Tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm: Những kết quả bước đầu

CSVN Xuân – Trước tình hình giá bán cao su giảm mạnh, trong năm VRG đã chỉ đạo các CTCS quyết liệt giảm suất đầu tư; tiết giảm chi phí, hạ giá thành, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Các CTCS tăng cường sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm nhân công, giảm suất đầu tư. Ảnh: Tùng Châu
Các CTCS tăng cường sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm nhân công, giảm suất đầu tư. Ảnh: Tùng Châu
Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm

Ngay từ đầu năm 2015, lãnh đạo VRG đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và Hướng dẫn số 876/BTCTCDN của Bộ Tài chính về việc thực hiện tiết giảm 5-10% chi phí, giảm giá thành sản phẩm của các TĐ, TCT Nhà nước. Đồng thời, triển khai sâu rộng việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng CBCNV trong từng đơn vị; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành SXKD.

Trong bối cảnh giá bán mủ giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ), Ban lãnh đạo VRG quán triệt chủ trương không tổ chức các hoạt động mang tính lễ hội, mà tập trung vào các hoạt động thi đua hoàn thành kế hoạch SXKD và chăm lo đời sống NLĐ. Các hội nghị, hội họp chưa cần thiết thì không tổ chức, hoặc kết hợp tổ chức một lần nhằm giảm chi phí. Đặc biệt, các đơn vị thành viên phải tập trung rà soát cắt giảm những khoản chi phí không cần thiết để hạ giá thành ở mức 30 triệu đồng/tấn.

Tiết giảm chi phí suất đầu tư trên 30%

Cùng với tiết giảm giá thành thì trong năm 2015 còn ban hành một chủ trương lớn khác, đó là giảm suất đầu tư theo từng vùng miền. Theo Chủ tịch HĐTV VRG Võ Sỹ Lực, đây là yêu cầu sống còn và là mệnh lệnh của thời cuộc, khi mà giá cao su liên tục sụt giảm. Thực hiện chủ trương này, trong năm qua, các CTCS đã tổ chức triển khai quyết liệt và đạt được kết quả nhất định. Tại khu vực Đông Nam Bộ, các CTCS Phú Riềng, Đồng Nai, Dầu Tiếng, Bình Long, Tân Biên, Đồng Phú, Lộc Ninh, Tây Ninh… rất tích cực và quyết liệt trong tiết giảm suất đầu tư, bằng việc rà soát cắt giảm các chi phí không cần thiết, tăng cường cơ giới hóa sản xuất, sử dụng vật tư nông nghiệp một cách hợp lý…

Khai hoang trồng mới cao su. Ảnh: Văn Vĩnh
Khai hoang trồng mới cao su. Ảnh: Văn Vĩnh

Tại Cao su Phú Riềng, suất đầu tư bình quân 1 ha theo định mức trên 103 triệu đồng, giảm còn 71 triệu, tỷ lệ tiết giảm chi phí là 31,3%. Tại Cao su Dầu Tiếng, xây dựng suất đầu tư bình quân năm 2015 là khoảng 70 triệu đồng/ha, giảm 32%. Công ty CPCS Tây Ninh, sau khi điều chỉnh chi phí và thực hiện một số giải pháp, đã tiết giảm được trên 35%. Công ty CPCS Phước Hòa cũng rà soát và cắt giảm các hạng mục không cần thiết. Công ty CPCS Phước Hòa là đơn vị có nhiều ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương giảm 30% suất đầu tư, các CTCS ở Tây Nguyên và Campuchia đã đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí nhân công, thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh trên vườn cây, khuyến khích CN trồng xen lúa, bắp để nâng cao thu nhập. Khó khăn nhất trong việc tiết giảm suất đầu tư là các CTCS miền núi phía Bắc và miền Trung do đặc điểm địa hình, thời tiết, hạ tầng kỹ thuật và cả yếu tố xã hội. Tuy nhiên, các đơn vị cũng đã có nhiều nỗ lực để quản lý và tiết giảm suất đầu tư theo chủ trương của VRG.

Các giải pháp tiết kiệm trong sản xuất, chế biến cao su

Để giảm chi phí điện năng, hiện nay, các CTCS tiến hành cải thiện hiệu suất năng lượng, áp dụng QMS (hệ thống quản lý chất lượng); EMS (hệ thống quản lý môi trường); thay đổi công nghệ sấy (chuyển sang LPG); cải tiến máy nghiền…

Đồng thời tiến hành thay thế, sử dụng trục cán có đường kính 410 mm ở dây chuyền mủ tinh thay cho trục cán 360 mm nhằm tăng cường momen của máy cán, giảm tần suất dừng máy trong quá trình cán. Lắp biến tần cho băng tải cốm dây chuyền mủ SVR 3L, giúp quá trình nạp nhiên liệu đều và liên tục ổn định trong quá trình gia công cơ học. Liệu pháp này sẽ làm giảm suất tiêu thụ điện 12% (từ 110kWh/tấn xuống 97 kWh /tấn).

Một số công ty đã sử dụng nhiên liệu LPG sạch thay thế dầu DO cho hệ thống sấy để tiết kiệm 9,4% nhiên liệu u7903 . hệ thống sấy mủ tinh, tiết kiệm 9,8% chi phí nhiên liệu ở hệ thống sấy mủ tạp. Giải pháp ứng dụng khí hóa từ nhiên liệu sinh khối (củi vụn, trấu) sản xuất khí gas thay thế dầu DO sẽ tiết kiệm 25,4% chi phí nhiên liệu ở hệ thống sấy mủ tinh, hệ thống sấy mủ tạp tiết kiệm 15,7 % nhiên liệu. Mặt khác, lắp biến điều khiển quạt làm nguội lò sấy.

Công suất tiêu thụ của quạt khi lắp máy biến tần là 2,57kW, tổng điện năng tiết kiệm được trong năm là 5.499 kWh/năm, chi phí tiết kiệm hàng năm là 7,4 triệu đ ồng/năm. Việc tái sử dụng nước triệt để từ các mương đánh đông mủ và rửa sơ bộ mủ sau khi qua máy cán kéo giúp tiết kiệm nước cho khu vực đánh đông và khu vực hồ bơm cốm cũng là giải pháp mà các nhà máy chế biến cao su áp dụng.

Với giải pháp này giúp tiết kiệm nước, giảm công suất vận hành cho hệ thống bơm nước cấp và hệ thống xử lý nước thải. Tiết kiệm chi phí vận hành cho hệ thống nước cấp và xử lý nước… Bằng những giải pháp hữu hiệu, năm 2015, các CTCS đã cắt giảm được chi phí chế biến cao su đáng kể, giảm từ 15 – 30%, tương đương từ 670.000 – 800.000 đồng/tấn. Tây Ninh, Bình Long, Phước Hòa, Dầu Tiếng… là các đơn vị cắt giảm giá thành mạnh nhất trong năm 2015.

Đức Trung