Quyết liệt thực hiện hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021

CSVNO – Đó là chỉ đạo của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG trong cuộc họp trực tuyến giữa ban lãnh đạo, ban chuyên môn Tập đoàn với các đơn vị miền Đông Nam bộ, vào ngày 9/6.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu chính Văn phòng VRG

Hiện nay, tại khu vực Đông Nam bộ (ĐNB), Tập đoàn có 15 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su; trong đó có 2 đơn vị sự nghiệp (Viện Nghiên cứu Cao su, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su), 5 Công ty TNHH MTV (Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh), 8 Công ty CP (Phước Hòa, Đồng Phú, Bà Rịa, Hòa Bình, Tây Ninh, Tân Biên, Phú Thịnh, Hàng Gòn); nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Bình Long

Kết quả sản xuất kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2020

Thời tiết 5 tháng đầu năm ở ĐNB có nhiều thuận lợi hơn so với mọi năm, vườn cây ít bị bệnh phấn trắng, đa số vườn cây khai thác bộ lá tương đối ổn định. Tình hình giá bán mủ duy trì ổn định và vượt mức dự báo, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong công tác tiêu thụ.

5 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích các công ty ĐNB trên 143.000 ha; trong đó, khai thác trên 89.000 ha, KTCB 51.346 ha (vượt 0,4% KH), tái canh 2.661 ha (đạt 47,8% KH). Tổng sản lượng cao su 52.077 tấn (đạt 25,3% KH); trong đó, khai thác 34.140 tấn (đạt 23% KH), thu mua 17.937 tấn (đạt 31,4% KH); chế biến 58.694 tấn (đạt 27% KH); tiêu thụ 70.271 tấn (đạt 32% KH). Doanh thu trên 3.490 tỷ đồng (đạt 28% KH); trong đó, doanh thu cao su trên 3.003 tỷ đồng (đạt 35,5% KH), giá bán bình quân gần 43 triệu đồng/tấn (vượt 15,1% KH). Lợi nhuận trước thuế 636,9 tỷ đồng (đạt 15,9% KH).

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Đồng Phú

Tổng số lao động của các công ty ĐNB là 29.013 người; trong đó, lao động trực tiếp 25.762 người, lao động gián tiếp 3.251 người. Trong 5 tháng đầu năm, kết quả SXKD tương đối khả quan nên tiền lương, thu nhập của NLĐ duy trì ổn định, thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Về công tác nông nghiệp, các công ty đang đẩy nhanh công tác thanh lý cưa cắt để tập trung cho tái canh. Đến nay, diện tích đã thực hiện tái canh là 2.661 ha (đạt 47,8 % KH) và dự kiến đến 31/7 sẽ hoàn tất công tác tái canh. Vườn cây KTCB tiếp tục duy trì công tác chăm sóc đúng quy trình, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vườn cây phát triển tốt, ổn định. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống cháy vườn cây. Các công ty đang chuẩn bị công tác bón phân đợt 1 cho vườn cây kinh doanh và KTCB thực hiện đúng tiến độ.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Bà Rịa

Các công ty chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở quỹ đất hiện có của công ty theo quan điểm sử dụng hiệu quả quỹ đất và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các công ty đã chủ động làm việc với Huyện, thị để rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm kế hoạch của công ty phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương hiện đang được xây dựng. Cụ thể: Diện tích đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất 51.086 ha; trong đó, Khu công nghiệp/Cụm công nghiệp trên 31.497 ha, Khu dân cư trên 1.117 ha, cây trồng khác 3.660 ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 13.026,88 ha. Mục đích khác 1.784 ha. Diện tích đất bàn giao về địa phương 13.766 ha.

Về 2 đơn vị sự nghiệp, Viện Nghiên cứu Cao su có tổng doanh thu 5 tháng đầu năm đạt 12,477 tỷ đồng (đạt 16,9% KH). Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên hoạt động đào tạo có một số thay đổi về thời gian và hình thức đào tạo; kết quả tuyển sinh tính đến 31/5 đạt 98%; doanh thu đạt 31,65 tỷ đồng (đạt 70,1% KH).

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia, Tập đoàn, địa phương, các công ty đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp, phương án và xây dựng kịch bản phù hợp để ứng phó với dịch bệnh. Hiện nay, chưa có ca nhiễm nào đối với NLĐ của các công ty.

Ngoài ra, các công ty cũng tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã ủng hộ 500 triệu đồng để mua vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Dầu Tiếng

Tại cuộc họp, các đơn vị đã trình bày những kiến nghị đề xuất đề nghị Tập đoàn hỗ trợ nhằm giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Cụ thể như: Tổng Công ty Cao su Đồng Nai kiến nghị Tập đoàn xem xét, điều chỉnh giảm kế hoạch thực hiện Chứng chỉ rừng năm 2021 từ 10.242 ha xuống còn 4.322,04 ha; để tiết giảm chi phí và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Cao su Dầu Tiếng kiến nghị Tập đoàn hỗ trợ giải quyết trong việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Dự án cụm công nghiệp Long Tân 50 ha. Cao su Bình Long kiến nghị Tập đoàn sớm có ý kiến với các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương để làm rõ việc miễn giảm thuế TNDN. Thuế TNDN nếu không được miễn giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn kết quả xác định vốn Nhà nước bàn giao sang Công ty cổ phần, cân đối tài chính của các đơn vị thành viên và Tập đoàn.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Phú Riềng

Cao su Lộc Ninh kiến nghị Tập đoàn tạo điều kiện cho công ty trong việc cấp vốn đầu tư cho công ty con tại Campuchia trong năm 2021. Tập đoàn có chính sách hỗ trợ cho CB.CNV người Việt Nam công tác tại Campuchia trong việc xuất, nhập cảnh, trong đó có chi phí cách ly tập trung tại Campuchia. Cao su Phước Hòa kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn xem xét cho công ty được sử dụng phần giá bán tăng thêm (trên 37 triệu đồng/tấn) để tăng thêm tiền lương để giữ chân người lao động cũng như tăng thêm phân bón cho vườn cây nhằm tăng sản lượng, giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cao su Hòa Bình kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn có kế hoạch làm việc với UBND tỉnh để thông qua Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất công ty theo quy hoạch chung của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2021 – 2030.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Lộc Ninh

Tại cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đã tập trung chỉ đạo các đơn vị ĐMB tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh”. Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG, phát biểu: “Các công ty ĐNB thực hiện rất tốt công tác nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm. Số liệu thống kê đến ngày 7/6, khu vực ĐNB khai thác trên 31.500 tấn, chiếm 41,4% toàn Tập đoàn, đạt 24% KH so với 23% toàn Tập đoàn, cao hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy sự chi phối và vai trò trụ cột của các anh cả ĐNB. Năm 2021, giá mủ tăng và ổn định, các công ty ĐNB tiếp tục bị cạnh tranh lao động gay gắt với các khu công nghiệp trên địa bàn, tôi đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện theo phương châm: cạo hết cây, lấy hết mủ, đẩy tăng thu nhập cho CNLĐ. Các công ty phải linh động thực hiện nhiều mô hình sản xuất, nhượng quyền sản xuất ở những nơi thiếu lao động… Đặc biệt, Công ty mẹ Tập đoàn dành nhiều nguồn lực, nhân lực để hỗ trợ các công ty bằng những chương trình thiết thực, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021”.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Phước Hòa

Ở lĩnh vực chế biến, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, cho biết: “Khu vực ĐNB hiện có 27 nhà máy, 46 dây chuyền với công suất thiết kế 320.000 tấn/năm. Đây là khu vực có chất lượng sản phẩm, môi trường chế biến tốt nhất Tập đoàn. Theo dự báo tầm nhìn đến năm 2040, các công ty ĐNB có sản lượng khai thác 166.000 tấn, không tính thu mua, chỉ chiếm 50% năng suất nhà máy. Chính vì vậy, các công ty cần rà soát lại quy hoạch công tác chế biến, tăng cường thu mua, gia công càng nhiều càng tốt. Mỗi đơn vị tập trung sản phẩm thế mạnh đặc thù, phát huy hiệu quả sản xuất, như Phước Hòa thế mạnh mủ CV, Dầu Tiếng mủ ly tâm, Đồng Phú và Bình Long mủ tờ… Năm 2021, các công ty cơ bản hoàn thành chứng chỉ rừng với 28.000 ha được giao, đề nghị các đơn vị tập trung xây dựng phương án quản lý rừng. thời gian qua cho thấy, đơn vị có chứng chỉ rừng giá bán sẽ tăng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Tây Ninh

Ở lĩnh vực tiêu thụ, ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG, nhận định: “Khu vực ĐNB không có tồn kho. Tính đến 31/5, toàn Tập đoàn tiêu thụ 130.000 tấn; hợp đồng dài hạn đã ký 199.500 tấn, gấp đôi các năm trước, khu vực ĐNB chiếm 105.000 tấn. Giá bán bình quân toàn Tập đoàn 41 triệu đồng/tấn, trong khi đó ở khu vực ĐNB, công ty có giá bán thấp nhất 41 triệu đồng/tấn, cao nhất 46 triệu đồng/tấn. Giá bán này dự báo sẽ duy trì tốt đến cuối năm”.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó TGĐ VRG Lê Thanh Hưng yêu cầu các đơn vị sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó. “Về thu mua, các đơn vị nên có kịch bản cụ thể, học hỏi các công ty có sản lượng thu mua cao. Về khó khăn trong lao động, nên có phương án giải quyết phù hợp, như: nhượng quyền khai thác, chế độ cạo, xây nhà để giữa chân NLĐ như Đồng Phú, Đồng Nai. Về vấn đề tiền thuê đất tăng dẫn đến giá thành tăng, nên nghiên cứu giảm chi phí đầu vào”.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Tổng Công ty Cao su Đồng Nai

Về quy hoạch sử dụng đất, ông Trần Công Kha – Phó TGĐ VRG, nhận định: “Thứ nhất, thực hiện theo Nghị quyết 30 của HĐQT Tập đoàn ngày 10/7/2020, đến nay đã có 11/11 công ty đã thống nhất quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 và đã đăng ký với tỉnh, đã hoàn thành nhiệm vụ HĐQT giao. Lưu ý các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về việc phát triển nhà ở xã hội. Đây là lĩnh vực dư địa còn rất lớn, khu vực này có rất nhiều KCN và nhà ở xã hội chúng ta được ưu đãi làm chủ đầu tư, không phải đấu giá theo quy định của pháp luật. Các công ty nên quan tâm đến vấn đề này và xin chủ trương của Tập đoàn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên đất cao su. Thứ 2, căn cứ Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31 năm 2021, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ chấp thuận dự án đầu tư hiện nay là Bộ Kế hoạch Đầu tư, như vậy đối với các KCN thay vì nộp cho tỉnh, sắp tới sẽ nộp cho Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đề nghị Ban Kế hoạch Đầu tư cùng Ban XDCB & KCN Tập đoàn tập trung hướng dẫn các công ty sớm hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp ngay trong tháng 6 này. Thứ 3, từ năm 2007, Tập đoàn được thông báo của Văn phòng Chính phủ là Tập đoàn được ưu tiên đầu tư KCN trên đất cao su, mong HĐQT, Ban TGĐ sớm đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để cho phép Tập đoàn được ưu tiên làm chủ đầu tư KCN và nhà ở xã hội trên đất Tập đoàn quản lý”.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Tân Biên

Trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tập đoàn, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG đề nghị: “Các đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó, phòng chống dịch phải lưu ý hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Phải thực hiện đúng, tốt yêu cầu phòng chống dịch và cần có phương án cụ thể tại KCN, văn phòng, nhà máy, vườn cây… Có kịch bản khi có trường hợp nhiễm bệnh. Tiếp tục xem xét, rà soát, kiện toàn, tăng cường vai trò của ban chỉ đạo phòng chống dịch ở mỗi đơn vị. Định kỳ phải có báo cáo đầy đủ theo yêu cầu. đặc biệt, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị”.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cao su Hòa Bình

Kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG chỉ đạo: “Về phòng chống dịch, ngay sau cuộc họp này, các đơn vị phải gửi văn bản báo cáo với tỉnh và đề nghị hỗ trợ tiêm vắc xin cho NLĐ. Về SXKD, các đơn vị cần quyết liệt thực hiện, hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021. Đề nghị các công ty ĐNB nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các tư lệnh ngành trong cuộc họp hôm nay. Tư lệnh các lĩnh vực và các ban chuyên môn phải có văn bản, hỗ trợ các đơn vị giải quyết các kiến nghị. Các đơn vị phải thể hiện vai trò của công ty mẹ đối với công ty con, đặc biệt ở Lào và Campuchia, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, quy chế luân chuyển cán bộ sẽ làm trong năm nay. Các đơn vị tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ. Hiện nay, lao động gián tiếp ở khu vực ĐNB là 11%, các đơn vị phải giảm xuống còn 8 đến 9% là vừa…”.

TRẦN HUỲNH