Đồng hành cùng người lao động vượt khó, thi đua lao động sản xuất

CSVN – Trong giai đoạn khó khăn, các công ty đã có nhiều giải pháp động viên NLĐ ra sức thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Cao su Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo các công ty cao su về những giải pháp đồng hành cùng NLĐ thi đua vượt khó, tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động để nâng cao thu nhập cho NLĐ.

Ông Lê Tiến Vượng – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng: “Chuẩn bị tâm thế, ứng phó với những khó khăn có thể kéo dài hơn nữa”

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, tập thể CB.CNV LĐ trong toàn công ty đã luôn hăng hái thi đua, tích cực lao động sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.

Hiện nay giá bán mủ cao su giảm sâu, việc tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả hoạt động SXKD của công ty. Trước tình hình đó, lãnh đạo công ty đã có những kịch bản ứng phó và cố gắng nỗ lực để đảm bảo đơn giá tiền lương cho NLĐ không giảm. Để thực hiện được việc này đòi hỏi các tổ chức đoàn thể trong công ty cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến toàn thể NLĐ cùng đoàn kết, đồng lòng, thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của công ty; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạ giá thành, để có nguồn lực đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Tuy nhiên trong điều kiện xấu nhất, giá bán mủ cao su giảm xuống dưới mức 32 triệu đồng/tấn, trong bối cảnh đó lãnh đạo công ty xem xét trong điều kiện thực tế có thể phải giảm tiền lương. Vì vậy, kêu gọi toàn thể CB.CNV LĐ chuẩn bị tâm thế, cùng đồng lòng với ban lãnh đạo công ty để ứng phó với những khó khăn có thể kéo dài hơn nữa.

Ông Nguyễn Công Nhựt – Phó TGĐ Công ty CPCS Bà Rịa: “Giúp NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị”

Với diện tích vườn cây khai thác năm nay của công ty hơn 6.199 ha, trong đó vườn cây nhóm một là 3.428,95 ha, nhóm hai là 2.770,24 ha. Công ty dự kiến khai thác với sản lượng là 9.550 tấn, phấn đấu vượt từ 2 – 3% kế hoạch được giao.

Công ty đã và đang tích cực phối hợp cùng tổ chức đoàn thể phát động rộng khắp phong trào thi đua và khen thưởng vượt sản lượng hàng tháng, bắt đầu từ tháng 7. Trong tháng 7 và tháng 8 đã tổ chức khen thưởng cho 1.018 lượt công nhân hoàn thành kế hoạch sản lượng với số tiền 101,8 triệu đồng. Ngoài ra, công ty khen thưởng đột xuất trong công tác bảo vệ sản phẩm, đã khen thưởng cho lực lượng bảo vệ với số tiền 2,1 triệu đồng.

Thu nhập bình quân 8 tháng đầu năm 2023 của NLĐ toàn công ty trên 7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ chính sách được công ty thực hiện đầy đủ cho NLĐ theo đúng quy định, chăm lo chu đáo đến đời sống tinh thần, vật chất giúp NLĐ yên tâm công tác gắn bó với công ty.

Ông Lê Đức Hân – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: “Không ngừng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất”

Những tháng cuối năm 2023, công ty tiếp tục củng cố bộ máy quản lý điều hành theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và hiệu quả. Đối với công tác khoán và liên kết, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình khoán sang mô hình công nhân và áp dụng chế độ cạo linh hoạt đối với diện tích cao su liên kết. Trong công tác khai thác, chú trọng nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật từ công ty đến nông trường nhằm không ngừng phát huy tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mặt khác, phối hợp với Công đoàn công ty chỉ đạo Công đoàn cơ sở tổ chức nhiều hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa NLĐ với công ty. Bên cạnh mức thu nhập bình quân hơn 8,6 triệu đồng/người/tháng, công ty cùng với các tổ chức đoàn thể có nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ từng bước vượt qua khó khăn, như: tặng quà cho lao động khó khăn; hỗ trợ tài chính cho lao động bị tai nạn lao động, thiên tai… Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, công ty đã thống nhất với Công đoàn công ty trích quỹ phúc lợi hỗ trợ cho 1.358 NLĐ nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập công ty với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng cùng nhiều chương trình an sinh xã hội khác.

Ông Đặng Ưng – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Sa Thầy: “Phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất”

Để hoàn thành kế hoạch sản lượng giao trong năm 2023, chúng tôi đã và đang thực hiện 5 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Công tác quản lý, điều hành; nâng cao tay nghề kỹ thuật cạo mủ; nâng cao năng suất, sản lượng mủ trên vườn cây; tích cực trong công tác phòng trị các loại sâu bệnh hại; áp dụng, nhân rộng các mô hình giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Trong đó, nhóm giải pháp quản lý, điều hành; nâng cao tay nghề kỹ thuật cạo mủ và áp dụng, nhân rộng các mô hình giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật là hết sức quan trọng, có sự ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch sản lượng khi kết thúc năm.

Đối với nhóm giải pháp về quản lý, điều hành chúng tôi tăng cường kiểm tra, thường xuyên có mặt tại vườn cây để động viên khích lệ tinh thần NLĐ. Với nhóm giải pháp áp dụng, nhân rộng các mô hình giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chúng tôi tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất vườn cây và năng suất lao động góp phần giảm giá thành sản phẩm. Áp dụng các cải tiến của hệ thống máy móc, thiết bị vào sản xuất để giảm sức lao động và giảm chi phí chung. Đồng thời, nhân rộng và lan tỏa các sáng kiến, cải tiến trong sản xuất đã được công nhận qua nhiều năm của công ty cũng như trong Tập đoàn.

Bên cạnh đó, phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, năng suất vườn cây qua đó tăng thêm thu nhập; thường xuyên thăm, hỏi động viên NLĐ vượt khó hoàn thành nhiệm vụ. Với mức lương bình quân của NLĐ toàn công ty 10 triệu đồng/người/tháng, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, các chế độ đi kèm, nên NLĐ ở công ty rất yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của công ty, sẵn sàng gắn bó lâu dài, vượt khó với đơn vị.

Ông Hoàng Hữu Tuấn – TGĐ Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom: “Quản lý hiệu quả năng suất lao động từ   việc giao khoán”

Khó khăn chung của các công ty đầu tư tại Campuchia đó là duy trì và ổn định lực lượng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, do đó, công ty tích cực làm tốt chính sách an sinh xã hội để NLĐ có thể “an cư lạc nghiệp” và xem thu nhập từ thành quả lao động tại công ty chính là nguồn sống chủ yếu của gia đình. Từ đó mới ổn định, duy trì và thu hút được lao động và NLĐ có thể gắn bó lâu dài với công ty.

Bên cạnh đó, công ty đã quản lý hiệu quả năng suất lao động từ việc giao khoán. Kế hoạch sản lượng hàng tháng được giao khoán cho từng NT, từng đội và từng công nhân dựa trên năng lực vườn cây nhưng đảm bảo cho công nhân đạt được tỷ lệ vượt nhất định. Đơn giá tiền lương sản lượng bao gồm đơn giá sản lượng định mức và đơn giá sản lượng vượt định mức. Bảng công khai sản lượng được niêm yết minh bạch tại địa điểm tập kết mủ để công nhân có thể theo dõi hàng ngày, trên đó thể hiện rõ sản lượng thực hiện ngày, lũy kế tháng để NLĐ có thể cân đối được sản lượng đã thực hiện được so kế hoạch, tính toán được thu nhập đã đạt được nhằm tạo động lực để phấn đấu.

Trong trường hợp có công nhân nghỉ cạo, sẽ vận động công nhân khác cạo choàng để tăng thêm thu nhập đồng thời phần cây không bỏ cạo. Những ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của Luật Campuchia, công ty tổ chức vận động công nhân cạo bù đủ những ngày nghỉ, sản lượng công nhân cạo trong những ngày bù sẽ được tính đơn giá sản lượng vượt và công nhân còn được bồi dưỡng sức khỏe bằng hiện vật. Điều đó được công nhân hưởng ứng và đã trở thành nề nếp tại công ty, giúp cho công ty hoàn thành kế hoạch được giao.

VĂN VĨNH – VŨ PHONG – TUỆ LINH