CSVN – Sau khi xem clip do Tạp chí Cao su VN đăng tải trên trang tin tapchicaosu.vn và diễn đàn facebook/tapchicaosu, nhiều bạn đọc đã tranh luận về hiệu quả của loại máy cạo mủ.
Nên thử nghiệm cẩn thận để tránh lãng phí
Bạn Vycute Nguyen viết: “Trước tiên xin nói về kinh tế, một con dao cạo mủ bình thường của người CN giá trị khoảng dưới 500 ngàn là một con dao tốt và CN có thể tự trang bị hoặc hư thì sửa được. Còn về giá của chiếc máy này thì từ 2,5 triệu cho đến 4,5 triệu/máy nếu trang bị cho toàn thể CN ngành cao su thì số tiền rất lớn, vì ngành cao su có cả mấy chục ngàn CN khai thác. Đó chưa kể tiền mua pin, chi phí sửa chữa máy rồi sau mấy năm trang bị lại máy khác hoặc CN mới vô làm cũng sẽ trang bị máy mới. Mỗi CN trung bình phải có 2 máy vì máy kia hư còn máy này để làm tiếp. Đó là một bài toán kinh tế mà ai cũng thấy.
Cái thứ hai là dụng cụ sửa và các thiết bị thay thế khi hư thì CN sẽ mua ở đâu vì đa số máy nhập thì các linh kiện cũng nhập. Thứ ba đó là thêm vào nội quy lao động là mất máy hoặc nếu máy hư CN phải đền, phải đặt trường hợp mất máy thật hay là mang về nhà xài. Nội quy lao động sẽ quy định như thế nào…
Còn về sản lượng mủ so với cạo bình thường như thế nào thì phải có thời gian chứng minh. Có thể áp dụng một người CN cạo máy một ngày và cạo tay một ngày cùng một vườn cây để xem mủ chảy có khác nhau không hoặc sản lượng khác nhau không mới có kết luận. Tuy nhiên, sau khi các đồng nghiệp CN của tôi xem clip do Tạp chí Cao su VN đăng thì đa số CN họ nói “Cạo dao bình thường còn lấy góc chuẩn nên cho mủ lâu” hoặc “Cạo bằng máy chỉ có độ sâu nhất định nên nếu cạo mủ mùa cao điểm cuối năm mủ chảy không nhiều”.
Dù sao đi nữa nếu nói về kinh tế tôi khẳng định không thể áp dụng trong ngành được vì số tiền trang bị rất lớn trong khi sản lượng mủ chưa chắc bằng việc cạo bằng tay. Giữa một dao cạo bằng tay dưới 500 ngàn và một máy 4 triệu mà sản lượng, chất lượng như nhau thì nên chọn cạo bằng tay truyền thống. Muốn chứng minh, đề nghị mỗi công ty mua 25 máy trang bị một tổ sản xuất để xem tổ đó có hiệu quả so với các tổ khác hay không. Nếu chúng ta không cẩn thận thì sẽ gây lãng phí rất lớn”.
Áp dụng cải tiến nếu hiệu quả hơn truyền thống
Trước ý kiến của bạn Vycute Nguyen, bạn Thắng Nguyễn cho rằng, bạn Vy phân tích có thể đúng nhưng chưa đủ. Theo bạn Thắng Nguyễn, Vycute Nguyen chỉ phân tích khía cạnh kinh tế phải tốn ban đầu mà không nghĩ rằng một người CN nếu có máy cạo mủ sẽ cạo nhiều hơn cạo truyền thống. Ví dụ nếu cạo bình thường một người CN sẽ cạo từ 500-700 cây, nếu có máy thì có thể người CN sẽ cạo hơn 1.000 cây thậm chí là hơn mà không tốn sức. Nếu như cạo máy làm được như vậy sẽ tăng sản lượng mủ cho CN, mà có sản lượng mủ nhiều CN sẽ có thêm thu nhập, giảm sức nặng nhọc và sự mệt mỏi cho người CN, tăng kích thích tinh thần lao động. Và quan trọng nếu có máy móc sẽ bù đắp khoản thiếu hụt CN, trong trường hợp máy làm tăng số lượng cây cạo và sản lượng. “Nếu chúng ta cứ khư khư giữ những cái cũ không dám áp dụng cái mới, có thể lúc đầu chỉ bằng hoặc thua cái truyền thống, nhưng dần dần sẽ khắc phục và hoàn thiện hơn, thì nên áp dụng những cải tiến mới”, bạn Thắng Nguyễn đúc kết.
BBT
Related posts:
- Dục Nông nhiều năm liền dẫn đầu sản lượng Cao su Kon Tum
- Giữ màu xanh cho rừng: Khởi sắc kinh tế lâm nghiệp
- Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật rộng khắp, hiệu quả
- Cao su Phú Riềng: Hiệu quả kinh tế từ những sáng kiến
- Hiệu quả từ phong trào "lao động giỏi", "lao động sáng tạo"
- Trồng xen canh giúp tăng thu nhập
- Thước "thông minh" chia mặt cạo
- Tập trung cải tiến năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp
- Cao su Chư Prông: phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Cải tiến van xả áp trên bình phun phòng trị bệnh cao su góp phần tăng năng suất lao động