CSVNO – Ngày 17/4, tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, VRG đã tổ chức Hội nghị năng lực chế biến và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG. Hơn 200 đại biểu là khách hàng nước ngoài, trong nước và các đơn vị thành viên VRG đã tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, ông Trần Minh – Trưởng Ban Công ngiệp VRG đã báo cáo năng lực chế biến và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG. Với phương châm xây dựng sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG có chất lượng tiên tiến, phù hợp với nhu cầu thị trường, có chất lượng đồng đều, ổn định và các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 3769 của quốc gia và tiêu chuẩn ISO 2000 của quốc tế. Sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG là sản phẩm có chất lượng cao hơn theo tiêu chuẩn riêng của VRG là tiêu chuẩn TCCS 112. Sản phẩm này là kết quả của quá trình cải tiến hệ thống QLCL và công nghệ.
Để đạt chất lượng các sản phẩm thương hiệu cao su thiên nhiên VRG theo tiêu chuẩn TCCS 112, Tập đoàn xây dựng, điều chỉnh các quy trình sản xuất từ vườn cây đến nhà máy, tuân thủ nghiêm ngặt các bước trong quy trình sản xuất: Kiểm soát nguồn nguyên liệu theo quy trình “SẠCH” TCCS 111. Cải tiến Quy trình, công nghệ chế biến từ truyền thống chuyển sang quy trình mới đạt TCCS 112.
Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, cho biết: “Lắng nghe từ những chia sẻ của khách hàng, VRG đã xây dựng bộ tiêu chuẩn và giới thiệu ra thị trường sản phẩm cao su thương hiệu VRG theo TCCS 112 nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu thụ. VRG chọn Tây Nguyên, đặc biệt là Cao su Chư Prông – đơn vị vùng xa, vùng biên giới để tổ chức hội nghị, với mong muốn giới thiệu đến khách hàng trong nước và quốc tế về các sản phẩm, chất lượng, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị khối Tây Nguyên. Hiện nay, VRG có thể sản xuất trên 50.000 tấn/năm sản phẩm mang thương hiệu VRG TCCS 112. Năm 2018, VRG lập kế hoạch sản xuất cao su thương hiệu VRG với số lượng 71.000 tấn cao su khối các loại, chủng loại SVR 10 chiếm 68%. Trong đó khu vực Đông Nam bộ là 19.000 tấn, Tây Nguyên 5.000 tấn, Lào và Campuchia 47.000 tấn”.
Ông Trần Công Kha – Phó TGĐ VRG, nhận định: “Thực tế hiện nay, các công ty thành viên của VRG đều sở hữu một thương hiệu, tuy nhiên, sức lan tỏa của mỗi thương hiệu khác nhau. Với quy mô sản xuất ngày càng tăng, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cao su thiên nhiên thống nhất trong toàn Tập đoàn là điều kiện tiên quyết nhằm tập trung sức mạnh, tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ ổn định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Năm 2019, toàn bộ các công ty thành viên đều có sản phẩm cao su thiên nhiên mang thương hiệu VRG của tập đoàn và năm 2020, phải có ít nhất 50% sản phẩm mang thương hiệu VRG”.
Tại hội nghị, VRG đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG với Tập đoàn Sintex và Công ty TNHH MTV Sailun Việt Nam.
Ông Roger Lo – Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sintex, nhận xét: “Sintex và VRG đã có hơn 5 năm hợp tác. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng sản phẩm của VRG. Đặc biệt là sản phẩm cao su thiên nhiên mang thương hiệu VRG. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch cụ thể để hợp tác tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu VRG”.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG, cho biết: “Tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm cao su thiên nhiên mang thương hiệu VRG là vấn đề cấp thiết và quan trọng để phát triển ổn định và bền vững. VRG hiện có khoảng 50 nhà máy chế biến mủ cao su với công suất thiết kế 479.000 tấn/năm. Sản phẩm cao su thiên nhiên của VRG đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước (xuất khẩu gần 70 quốc gia trên thế giới). Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao về mặt chất lượng của các nhà tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới, nhất là các hãng sản xuất vỏ xe có yêu cầu tiêu chuẩn riêng biệt, thì VRG phải tiếp tục cải tiến chất lượng và xây dựng thành thương hiệu mạnh”.
Năm 2018, VRG tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm cao su VRG theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới sản phẩm có chứng chỉ về môi trường như FSC, PEFC, VPA – FLEGT, với phương châm: phát triển bền vững – hợp tác – tính minh bạch – đầu tư an sinh xã hội.
VĂN VĨNH – NGỌC CẨM
Related posts:
- Các khu công nghiệp VRG cần phát huy thế mạnh
- Phát triển các ngành nghề có triển vọng để tăng doanh thu, lợi nhuận
- Cao su Bình Long dẫn đầu Khối Đông Nam bộ 2
- Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng giữ chức chủ tịch HĐTV Cao su Dầu Tiếng
- Cao su Dầu Tiếng thưởng Tết bình quân 15,5 triệu đồng/người
- Thu nhập bình quân Thủy điện Geruco Sông Côn trên 23,6 triệu đồng/người/tháng
- Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại Cao su Lai Châu 2
- Ông Nguyễn Đăng Hậu – Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và công nghệ IVT: "Dự án chuyển đổi số của VRG ...
- Cần khen người lao động trực tiếp nhiều hơn cán bộ
- Thi nâng ngạch chuyên viên chính: Trình độ cán bộ ngày càng chuẩn hóa