CSVNO – Những ngày cuối tháng 6, trên địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa lũ kéo dài khiến nhiều diện tích cao su bắt đầu khai thác mủ bị bật gốc, gãy đổ. Các tuyến đường lô, liên lô ở các vườn cây cao su sạt lở nghiêm trọng, chia cắt ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, khai thác và vận chuyển mủ cao su. Công sức của bao công nhân sau nhiều năm chăm sóc cao su có nguy cơ đổ sông, đổ bể.
>> VRG ủng hộ các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
>> Trên 5.000 cây cao su miền núi phía Bắc gãy đổ do mưa lũ
Nhiều diện tích bị quật ngã
Cùng với lãnh đạo Công ty CPCS Lai Châu, chúng tôi xuống các nông trường cao su vùng thấp huyện Sìn Hồ khảo sát trực tiếp diện tích cao su bị ảnh hưởng sau trận lũ lịch sử. Do xe ô tô không thể di chuyển đến đồi cao su bị thiệt hại vì vậy đường thủy là lựa chọn duy nhất để tiếp cận các địa điểm này.
Sau hơn hai tiếng di chuyển bằng thuyền, chúng tôi có mặt tại Nông trường cao su Căn Co là nông trường bị thiệt hại nặng nề nhất. Chứng kiến tại bản Nà Cuổi, Nậm Bành, Chăm Đanh, chúng tôi không khỏi xót xa trước bạt ngàn cao su bị gãy, bật gốc nằm nghiêng ngả, xiêu vẹo trải dài hàng trăm mét. Đa số những cây bị gãy đổ đều là những thân cây to đã cho thu hoạch từ hai năm nay. Nhìn cả vườn cây phút chốc trở nên hoang tàn, nhiều cán bộ, công nhân Nông trường chỉ biết đứng nhìn tiếc nuối. Tiền của, công sức bao nhiêu năm chăm bẵm, kỳ vọng về một cuộc sống ấm no đã bị sự tàn bạo của thiên tai thổi bay trong chốc lát.
Đứng thất thần bên đồi cao su bị bật gốc, anh Nguyễn Thọ Tú – Giám đốc Nông trường cao su Căn Co chia sẻ: “Theo thống kê, hiện nay diện tích cao su bị thiệt hại trên 50ha, trong đó 45ha đã cho khai thác mủ năm thứ nhất và năm thứ hai với thiệt hại khoảng 40 tấn mủ trong năm nay. Ngoài ra, các công nhân trong Nông trường cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khan hiếm về lương thực, thực phẩm, đặc biệt nhiều tuyến đường dẫn lên các đồi cao su bị sạt lở, xe máy không thể đi lại được nên công tác khai thác, vận chuyện mủ phải tạm dừng, ảnh hưởng đến việc đảm bảo kế hoạch sản lượng mủ đã đề ra”.
Ngoài thiệt hại về diện tích cao su, nhiều công nhân trong nông trường rơi vào tình cảnh mất nhà, mất người thân. Hiện Nông trường có 6 công nhân bị sập toàn bộ nhà. Anh Thần A Cao, bản Nà Cuổi, xã Căn Co tâm sự: “Tham gia làm công nhân cao su từ năm 2009, góp đất 3ha trồng cao su. Đợt lũ vừa qua diện tích cao su trong bản bị thiệt hại nặng nề mà cây bị thiệt hại đã cho thu hoạch, trong khi cuộc sống gia đình, người dân trong bản trông chờ vào cao su. Giờ diện tích cao su bị ngã đổ chỉ là đống củi, nhìn rất xót xa. Nỗi đau đè nặng hơn khi mưa lũ cuốn trôi mẹ tôi và cả ngôi nhà trong đêm”.
Tại Nông trường cao su Nậm Cuổi, 3ha cao su với gần 1.400 cây đang thời kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng của mưa lũ gãy cành, đổ nghiêng, gãy ngang cây, bật gốc không thể phục hồi. Nhìn những đồi cao su bị gãy đổ, nhiều người dân cũng như công nhân không khỏi xót xa, tiếc nuối nhìn diện tích cao su bị mất trắng. Gần 10 năm qua, nhân dân đã mong đợi đến ngày khai thác để được chia lợi tức khi tham gia góp đất trồng cao su giờ thì mất đi một nguồn thu đáng kể vì cao su gãy đổ. Cuộc sống của người dân cũng như công nhân của nông trường càng trở nên khó khăn hơn.
Nỗ lực khắc phục
Theo thống kê Công ty CPCS Lai Châu, có khoảng 150ha cao su bị thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó 70ha cao su đang cho thu hoạch, 80ha cao su đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản chuẩn bị đưa vào khai thác. Nghiêm trọng hơn 300 km đường lô, lên lô ở các đồi trồng cao su bị sạt lở, chia cắt gây cản trở cho quá trình chăm sóc, khai thác và vận chuyển mủ về điểm tập kết.
Trước thiệt hại do mưa lũ sạt lở đất gây ra cho cao su, công ty chỉ đạo các nông trường rà soát, thống kê toàn bộ diện tích bị thiệt hại; đồng thời lập hồ sơ để báo cáo tỉnh, VRG có hướng xử lý, khắc phục. Đối với những tuyến đường lô, lên lô bị chia cắt, sạt lở, vùi lấp, công ty huy động máy móc tập trung khắc phục và chỉ đạo từng Nông trường chủ động phối hợp, kịp thời thông tuyến để công nhân có thể đi xe máy vào khai thác mủ.
Anh Nguyễn Hồng Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CPCS Lai Châu cho biết: “Trong 15 ngày xảy ra mưa lũ ước thiệt hại 100 tấn mủ cao su. Do bị tắc đường nên các nông trường sẽ có hướng vận chuyển mủ theo đường thủy. Để đảm bảo đạt sản lượng theo kế hoạch đề ra 2.500 tấn, công ty chỉ đạo các nông trường sớm ổn định đời sống cán bộ, công nhân, khắc phục tạm các tuyến đường. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật cạo mủ đạt năng suất, sản lượng cao nhất để bù đắp cho diện tích cao su bị thiệt hại không thể khai thác”.
Hiện nay, Nông trường cao su Nậm Cuổi đang dồn sức khắc phục khó khăn ổn định sản xuất sau mưa lũ. Đối với điểm sạt lở Cuổi Tở – Nậm Coóng hơn 1.000m3 đất đá đã làm cho các khu vực lân cận công nhân không thể vào khai thác, Nông trường động viên công nhân khai thác sáng sớm, chiều tập trung khắc phục hốt đất đá. Với diện tích không bị ảnh hưởng, từ những ngày đầu tháng 7, Nông trường vận động công nhân tiếp tục cạo mủ lại đồng thời hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo sản lượng đạt cao nhất.
Tại Nông trường cao su Căn Co việc khắc phục càng khó khăn hơn bởi các tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng như: tuyến đường lên đồi cao su Tà Pưn (cũ) có 17 điểm sạt, 2 điểm mất đường ước tính 15.000m3 đất đá sẽ ảnh hưởng việc khai thác của 300ha cao su. Tuyến đường Nậm Bành – Cuổi Tở bị sạt lở 20.000m3 ảnh hưởng 200ha cao su không thể vào khai thác khi vận chuyển mủ. Nông trường động viên công nhân tạm thời san gạt để có thể đi bộ hoặc đưa xe máy vận chuyển mủ.
Với những diện tích cao su bị thiệt hại sẽ làm giảm năng suất, sản lượng mủ cao su trong mùa khai thác năm nay, tuy nhiên, Công ty CPCS Lai Châu sẽ nỗ lực khắc phục, tăng cường khai thác đảm bảo kế hoạch mủ đã đề ra. Cùng với đó, ổn định đời sống, khích lệ tinh thần cho cán bộ, công nhân viên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
PHƯƠNG LY
Related posts:
- Sự tôn vinh đặc biệt dành cho đơn vị đầu tiên của VRG tại nước ngoài
- Chuyển đổi xanh đồng bộ và hiệu quả
- Cao su Chư Sê – Kampong Thom tổ chức vui chơi Tết Chol Chnam Thmay cho người lao động
- Kinh tế gia đình - chìa khóa nâng cao đời sống
- Đồng hành cùng người lao động vượt khó, thi đua lao động sản xuất
- Cao su Phú Riềng: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững
- Cao su Lộc Ninh sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 51 năm thành lập
- Cao su Quảng Trị: Nâng cao hiệu quả nông nghiệp trong điều kiện đặc thù
- Ông Lê Văn Vui giữ chức Chủ tịch HĐTV Cao su Bình Long
- Cao su Bình Long: Gần 500 vận động viên tham gia hoạt động thể thao