, giải ba của Bùi Xuân Thành tại Hội thi năm 2016.
Chuẩn bị chu đáo
Anh Trần Văn Phong – Trưởng Phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, cho biết: “Hội thi là nơi hội tụ những thí sinh giỏi nhất, để có thành tích, bên cạnh rèn luyện trình độ kỹ thuật, công tác chuẩn bị đến với hội thi cũng rất quan trọng. Thí sinh chuẩn bị không tốt, thiếu sót và chủ quan, để mất điểm ở những phần thi như lý thuyết và dụng cụ thì rất bất lợi”. “Người thợ cần có chút thời gian để làm quen với thời tiết, vườn cây của trường thi nên thường chúng tôi cho thí sinh đi sớm, thuê vườn cây của tiểu điền nào tương tự gần trường thi để thí sinh có thể làm quen”, chị Trương Thị Kiều – Phó Phòng kỹ thuật Cao su Chư Păh chia sẻ về bí quyết luyện quân.
Không xem nhẹ các nội dung thi, nhiều đoàn thợ giỏi đã có sự chuẩn bị rất chu đáo với việc không để cho thí sinh tự chuẩn bị dụng cụ và thiếu giám sát trong việc ôn luyện lý thuyết. Việc ăn, ngủ, sinh hoạt và luyện tập cũng được HLV kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe, tính kỷ luật.
Bên cạnh việc chuẩn bị của ban huấn luyện thì bản thân các thí sinh cũng tự ý thức tầm quan trọng của việc được lãnh đạo công ty chọn lựa đại diện cho đơn vị tranh tài. Hoàng Văn Sỹ – thí sinh vừa đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” năm 2018 Cao su Sa Thầy, cho hay: “Trình độ tay nghề thí sinh ngày càng tốt nên mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt. Thi thố có yếu tố may mắn, nhưng tâm lý vững mới là vấn đề cốt lỗi, quyết định đến thành tích. Tôi cùng các đồng đội đã sẵn sàng và tự tin tranh tài sau nhiều ngày học tập, rèn luyện”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- VRG và Tổng Lãnh sự Singapore thúc đẩy hợp tác kinh tế, phát triển bền vững
- Chứng nhận PEFC/VFCS thu hút doanh nghiệp gỗ và lâm sản
- Tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm: Những kết quả bước đầu
- Công ty CP Công nghiệp và XNK cao su: Thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng
- Hội nghị Cao su quốc tế 2015: Hướng đến năng suất cao, chất lượng tốt
- Cao su Tân Biên ra quân khai thác mủ
- Cao su Mang Yang quyết khai thác vượt 10% kế hoạch
- Huấn luyện võ thuật cho lực lượng tự vệ Cao su Tây Nguyên – miền Trung
- Cắt giảm phân bón- tiến thoái lưỡng nan
- VRG có 18 công ty nằm trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2022